Nga và CSTO

Thỏa thuận thành lập lực lượng quân sự chung của 7 nước thuộc Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO-Nga, Belarus, Armenia, Kazakhstan, Tajikistan, Uzebekistan và Kyrgyzstan) để phản ứng nhanh trong không gian các nước SNG, Kyrgyzstan tuyên bố đóng cửa căn cứ không quân Mỹ  là những kết quả gây chú ý tại cuộc họp thượng đỉnh của CSTO vừa diễn ra ở Mátxcơva.

Về việc thành lập lực lượng phản ứng nhanh của CSTO, đây được xem là lực lượng để chống khủng bố, đối phó với nguy cơ xâm lược, chống buôn lậu ma túy cũng như khắc phục hậu quả thiên tai. Tổng thống Armenia Serzh Sargsyan, đương kim Chủ tịch CSTO, nhấn mạnh tầm quan trọng của quyết định thành lập lực lượng phản ứng nhanh, xem đây là cách để tăng cường khả năng quân sự của CSTO.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev khẳng định “lực lượng này sẽ không thua kém NATO”. Ông cũng thêm rằng nguyên nhân dẫn đến việc thành lập lực lượng là do tiềm ẩn xung đột trong khu vực CSTO. “Lực lượng quân sự chung của CSTO sẽ trở thành một công cụ hiệu quả duy trì an ninh trong khu vực”, Tổng thống Nga nói. Trên lý thuyết, CSTO đã có lực lượng quân sự chung nhưng chưa được chỉ đạo dưới một bộ tư lệnh chung và chưa có căn cứ. Bộ tư lệnh này sẽ đặt ở Nga, cho thấy vai trò quan trọng của nước Nga với lực lượng này.

Quyết định thành lập lực lượng quân sự chung của CSTO cho thấy Nga và các thành viên CSTO giờ đây muốn khẳng định vai trò của mình trong khu vực Trung Á sau nhiều năm Mỹ gây ảnh hưởng lên khu vực này. Hơn thế nữa, lực lượng của CSTO được xem là một đối trọng khi NATO mở rộng sang phía Đông. Cuộc chiến Nga-Gruzia đã chứng minh rằng Nga đang cần một khối liên kết như thế nào nếu NATO nhảy vào can thiệp khi Gruzia trở thành thành viên của NATO.

Giám đốc các chương trình chính trị thuộc Hội đồng Chính sách đối ngoại và quốc phòng của Nga, ông Andrei Fedorov nói: “Không nghi ngờ gì nữa, Nga quan tâm đến một lực lượng nhằm cân bằng với NATO”. Như để khẳng định thêm ảnh hưởng của CSTO, đại sứ Nga tại NATO Dmitry Rogozin cho biết nếu Mỹ rút khỏi căn cứ không quân Manas, CSTO sẽ sử dụng căn cứ này.

Như vậy, Mỹ muốn nói chuyện căn cứ Manas thì không chỉ nói chuyện với Kyrgyzstan mà phải nói chuyện với CSTO, trong đó có Nga. Báo chí Mỹ cho rằng việc Kyrgyzstan từ chối để 1.000 quân Mỹ dùng căn cứ không quân này là do áp lực từ Nga sau khi Nga cho Kyrgyzstan vay ưu đãi 2 tỷ USD cùng với 150 triệu USD viện trợ không hoàn lại và xóa nợ 180 triệu USD. Căn cứ Manas chỉ cách thủ đô Kabul 1 giờ bay được xem là điều quá thuận tiện cho Mỹ, nhất là trong bối cảnh Mỹ sắp tăng quân tại Afghanistan. Nếu Quốc hội Kyrgyzstan thông qua quyết định đóng cửa căn cứ trên, Mỹ chỉ còn 180 ngày để thu dọn rút quân.

Nga nhiều lần khẳng định việc hợp tác với Mỹ chống Taliban tại Afghanistan cũng như ngăn chặn chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan tại khu vực Trung Á. Thế nhưng hợp tác như vậy không có nghĩa là Nga tự để mất quyền lợi và ảnh hưởng của mình tại Trung Á, điều này cũng tạo ra nguy cơ an ninh với Nga không kém chủ nghĩa khủng bố và cực đoan.

Vũ Minh

Tin cùng chuyên mục