Ngăn bạo lực từ nhiều hướng

Nhằm ngăn chặn bạo lực do các đối tượng cực đoan cánh hữu gây ra, Chính phủ Đức đã thông qua nhiều biện pháp, trong đó có những quy định cứng rắn hơn về sở hữu súng đạn và giám sát chặt chẽ hơn phát ngôn trực tuyến gây thù hận. 
Vũ khí thu giữ trong các cuộc tấn công của các nhóm cực đoan.
Vũ khí thu giữ trong các cuộc tấn công của các nhóm cực đoan.

Theo những biện pháp vừa được thông qua, các nền tảng trực tuyến và truyền thông xã hội phải thông báo cho cơ quan an ninh và cảnh sát khi phát hiện nội dung gây thù hận. Nếu nhà chức trách nghi ngờ có nội dung phạm pháp như kích động, xúi giục, thì các nền tảng trực tuyến sẽ phải công bố địa chỉ IP của nghi phạm. Chính phủ Đức cũng cấm bán súng cho thành viên các nhóm cực đoan nằm trong diện giám sát của cơ quan an ninh. Ngoài ra, còn có chương trình tăng cường hỗ trợ tài chính cho hoạt động chống chủ nghĩa cực đoan, các nhóm phản đối chủ nghĩa bài Do thái. Đây không phải là lần đầu tiên Chính phủ Đức có biện pháp chống lại hành vi cực đoan. Trước đó, từ năm 2017, Đức đã áp dụng điều luật cho phép phạt tới 50 triệu EUR (55,57 triệu USD) đối với các trang mạng truyền thông xã hội không lập tức dỡ bỏ nội dung kích động bạo lực và thù hận. 

Các biện pháp trên được ban hành trong bối cảnh Chính phủ Đức đang chịu sức ép phải khẩn trương hành động sau vụ sát hại một chính trị gia ủng hộ người nhập cư hồi tháng 6 vừa qua, và gần đây là vụ tấn công vào một giáo đường Do Thái và một cửa hàng bánh mì ở thành phố Halle đầu tháng 10 khiến 2 người thiệt mạng và 2 người bị thương. Cả hai vụ trên đều do các đối tượng cánh hữu gây ra. Những đối tượng này đã sử dụng nền tảng trực tuyến mà các phần tử cực đoan thường lợi dụng để phát tán tư tưởng phân biệt chủng tộc và đe dọa nhằm vào một số chính trị gia. Đầu tháng này, thành phố miền Đông nước Đức Dresden buộc phải tuyên bố tình trạng “phát xít khẩn cấp” và thông qua một nghị quyết chống lại chủ nghĩa cực đoan cực hữu, sau khi giới chức cảnh báo về sự trỗi dậy của bạo lực và sự ủng hộ dành cho một số nhóm ủng hộ cực đoan cực hữu.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ và Cơ quan Bảo vệ Hiến pháp liên bang Đức, số lượng đối tượng cực đoan cánh hữu hiện sinh sống tại nước này là 24.100 người, tăng 100 đối tượng so với năm 2018, khoảng một nửa trong tổng số này  được cho là có “xu hướng bạo lực.” Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho biết khoảng 9.000 phần tử cực đoan cánh tả cũng có xu hướng trên. Theo báo cáo trên, số lượng tội phạm có động cơ chính trị giảm nhẹ, tuy nhiên số vụ bạo lực lại gia tăng 2,3%, lên 1.156 vụ. 

Chỉ tính riêng trong năm 2018 xảy ra 48 vụ bạo lực liên quan đến các phần tử cực hữu với động cơ bài Do thái, tăng 20 vụ so với năm 2017. Nhận định về việc gia tăng bạo lực cực hữu tại Đức, giới chức an ninh nước này cho rằng, đây là vấn đề rất nghiêm trọng do hoạt động tấn công không chỉ diễn ra ngoài đời thực mà ở cả trên không gian kỹ thuật số. Do đó, việc phải tăng cường quản lý các phát ngôn thù địch lẫn truyền bá tư tưởng cực đoan trên không gian mạng cần phải được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, các cơ quan an ninh của Đức cũng cần đẩy mạnh chiến dịch phá vỡ các cấu trúc này sớm nhất có thể trước khi các nhóm cực đoan tự chuyển hóa thành các tổ chức khủng bố.

Tin cùng chuyên mục