Ngăn chặn kinh doanh du lịch “chui”

Trong hoàn cảnh kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, thị trường khách quốc tế có dấu hiệu giảm sút nhưng các thị trường khách Nga, Hàn Quốc… đến Việt Nam vẫn tăng cao. Đây là niềm vui cho ngành du lịch.

Trong hoàn cảnh kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, thị trường khách quốc tế có dấu hiệu giảm sút nhưng các thị trường khách Nga, Hàn Quốc… đến Việt Nam vẫn tăng cao. Đây là niềm vui cho ngành du lịch.

Hàn Quốc vẫn tiếp tục là thị trường khách quốc tế lớn thứ 2 của Việt Nam, khi có đến hơn 700.000 lượt khách Hàn Quốc đến Việt Nam trong năm 2012 và 5 tháng đầu năm 2013 cũng có đến hơn 331.000 lượt khách. Thị trường khách Nga cũng có sự tăng trưởng đột biến 60% - 70% trong 2 năm qua, với hơn 174.000 lượt khách Nga đến Việt Nam trong năm 2012 và hơn 136.000 lượt khách trong 5 tháng đầu năm 2013.

Số lượng khách của 2 thị trường trên khá cao, nằm trong tốp 10 thị trường khách quốc tế đến Việt Nam và đây sẽ là những thị trường khách mang lại nguồn thu lớn cho ngành du lịch. Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn thu từ những thị trường trên chưa được như mong đợi. Với thị trường Hàn Quốc, dường như chúng ta đã bất lực, buông tay trong việc quản lý cũng như tham gia vào chuỗi dịch vụ phục vụ du lịch. Đây là vấn đề đã tồn tại nhiều năm qua. Đó chính là nạn tổ chức hoạt động, kinh doanh du lịch “chui” tại thị trường Việt Nam.

Phần lớn khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam thông qua các công ty du lịch của họ, tất cả các dịch vụ phục vụ du lịch đều nằm trong chuỗi khép kín của doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam. Khách du lịch Hàn Quốc sang du lịch Việt Nam, ăn ở, nghỉ dưỡng đều ở các dịch vụ của doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam. Câu chuyện này đã được đề cập nhiều nhưng tình hình ngày càng trở nên mất kiểm soát, doanh nghiệp dịch vụ du lịch của Việt Nam ngày càng nằm ngoài chuỗi phục vụ này. Giám đốc một công ty lữ hành lớn tại TPHCM chia sẻ, những năm trước đây, doanh nghiệp còn tổ chức, phục vụ tour cho đối tác gửi khách từ Hàn Quốc nhưng đến nay còn rất ít. Theo các doanh nghiệp du lịch Việt Nam, phải có hơn 50% lượng khách từ Hàn Quốc đến Việt Nam thông qua kênh du lịch khép kín như thế này.

Một trong những nguyên nhân làm doanh nghiệp du lịch Việt Nam nằm ngoài chuỗi dịch vụ này chính ở việc thiếu nguồn nhân lực phục vụ, nhất là đội ngũ hướng dẫn viên (HDV) du lịch nói tiếng Hàn. Việt Nam đón trên 700.000 lượt khách Hàn Quốc nhưng chỉ có khoảng 70 HDV tiếng Hàn được cấp thẻ. Riêng tại TPHCM, số HDV tiếng Hàn được cấp thẻ chỉ có 5 người. Tiếng Hàn được xem là ngoại ngữ hiếm của du lịch Việt Nam! Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tổ chức tour “chui” khá rầm rộ.

Hiện nay có rất nhiều người Hàn Quốc đang học tập, kinh doanh tại Việt Nam đang làm người đại diện, HDV cho các công ty du lịch tại Hàn Quốc. Những người này hoạt động như một văn phòng “chui” để trốn thuế tại Việt Nam. Khi bị kiểm tra, những HDV đối phó bằng cách cho rằng mình sống và làm việc tại Việt Nam, đang dẫn người nhà từ Hàn Quốc sang đi chơi. Mức phạt khi phát hiện HDV hành nghề không thẻ còn thấp nên không đủ sức răn đe… Rõ ràng, điều này đang gây thất thu lớn cho ngành du lịch.

Với thị trường khách Nga, chúng ta đang vui mừng vì sự tăng trưởng mạnh ở thị trường này, nhưng với những gì đang diễn ra, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam đang e ngại doanh nghiệp du lịch Nga cũng sẽ chọn cách làm như doanh nghiệp du lịch Hàn Quốc. Và như vậy, giá trị thật mà ngành du lịch Việt Nam có được sẽ rất ít.

HÀ NHAI

Tin cùng chuyên mục