Nga sắp hết dầu mỏ?

Trong tuần qua, giá dầu mỏ đã vượt mức 126 USD/thùng. Việc giá dầu tăng liên tiếp đã khiến không ít người lo ngại khả năng dầu tăng lên 200 USD/thùng trong vòng 2 năm nữa sẽ trở thành hiện thực. Nhưng chưa hết lo ngại này lại đến hoảng sợ khác khi cuối tuần qua, một tạp chí của Nga cho đăng tải bài viết gây sốc với tiêu đề “Cạn kiệt dầu mỏ”, theo đó đưa ra dự đoán về việc bao giờ Nga hết dầu mỏ và điều này tác động thế nào đến nền kinh tế của một đất nước sống chủ yếu nhờ xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên.

Tờ báo trên cho biết theo những số liệu do các chuyên gia thu thập và phân tích theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên thiên nhiên, sau 20 - 30 năm nữa Nga sẽ không còn tài nguyên thiên nhiên. Xuất khẩu tài nguyên mang lại cho ngân sách Nga hơn 70% thu nhập nhưng trong tương lai không xa nữa nguồn tài nguyên phong phú của Nga có thể sẽ không còn gì hết.

Con người đã phung phí quá nhanh những gì mà trái đất tích cóp hàng tỷ năm và quan điểm này ngày càng được nhiều người ủng hộ. Giá dầu đạt kỷ lục trên 126 USD/thùng trong tuần qua càng làm tăng thêm ham muốn “vắt” mạnh hơn các giếng dầu. Trong khi đó trữ lượng của các mỏ dầu dễ khai thác thì có vấn đề. Rất nhiều nước phương Tây đã không khỏi giật mình đặt câu hỏi vì sao Nga lần đầu tiên sau 10 năm qua đã giảm 1% sản lượng khai thác dầu vào đầu năm nay.

Có một chân lý không cần phải chứng minh đó là mọi tài nguyên sớm hay muộn rồi sẽ cạn kiệt, vấn đề chỉ còn là thời gian. Hiện tại câu hỏi được quan tâm nhất là khi nào dầu mỏ sẽ cạn kiệt? Các chuyên gia đều thống nhất với đáp án là “sẽ rất sớm”. Kolin Kampbell, người sáng lập Hiệp hội nghiên cứu khai thác dầu - khí tối ưu, cảnh báo: “Việc phát hiện các mỏ dầu mới đã đạt đỉnh vào những năm 60, bây giờ thế giới khai thác dầu nhiều hơn so với tốc độ phát hiện mỏ mới và sự chênh lệch này ngày càng tăng”.

Theo ông, hiện nay chúng ta đang chứng kiến sự kết thúc của “thế kỷ dầu mỏ”. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên thiên nhiên Alexei Varlamov cho biết: “Các mỏ dầu lớn đang cạn dần, chỉ có chi phí khai thác là tăng còn sản lượng khai thác thì giảm. Tỷ lệ trữ lượng dầu khó khai thác ở Nga hiện vượt quá 60%. Trữ lượng ở các mỏ này vào khoảng 40 - 50 tỷ tấn, song một phần tư nằm ở thềm lục địa không dễ tiếp cận. Theo các chuyên gia Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), việc tăng sản lượng khai thác dầu mỏ ở Nga sẽ được thay thế bằng sự sụt giảm ngay từ năm 2010 do việc khai phá các vùng Tây Siberia, Povolzhye và Ural trong tương lai gần sẽ đem lại ít “vàng đen” hơn.

Tình hình khí đốt thì không tồi về mặt tiềm năng nhưng trên thực tế việc khai thác giảm 0,8% mỗi năm. Mặc dù các mỏ nằm trong vòng Bắc cực, được đưa vào khai thác nhưng điều này cũng không tạo ra sự thay đổi căn bản. Các mỏ khí đốt đã được phát hiện ở Đông Siberia, tại thềm lục địa biển Okhot (là một phần của Thái Bình Dương nối 2 bờ của Nga và Nhật Bản) hứa hẹn sản lượng khai thác lên tới 800 tỷ m3/năm (sản lượng của năm 2007 là 650,76 tỷ m³). Song ở đó thiếu hạ tầng cơ sở và chất lượng khí không thật cao, khó khai thác.

Nhiều người lạc quan vẫn cho rằng nhiều mỏ dầu sẽ được phát hiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết có thể sẽ có các mỏ mới nhưng quy mô của chúng sẽ nhỏ hơn nhiều so với các mỏ cũ. Các nhà nghiên cứu thống kê rằng 50 năm qua quy mô trung bình của các mỏ mới được phát hiện chỉ bằng 1/10 so với trước đó. 

ANH VĂN (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục