Ngăn chặn kỳ thị vùng miền

Việc Công ty TNHH Kỹ nghệ gỗ Hoa Nét (ở KCN VSIP2, Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) không nhận lao động là người Cà Mau đang khiến dư luận quan tâm, vì đó là biểu hiện kỳ thị vùng miền, vi phạm chính sách đoàn kết dân tộc.

Việc Công ty TNHH Kỹ nghệ gỗ Hoa Nét (ở KCN VSIP2, Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) không nhận lao động là người Cà Mau đang khiến dư luận quan tâm, vì đó là biểu hiện kỳ thị vùng miền, vi phạm chính sách đoàn kết dân tộc.

Công ty này có chủ trương không tuyển lao động quê ở Cà Mau, nên khi phát hiện trong số lao động hiện hữu có người quê Cà Mau do “lỡ tuyển dụng”, giám đốc nhân sự đã gửi thông báo đề nghị các bộ phận chức năng chấp hành đúng chỉ đạo của lãnh đạo công ty là không tuyển người quê Cà Mau. Trước chuyện công ty này kỳ thị lao động quê Cà Mau, cũng đã có những doanh nghiệp kỳ thị, không tuyển lao động quê ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Theo lý giải của các doanh nghiệp này, việc họ không muốn nhận lao động quê Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh do các lao động quê ở đấy thường kết bè cánh, quậy phá, gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Còn với người lao động quê Cà Mau thì do hay ăn nhậu bê tha, lười biếng… Quan niệm và chủ trương kỳ thị đó là “quơ đũa cả nắm”, nhìn nhận thiển cận đối với cộng đồng người lao động ở các địa phương này.

Có ý kiến cho rằng, việc ký hợp đồng tuyển dụng lao động là thỏa thuận giữa chủ sử dụng lao động và người lao động, nên cũng khó bắt bẻ doanh nghiệp một khi họ cố tình thực hiện kỳ thị một cách ngấm ngầm. Điều 11 Bộ luật Lao động quy định người sử dụng lao động có quyền tăng, giảm lao động phù hợp với nhu cầu sản xuất kinh doanh. Vì vậy họ có toàn quyền trong tuyển dụng, lựa chọn lao động phù hợp với doanh nghiệp và không vi phạm pháp luật. Thế nhưng lập luận như vậy là không đúng. Ở các nước phát triển, việc phân biệt đối xử, kỳ thị dân tộc… bị pháp luật xử lý rất nặng. Hiến pháp nước ta cũng đã quy định rõ về việc nghiêm cấm mọi hành vi khinh miệt, áp bức, chia rẽ dân tộc.

Giải quyết chuyện này đòi hỏi sự khắc phục từ nhiều phía: quản lý nhà nước - doanh nghiệp - người lao động. Một khi các cơ quan chức năng không giám sát, kiểm tra và xử lý một cách nghiêm túc, triệt để theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật thì người lao động sẽ còn phải chịu nhiều o ép, thiệt thòi về mọi mặt, trong đó chuyện kỳ thị vùng miền chỉ là phần nhỏ. Lợi nhuận là mục tiêu hàng đầu của các doanh nghiệp, tuy nhiên, nếu doanh nghiệp chỉ biết đến lợi nhuận thì sẽ phát sinh nhiều mâu thuẫn giữa người sử dụng lao động và người lao động. Khi doanh nghiệp biết chăm lo cho người lao động, tạo điều kiện để người lao động hết lòng gắn bó với doanh nghiệp. Về phía người lao động cũng cần ý thức được rằng việc kết bè cánh, nhậu nhẹt, quậy phá, lười biếng là không nên. Lao động Việt Nam luôn được các công ty nước ngoài đánh giá siêng năng, chịu khó học hỏi và nhiều sáng tạo. Đó là những tố chất đáng quý giúp chúng ta thu hút được đầu tư.

LÊ UYÊN

Tin cùng chuyên mục