Ngăn chặn tin giả, tin xấu độc

Tại cuộc họp sơ kết 7 ngày thực hiện Chỉ thị 16 trên địa bàn TPHCM mới đây, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, nêu con số đánh giá sơ bộ: trong thời gian dịch bệnh, số tin giả, tin xấu độc đã tăng 20% so với trước.
Một thông tin giả lan truyền trên mạng xã hội
Một thông tin giả lan truyền trên mạng xã hội

Tràn lan tin giả

Ngày 19-7, trang thông tin của Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam - VAFC (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ TT-TT) công bố: Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội mấy ngày qua về “xác chết bệnh nhân Covid-19 ở TPHCM” là tin giả. Bức ảnh chụp những hình thân người được quấn bằng bao ni lông nằm la liệt trên sàn nhà, trông có vẻ như trong khuôn viên một bệnh viện. Tuy nhiên, qua xác minh từ cơ quan chức năng ở TPHCM và tìm hiểu thông tin từ mạng xã hội các nước, thì bức ảnh trên được chụp tại một bệnh viện ở tận… Myanmar. VAFC khuyến cáo người dân không chia sẻ thông tin trên, đồng thời chuyển thông tin đến cơ quan chức năng để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Cách đây chưa lâu, trong khi hàng triệu người dân TPHCM cùng lãnh đạo thành phố đang căng mình chống dịch thì nhiều tin tức thất thiệt cũng lan truyền trên mạng xã hội. Đó là tin “giới nghiêm toàn thành phố” từ 15-7, tin nam sinh viên 22 tuổi tử vong vì dịch Covid-19 dù người này đang được điều trị tại bệnh viện, tin Việt Nam sẽ “toang” chẳng kém gì Ấn Độ… Những tin tức này sau đó đã được cơ quan chức năng của TPHCM và VAFC công bố là không đúng sự thật. 

Theo thống kê của Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, chỉ tính riêng một số trang thông tin từ 1-7 đến nay đã phát đi hơn 280 tin bài xấu độc, mang tính xuyên tạc, chống phá chủ trương chính sách liên quan đến công tác phòng chống dịch ở Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng. Đó là chưa kể số lượng rất lớn tin bài trên các tài khoản mạng xã hội khác. Một số thông tin mà nếu tỉnh táo một chút sẽ thấy hết sức vô lý, nhưng cũng được lan truyền nhanh chóng trên mạng. Như tin TPHCM “nhốt” 5.000-6.000 người ở chợ Bình Điền, rồi kêu gọi cứu đói những người đang bị nhốt ở đây!

Hoặc mới đây là thông tin liên quan đến thực hiện chi trả hỗ trợ cho lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Toàn TPHCM có hơn 230.000 người được hỗ trợ, hoàn thành từ ngày 15-7. Việc chi trả do phường xã, thị trấn trực tiếp thực hiện, nơi nào ít cũng 200-300 người được nhận tiền hỗ trợ, có xã phường hỗ trợ cả ngàn người. Vậy nhưng nhiều người vẫn chia sẻ thông tin: “Ở huyện Nhà Bè, cả xã không có ai được nhận hỗ trợ, trừ một người là vợ chủ tịch xã”, kèm theo những lời bỉ bôi chính sách của Nhà nước. Sau khi chia sẻ thông tin này trong nhóm chat của cư dân chung cư, khi được hỏi lại thông tin cụ thể là ở xã nào, thì người chia sẻ không trả lời được và thừa nhận chỉ là tin đọc thấy trên mạng! 

Lấy gì lấn át tin giả, tin xấu? 

Từ nhận định “xã hội hiện nay bị tác động rất nhiều từ mạng xã hội”, đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh đây là lúc cần tăng cường hơn nữa công tác truyền thông. Theo đồng chí, thời gian qua công tác này đã có nhiều nỗ lực, chủ động đưa thông tin đến người dân, nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định. Một mặt, cần quản lý và xử lý nghiêm những thông tin có ý đồ phá hoại công tác phòng chống dịch, nhưng đồng thời phải đổi mới phương pháp, nội dung, cơ chế thông tin để chủ động hơn, nhanh hơn trong việc đưa thông tin chính thống, xác thực đến với người dân. 

Bên cạnh đó, TPHCM cũng phải thiết lập các kênh để tiếp nhận những thông tin phản ánh, bức xúc, những đề xuất, kiến nghị của người dân để kịp thời xử lý. Đây là lúc người dân có nhiều ý kiến cần được lắng nghe. Các cơ quan, tổ chức MTTQ đã có kênh tiếp nhận, đơn cử như tổng đài 1022, nhưng các kênh này cần hoạt động hiệu quả hơn để người dân tin tưởng gửi gắm ý kiến. 

Tăng cường thông tin chính thống, kịp thời cho người dân thông qua các kênh truyền thông, báo chí để “át đi” ảnh hưởng của tin giả, tin xấu độc cũng chính là giải pháp mà Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Lê Văn Minh đề cập. Theo đồng chí, từ ngày 1-7 đến nay, chỉ tính riêng 16 cơ quan báo chí trung ương đưa tin nhiều nhất về công tác phòng chống dịch ở TPHCM đã có 2.048 tin bài. Bảy cơ quan báo chí TPHCM cũng đưa hơn 6.000 tin bài. Hàng tuần, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM cung cấp thông tin cho ban tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy của 31 tỉnh thành phía Nam để từ đó có giải pháp hỗ trợ, chia sẻ cho TPHCM.

Từ những ý kiến này, các chuyên gia về truyền thông đặt vấn đề: Cơ quan chức năng cung cấp thông tin kịp thời, trung thực cho các cơ quan báo chí cũng là cách để góp phần ngăn chặn tin giả, tin xấu lan truyền trong người dân.

Cách nhận biết, phòng tránh và đối phó tin giả

Theo khuyến cáo của VAFC, trước tiên người dân cần kiểm chứng nguồn tin. Cụ thể là kiểm tra nhanh website đưa tin có liên hệ rõ ràng không, kiểm tra xem tác giả bài viết có đáng tin cậy không, tỉnh táo phân biệt xem liệu đó có phải là trò đùa của cư dân mạng? Liệu đây có phải tin tức cũ bị đăng lại, gán ghép vào sự việc hiện tại hay không? Sau cùng, có thể tham khảo ý kiến chuyên gia hoặc nguồn tin đáng tin cậy khác. Khi phát hiện tin giả cần thông báo về VAFC bằng các kênh như website: tingia.gov.vn; email: online.abei@ mic.gov.vn; điện thoại 18008108. Trung tâm này sẽ tiếp nhận, thẩm định và công bố đó là tin giả, tin sai sự thật hay tin xác thực. Cơ quan này cũng cảnh báo, nếu bịa đặt hoặc lan truyền thông tin biết rõ là sai sự thật, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính còn có thể bị xử lý hình sự.

Tin cùng chuyên mục