“Net” về nông thôn

Đến xã Tây Giang (huyện Tây Sơn, Bình Định), hỏi bất cứ nông dân nào về phương án chữa bệnh cho gia súc, gia cầm hay biện pháp thâm canh lúa, mía… cũng được họ trả lời vanh vách. Câu chuyện thật mà tưởng như đùa này bắt đầu xuất hiện ở Tây Giang từ khi “net” về làng quê này.
“Net” về nông thôn

Đến xã Tây Giang (huyện Tây Sơn, Bình Định), hỏi bất cứ nông dân nào về phương án chữa bệnh cho gia súc, gia cầm hay biện pháp thâm canh lúa, mía… cũng được họ trả lời vanh vách. Câu chuyện thật mà tưởng như đùa này bắt đầu xuất hiện ở Tây Giang từ khi “net” về làng quê này.

  • Học trên “net”

Năm 2005, anh nông dân tên Hồ Thành Tâm (thôn Thượng Giang 2, xã Tay Giang) “chơi sang” khi đầu tư gần chục triệu đồng lắp đặt dàn máy vi tính cho con gái học. Ở trường thầy cô dạy cho con, về nhà con gái dạy lại cho cha và người cha càng học vi tính… càng “ghiền”.

Năm 2006, khi internet vừa có mặt tại địa phương, anh Tâm là một trong những người lắp đặt tiên phong. Lang thang trên “net”, anh nhận ra trên đó là cả một kho tàng về tri thức, kỹ thuật, biện pháp chăn nuôi… mà những nông dân như anh đang cần.

“Net” về nông thôn ảnh 1

Nhờ truy cập “net”, anh Tâm (bên trái) và anh Bình đã biết được nhiều giống heo lai, kỹ thuật chăn nuôi heo mang lại hiệu quả cao. Ảnh: HOÀNG TRỌNG

Cũng trong năm 2006, khi xã Tây Giang đang rộ lên phong trào nuôi heo thịt siêu phẩm thì dịch bệnh hoành hành, cán bộ thú y địa phương bó tay. Chợt nhớ đến Google anh Tâm lên mạng “sợt” (search) và tìm được phác đồ điều trị, giúp chữa bệnh thành công. Anh Tâm nhân rộng phác đồ điều trị cho nhiều người nuôi heo khác cùng làm theo. Nhận thấy giống heo địa phương có mức đầu tư cao nhưng năng suất thấp, anh Tâm lên mạng tìm rồi làm theo mô hình nuôi các giống heo lai và cũng nhanh chóng thành công. Từ đó, mỗi lần cần con giống, cây giống, biện pháp thâm canh, kỹ thuật, giá cả nông sản… anh Tâm đều lên mạng tìm. Nhờ ứng dụng “net”, mô hình sản xuất của anh Tâm ngày càng hiệu quả, thu nhập của gia đình ngày càng khá lên, bản thân anh lần lượt được công nhận nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh rồi đến cấp quốc gia.

Ngoài 5 sào ruộng, 3 sào đất trồng hoa màu cố định, hiện trong chuồng nhà anh Tâm có 60 con heo thịt, 6 con heo nái, 1.000 con gà và một kho chứa thức ăn chăn nuôi để bán cho các nông dân khác… Góp nhặt tất cả, trừ mọi chi phí, mỗi năm gia đình anh thu lãi ròng từ 200 đến 300 triệu đồng.

Anh Tâm cho biết: “Tôi lên “net” thấy việc chăn nuôi, trồng trọt kết hợp với kinh doanh thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng, phân bón là mô hình “thời thượng” của nhiều tỷ phú nông dân ở Việt Nam nên làm theo. Biết nông dân mình luôn thiếu vốn trong việc đầu tư sản xuất, chăn nuôi, tôi bỏ tiền mua tất cả những gì bà con cần rồi bán “chịu” cho họ, đến mùa thu hoạch bà con sẽ thanh toán. Tôi lên “net” tìm nhà cung ứng hàng hóa tận gốc, uy tín nên giá thành sản phẩm của tôi luôn thấp hơn các đại lý bên ngoài…”.

  • Ứng dụng thực tế

Năm 2008, được sự giúp sức của Hội Nông dân tỉnh Bình Định, anh Tâm thành lập Câu lạc bộ nông dân ứng dụng internet xã Tây Giang. Ban đầu câu lạc bộ (CLB) này chỉ có 10 thành viên do anh Tâm làm chủ nhiệm. Sau 3 năm hoạt động, số hội viên tham gia CLB đã lên đến 32 người.

Nói về hiệu quả từ “net”, anh Tâm sảng khoái cho biết: “Nông dân như chúng tôi làm sao biết và nhớ được những biện pháp phòng chống dịch bệnh, kỹ thuật trồng trọt… nhưng nếu lên “net” tìm, ghi chép lại và áp dụng theo thì “ok” ngay. Bây giờ ở xã Tây Giang có rất nhiều nông dân sử dụng thành thạo máy tính và biết lên “net” để tìm kiếm những thông tin mình cần. Thậm chí, nhiều nông dân làm trang trại còn thành lập cả trang web để rao bán hay đặt mua những sản phẩm mình cần”.

Thành công của mô hình CLB nông dân ứng dụng internet, anh Tâm tiếp tục thành lập CLB chăn nuôi heo với số hội viên tham gia hơn 60 người. Không chỉ có nông dân ở Tây Sơn mà nhiều nông dân ở các huyện lân cận như: Vĩnh Thạnh, An Nhơn, thành phố Quy Nhơn… cũng tham gia CLB này. Nhờ ứng dụng “net” trong sản xuất và chăn nuôi, từ một hộ có kinh tế khó khăn, gia đình anh Phạm Quang Bình (ở thôn Thượng Giang 2, xã Tây Giang) - một thành viên của CLB chăn nuôi heo - đã có thu nhập gần 100 triệu đồng mỗi năm từ nuôi heo, trồng mía, trồng mì...

Tìm tòi, học hỏi trên “net”, anh Bình nuôi thành công giống heo siêu nạc theo mô hình của một chủ trang trại ở tỉnh Đồng Nai. Hiện trong chuồng anh có 40 con heo thịt, 4 con heo nái siêu nạc để cung ứng heo giống cho nông dân trong vùng. Anh Bình cho biết: “CLB góp mặt nhiều thành viên chăn nuôi có “tên tuổi” nên nhiều công ty giống cây trồng, vật nuôi hay các công ty sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi… tìm đến liên kết với chúng tôi để giới thiệu sản phẩm, trình diễn mô hình. Nếu “bí” vấn đề gì, chúng tôi gửi email hỏi các nhà khoa học ở những trường đại học nông nghiệp và đều nhận được phản hồi. Qua đó, kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi, thâm canh của các thành viên trong CLB ngày càng được nâng cao”.

Ông Huỳnh Thành Danh, phụ trách Văn phòng Hội Nông dân huyện Tây Sơn, nhận xét: “Phong trào nông dân ứng dụng internet trong sản xuất, kinh doanh ở huyện Tây Sơn ngày càng phát triển rầm rộ. Nhờ biết truy cập internet mà nông dân trong huyện có thể học hỏi những mô hình làm kinh tế giỏi, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Không chỉ đơn thuần làm giàu, thay đổi lớn nhất là nông dân đã biết cách hội nhập theo quy luật khắc nghiệt của thị trường. Nhờ vậy, trong năm 2010, toàn huyện Tây Sơn đã có 2.650 nông dân sản xuất giỏi các cấp, tăng hơn năm trước 12%. Nếu tiếp tục phát huy, nhân rộng những mô hình sản xuất có hiệu quả, kết nối với thị trường bên ngoài… số nông dân sản xuất giỏi của địa phương chúng tôi sẽ tiếp tục tăng trong các năm tới”.

HOÀNG TRỌNG

Tin cùng chuyên mục