Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung của Luật Phòng chống ma túy

Nếu “bắt mạch” không trúng, sẽ phải làm lại từ đầu

“Nói tốn kém là chưa trúng với TPHCM”
Nếu “bắt mạch” không trúng, sẽ phải làm lại từ đầu

Chiều 10-5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống ma túy và việc thực hiện Nghị quyết số 16/2003/QH11 ngày 17-6-2003 của QH về việc thí điểm tổ chức, quản lý và dạy nghề cho người sau cai nghiện ở TPHCM và một số tỉnh, thành phố khác trực thuộc trung ương.

“Nói tốn kém là chưa trúng với TPHCM”

Tại buổi thảo luận tổ chiều qua, đoàn ĐBQH TPHCM đã dành phần lớn thời gian để chỉ ra những cái được của 5 năm triển khai thí điểm tổ chức, quản lý và dạy nghề cho người sau cai nghiện ở TP. ĐB Huỳnh Thành Lập cho rằng, sau 5 năm thí điểm, TP cần chính thức báo cáo với QH, với cả nước, đề án sau cai nghiện là hoàn toàn đúng, là một chứng minh về quy trình cai nghiện cần thiết bao gồm 2 giai đoạn: cai nghiện và quản lý sau cai nghiện.

Tham gia vào phiên thảo luận, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nói: Ý kiến cho rằng đề án sau cai tốn kém là chưa trúng với TPHCM. Ông dẫn chứng, trước khi có NQ 16, tình hình hết sức phức tạp, trong khi phương pháp đang làm là cai nghiện 1 năm, sau đó lại tái nghiện, rất tốn kém vì năm nào cũng phải làm như vậy.

Nếu “bắt mạch” không trúng, sẽ phải làm lại từ đầu ảnh 1

Học viên cai nghiện được dạy nghề trước khi trở về hòa nhập với cộng đồng. Ảnh: THÁI BẰNG

ĐB Lê Doãn Hợp (Hưng Yên) cũng nhấn mạnh: Việc tổ chức, quản lý và dạy nghề cho người sau cai nghiện được thực hiện thí điểm tại TPHCM và một số tỉnh, thành phố, cũng như cần phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống ma túy là chủ trương đúng.

Tuy nhiên, những điểm sửa đổi, bổ sung vẫn chưa rõ. Bởi trên thực tế, người nghiện chỉ cai được khi không trả về môi trường cũ, còn ngược lại, khi trả về gần 100% là nghiện lại và còn nặng hơn.

Một gia đình có người nghiện thì cả gia đình suy sụp không sản xuất kinh doanh được, ảnh hưởng đến người dân xung quanh, rồi tệ nạn xã hội... Do đó, tách người nghiện ra khỏi gia đình là điều cực kỳ quan trọng nên QH cần bàn vấn đề này theo hướng chiến lược hơn. “Theo tôi, cần có một trung tâm tập trung đào tạo việc làm cho người sau cai nghiện để họ được học nghề, làm ra sản phẩm để tự nuôi sống được chính mình, thay vì sau đó trả về cộng đồng”, ĐB Hợp nói.

Đồng tình với quan điểm này, ĐB Phạm Quý Tỵ (Bình Dương), cho rằng, có giải pháp giữ người sau cai nghiện tại một chỗ để dạy nghề và để họ làm ra sản phẩm nuôi sống chính mình là tốt nhất. “Về quan điểm nếu tiếp tục thực hiện NQ 16 là tốn kém thì tôi cho rằng không hẳn vậy. Thời gian qua, việc chúng ta đào tạo nghề cho họ rồi sau đó trả về địa phương thì những người đó có công ăn việc làm không nhiều lắm.

Trong khi đó, nếu như số người sau nghiện này ra ngoài xã hội, như ở TPHCM chẳng hạn với hơn 20.000 người và với tỷ lệ tái nghiện cao thì những hậu quả mang lại cho xã hội còn tốn kém hơn nhiều”, ĐB Tỵ phân tích. Cũng theo ĐB, nếu không tiếp tục thực hiện thí điểm NQ 16 thì cần thiết phải luật hóa những nội dung trong NQ 16 để có cơ sở pháp lý thực hiện. ĐB Huỳnh Thành Lập cũng “tha thiết đề nghị các ĐBQH tiếp tục ủng hộ TPHCM và các tỉnh đang thí điểm bằng cách luật hóa tinh thần NQ 16 vào Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi”.

Tổ chức lại các trung tâm sau cai nghiện

Từ kinh nghiệm thực tế của một địa phương đã thực hiện thí điểm, ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cũng cho rằng, vấn đề là phải tổ chức lại các trung tâm sau cai nghiện để dạy nghề cho họ. Bởi có những nơi dạy nghề cho người sau cai nghiện không giúp ích gì nhiều khi ra ngoài xã hội như trồng cao su (chưa kể họ còn làm cây chết). Cần xây dựng tập trung một số trại có quy mô, bài bản tại khu vực Bắc – Trung – Nam để dạy nghề, cho họ lao động tại chỗ thay vì mỗi địa phương lại có một trung tâm.

Về điều này, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho rằng: “Sau 5 năm thí điểm rồi, nếu mình “bắt mạch” không trúng, luật ra không phù hợp với thực tế thì xem như chúng ta phải làm lại từ đầu... Tôi rất lo sắp tới có phương án đưa về cộng đồng – nghe thì có vẻ rộng mở hơn. Nhưng trước chúng ta cũng đưa về cộng đồng rồi, có gia đình giữ con em trong nhà nhưng bạn bè vẫn tuồn ma túy vào được. Vì vậy, gia đình không quản lý được, phải có quản lý tập trung sau cai, có công ăn việc làm”. Theo Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, cái yếu của chúng ta hiện nay là công tác quản lý ở các trung tâm.

Nhằm ngăn ngừa đối tượng nghiện, ĐB Lê Văn Hưng và ĐB Vũ Quang Hải (Hưng Yên) cho rằng, cần thiết phải xây dựng quan điểm rõ ràng trong việc ứng xử đối với người nghiện, không thể chỉ là xử lý hành chính mà còn phải xử lý cả hình sự đối với hành vi này để người khác tránh, chống hiện tượng thanh, thiếu niên đua đòi theo.

Hà My – Đinh Lan

Tin cùng chuyên mục