Ngăn ngừa trẻ đuối nước

Mới vào hè nhưng trên địa bàn các tỉnh Đông Nam bộ đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm ở trẻ em, để lại nhiều nỗi đau cho gia đình và xã hội.

Mới vào hè nhưng trên địa bàn các tỉnh Đông Nam bộ đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm ở trẻ em, để lại nhiều nỗi đau cho gia đình và xã hội.

Sự việc đau lòng xảy ra chiều 17-6 vừa qua tại xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) khi hai chị em ruột cùng bị đuối nước. Ấy là trong lúc trên đường từ nhà bà ngoại ra về, hai chị em Nguyễn Thị Tuyết Ngân (12 tuổi) và Nguyễn Công Mạnh (6 tuổi) không may rớt xuống hố công trình đang thi công bên đường và đuối nước chết.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, vào thời điểm cuối tháng 5-2015, người dân trên địa bàn khu phố Tân Ngọc, thị trấn Phú Mỹ (huyện Tân Thành) không khỏi xót xa khi chứng kiến thi thể 4 cháu bé tử vong do đuối nước ven bờ rạch suối Sao đổ ra sông Thị Vải. Đó là các em: Huỳnh Tiểu Vy (14 tuổi), Võ Thị Bé Trang (8 tuổi), Huỳnh Anh Đông và Vũ Nguyễn Hồng Ân (cùng 10 tuổi). Trong khi đó, trong 6 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh Bình Phước có 6 trẻ tử vong vì đuối nước. Gần đây nhất là vụ tai nạn xảy ra ngày 1-6, hai trẻ ở xã Đắk Ơ (Bù Gia Mập) cũng tử vong vì ngã xuống ao.

Vì sao ở vùng Đông Nam bộ liên tục xảy ra các vụ trẻ em đuối nước, nhất là vào mùa hè; số vụ năm sau cứ nhiều hơn năm trước? Không khó để “điểm mặt” các nguyên nhân chính: Do bản thân các em nhỏ chưa ý thức được những nguy hiểm khi tắm sông, suối, ao, hồ. Nhiều bậc phụ huynh xem nhẹ tai nạn đuối nước, thậm chí lơ là trong việc giám sát, nhắc nhở cũng như trang bị cho con em mình những kỹ năng cần thiết. Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội có nơi chưa chặt chẽ. Các mô hình phòng chống tai nạn thương tích, dạy bơi còn ít... Tình trạng trẻ tử vong do đuối nước phần lớn xảy ra ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi đời sống người dân còn nhiều thiếu thốn, khó khăn, trẻ em thiếu sân chơi nên tìm đến những thú vui, như tắm sông, suối hoặc xuống ao, hồ bắt tôm cá để thoải mái trong ngày hè, mà không lường được mức độ nguy hiểm. 

Công bằng mà nói, những năm gần đây, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, trong đó có đuối nước, đã được các cấp chính quyền của những địa phương vùng Đông Nam bộ quan tâm, tuyên truyền, hỗ trợ kinh phí mở các lớp dạy bơi, tổ chức nhiều buổi tuyên truyền cho trẻ em tại các trường học trên địa bàn tỉnh, góp phần đáng kể trong rèn luyện kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ. 

Song, điều cốt yếu vẫn là ý thức từ các em nhỏ và sự giáo dục, quản lý của các bậc phụ huynh. Theo ông Trần Văn Hòa, Trưởng phòng Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em - Sở LĐTB-XH tỉnh Bình Phước, các bậc cha mẹ cần thường xuyên nhắc nhở, cảnh báo con em có ý thức tự bảo vệ mình; quan tâm trang bị cho các em kỹ năng bơi lội và xử lý tình huống khi phát hiện người bị đuối nước. Bên cạnh đó, những khu vực ao, hồ, sông, suối tiềm ẩn nguy cơ xảy ra đuối nước phải có biển cảnh báo nguy hiểm hoặc rào ngăn bảo vệ.

Tháng hành động vì trẻ em năm 2015 có chủ đề “Lắng nghe trẻ em nói”, nhằm phát động toàn xã hội tạo điều kiện để trẻ em được nói lên tiếng nói của mình về các vấn đề có liên quan. Đây là dịp để các cơ quan chức năng đánh giá, nhìn nhận lại những chính sách, chương trình dành cho trẻ em đã và đang thực hiện. Qua đây, hy vọng vấn đề phòng, chống đuối nước ở trẻ em sẽ được các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa cả về nhân lực và vật lực.

ĐỨC THANH

Tin cùng chuyên mục