Ngàn năm bóng nước soi kim cổ

Theo Sở Xây dựng, nội thành Hà Nội có khoảng 111 hồ nước với tổng diện tích mặt nước rộng khoảng 1.165ha, trong đó có rất nhiều hồ đã đi vào lịch sử dân tộc: hồ Hai Bà, hồ Gươm, hồ Tây...
Ngàn năm bóng nước soi kim cổ

Theo Sở Xây dựng, nội thành Hà Nội có khoảng 111 hồ nước với tổng diện tích mặt nước rộng khoảng 1.165ha, trong đó có rất nhiều hồ đã đi vào lịch sử dân tộc: hồ Hai Bà, hồ Gươm, hồ Tây...

Thiên phú

Cổ kính mà kiều diễm, hồ Gươm hiện lên như một viên ngọc xanh giữa hàng liễu rủ và cây lộc vừng cổ thụ chín gốc đến mùa vẫn buông hoa đỏ thắm. Cùng với tượng vua Lê uy nghiêm, đền Ngọc Sơn cổ kính, cầu Thê Húc sơn son vươn mình đón ánh bình minh và ngọn Tháp Bút do văn nhân tài danh Nguyễn Siêu xây dựng đã tạo khu vực hồ Gươm là quần thể di tích hàng đầu của thủ đô ngàn năm tuổi.

Nhưng nếu như không người Việt Nam nào không biết đến hồ Gươm thì lại không phải ai cũng am tường lai lịch của hồ Thiền Quang (ánh sáng của Thiền). Không ít người, kể cả người thủ đô gốc, vẫn nhầm gọi tên hồ là “Thuyền Quang”.

Thời Pháp thuộc, hồ từng được gọi là hồ Ha-le theo tên phố Rue Halais - nay là phố Nguyễn Du. Trong bản đồ Hà Nội năm 1831, hồ Ha-le còn có tên là Liên Thủy. Dần dà, hồ bị lấp dần để mở phố cho tới năm 1930 mới định hình diện mạo như hiện nay. Các làng ven hồ xưa, trong đó có nhiều ngôi chùa cổ kính đã phải di chuyển.

Hoàng hôn trên Hồ Tây. Ảnh: MINH ĐIỀN

Hoàng hôn trên Hồ Tây. Ảnh: MINH ĐIỀN

Một nơi khác gắn với Hà Nội xưa đó là hồ Tây. Quanh hồ hiện có 21 ngôi đình, đền, chùa đã được xếp hạng với nhiều di tích nổi tiếng cùng 102 bia đá, 165 câu đối, 140 hoành phi, 18 quả chuông cổ, 60 sắc phong thần, trên 300 pho tượng bằng đồng, gỗ, đá...

Điều đáng nói nữa là dù ở trong cơn sóng đô thị hóa rất mạnh mẽ nhưng quanh vùng hồ Tây vẫn còn nhiều làng cổ ít nhiều giữ được bản sắc văn hóa từ xa xưa. Đó là làng Nghi Tàm, quê hương Bà huyện Thanh Quan với chùa Kim Liên u tịch. Đó cũng là làng Xuân Tảo với đền Sóc thờ Thánh Gióng; Trích Sài có chùa Thiên Niên thờ bà tổ nghề dệt vải lĩnh; Thụy Khê có chùa Bà Đanh.

Làng Nhật Tân, Phú Thượng tuy đã nhường gần hết đất cho các khu đô thị mới nhưng vẫn còn đó màu đào hồng ngày tết trong ký ức người Hà Nội xưa và nay. Ngày nay, ở Nhật Tân dù các vườn hoa đào đã biến mất gần hết nhưng cứ vài tháng trước Tết Nguyên đán, các nghệ nhân trồng đào vùng này vẫn mua đào từ nơi khác về xén tỉa, ủ nụ để dáng đào thanh nhã hơn, bung hoa thắm, trổ lộc non đúng độ.

...và nhân tạo

Thiên nhiên thực sự đã ưu đãi thủ đô ngàn năm tuổi khi ban tặng cho thành phố này hàng trăm mặt hồ xanh như ngọc bích. Nhưng không chỉ có thế. Có những mặt hồ xanh đã được tạo ra nhờ bàn tay, những giọt mồ hôi của những người đi trước.

Kiến trúc sư Lê Thanh Vân từng là một trong những người quyết liệt phản đối việc xây dựng khách sạn “nuốt” mất một phần công viên Thống Nhất với hồ Bảy Mẫu bởi thế hệ của bà (lớp thanh niên, học sinh sau ngày giải phóng thủ đô) đã từng chung tay biến bãi rác khổng lồ thành mặt hồ đẹp lung linh như thế.

Theo một nhà sử học, ở Hà Nội đầu thế kỷ 20, cứ khoảng 1.500 người dân sở hữu một cái hồ! Ông nhận xét, cái dịu dàng, thanh lịch trước đây - được coi là phong cách người Hà Nội - được hun đúc từ sự tĩnh lặng của những mặt nước hồ.

Hồ còn gắn liền với cuộc sống người dân, tạo ra một nếp sống riêng biệt với văn hóa và sinh hoạt đời thường. Phải nói thêm rằng, hồ làm đẹp cho những công trình xây dựng, nhưng chính những công trình xây dựng mới hiện đại, khang trang cũng tạo nên vẻ đẹp mới cho hồ.

Khu đô thị mới Linh Đàm ở phía Nam thành phố là một ví dụ cụ thể. Những ngôi biệt thự và tòa nhà chung cư cao tầng sang trọng, hiện đại, những khoảng cây xanh, đường dạo khá hào phóng (trong thời buổi tấc đất tấc vàng) ở đây đã làm cho hồ nước vốn mộc mạc đến hoang sơ trở nên lung linh, thanh tân hơn...  

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục