Ngân hàng Nhà nước nói không được ép, nhưng nông dân vẫn phải mua bảo hiểm khi muốn vay tiền

Ngày 20-12, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã chủ trì Hội nghị đối thoại giữa Thường trực UBND tỉnh với nông dân về chủ đề “Thúc đẩy liên kết và hợp tác – tiếp sức, hỗ trợ nông dân phục hồi và phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”.
Đại diện nông dân tỉnh An Giang nói các ngân hàng liên tục ép mua bảo hiểm khi muốn vay vốn sản xuất. Ảnh: QUỐC BÌNH

Đại diện nông dân tỉnh An Giang nói các ngân hàng liên tục ép mua bảo hiểm khi muốn vay vốn sản xuất. Ảnh: QUỐC BÌNH

Đây là diễn đàn quan trọng, dân chủ để đại diện nông dân trong tỉnh, các hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trực tiếp phản ánh tâm tư, nguyện vọng với Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về thành tựu và những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đề nghị nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đối thoại phát huy tinh thần thẳng thắn, cởi mở, tập trung thảo luận, trao đổi, nêu ý kiến ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể trên các lĩnh vực, trong đó, tập trung vào các vấn đề phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang nhận được sự quan tâm của nông dân và toàn xã hội.

Tại buổi đối thoại, đại diện Hội Nông dân huyện Tri Tôn nêu thực trạng, hiện nay các ngân hàng khép kín cơ chế, chính sách cho vay hoặc cho vay yêu cầu phải mua các gói bảo hiểm kèm theo, nông dân khó tiếp cận với Nghị định 68 của Chính phủ.

Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh An Giang khẳng định luật cho phép các tổ chức bán bảo hiểm, bán các sản phẩm liên kết thông qua tổ chức tín dụng. Các tổ chức bảo hiểm chỉ phối hợp giới thiệu tư vấn, bảo hiểm nhân thọ, còn bảo hiểm phi nhân thọ do sự cố thiên tai địch họa tư vấn thêm để bà con biết, mua dự phòng thêm. Mua bảo hiểm nhân thọ không bắt buộc kèm theo điều kiện cho vay, không ai được ép, làm khó bà con khi vay vốn.

Nông dân huyện Tri Tôn (An Giang) thu hoạch lúa. Ảnh: QUỐC BÌNH

Nông dân huyện Tri Tôn (An Giang) thu hoạch lúa. Ảnh: QUỐC BÌNH

Năm 2022, ngành nông nghiệp An Giang đã triển khai thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, góp phần vào tăng trưởng, phát triển chung kinh tế cả tỉnh, đồng thời, ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng, là bệ đỡ quan trọng giúp kinh tế An Giang vượt qua khó khăn. Ước thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2022 là 3,16%, vượt kịch bản đề ra (kịch bản đề ra là 2,7%). Trong đó, lĩnh vực trồng trọt đạt 31.648 tỷ đồng, tăng 2,3% tương đương 720 tỷ đồng (kịch bản để ra tăng 573 tỷ đồng); Chăn nuôi đạt 2.079 tỷ đồng, tăng 12,8%, tương đương 236 tỷ đồng (kịch bản để ra tăng 207 tỷ đồng); Thủy sản đạt 11.595 tỷ đồng, tăng 5,85%, tương đương 641 tỷ đồng (kịch bản đề ra tăng 620 tỷ đồng).

Ông Nguyễn Thanh Bình kết luận, hội nghị đối thoại với nông dân lần thứ nhất có hơn 13 câu hỏi, 30 ý kiến. Trong đó có bốn nhóm ý kiến liên quan đến thị trường, giá cả vật tư, chính sách vay vốn và phát triển các HTX.

"Đối thoại là mô hình hay, tôi đề nghị sẽ được tổ chức ít nhất mỗi năm một lần để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của nông dân. Qua đó thấy được trăn trở của nông dân về những vấn đề lớn, có tầm nhìn và năng lực tiếp cận thị trường hơn. Những vấn đề bà con quan tâm sẽ được trả lời trực tiếp tại hội nghị và sau tập hợp thêm các ý kiến, trả lời cho bà con từng vấn đề cụ thể, thỏa đáng", ông Bình nói.

Tin cùng chuyên mục