Ngăn thói côn đồ trong thanh thiếu niên

Xã hội đang phải đối mặt với hiện tượng hung hãn, côn đồ, coi thường pháp luật của một bộ phận thanh thiếu niên. Điển hình là hành vi côn đồ của thanh niên đánh nữ sinh khi va chạm giao thông vừa xảy ra tại Bình Dương. Chỉ một va quẹt nhỏ mà dẫn đến những hành vi thiếu tính người, tình người. Và thực tế đã có không ít trường hợp tương tự xảy ra trong đời sống hàng ngày. 
Hình ảnh từ camera ghi lại cảnh một thanh niên đánh dã man một nữ sinh sau vụ va chạm giao thông ở Bình Dương
Hình ảnh từ camera ghi lại cảnh một thanh niên đánh dã man một nữ sinh sau vụ va chạm giao thông ở Bình Dương

Không phải ai sinh ra cũng hung hãn, côn đồ mà thói xấu này do ảnh hưởng chủ yếu từ môi trường giáo dục, môi trường sống xung quanh. Các nhà khoa học đã chỉ ra hàng loạt nguyên nhân của thói côn đồ, ví như đứa trẻ được sinh ra trong gia đình mà cha mẹ thường xuyên bạo lực thì vô tình là chất xúc tác không nhỏ dẫn đến tính hung hãn. Khi trưởng thành, chỉ cần gặp hoàn cảnh tương tự thì hành vi bạo lực dễ tái hiện. Một đứa trẻ lúc nhỏ bị ám ảnh bằng bạo lực thường bởi cha mẹ thì chúng cũng thường có xu hướng bạo lực khi trưởng thành.

Một số nguyên nhân khác là nhà trường ít quan tâm đến giáo dục đạo đức, ý thức pháp luật và kỹ năng sống cho học sinh; môi trường xã hội gia tăng lối sống thiếu lành mạnh. 

Một bộ phận thanh thiếu niên ngày nay ra đường không biết kiểm soát, làm chủ hành vi, quản lý cảm xúc mà thay vào đó là sự ngông cuồng, hiếu chiến, sẵn sàng dùng hung khí để động thủ với người khác.

Nhiều thanh thiếu niên bị ám ảnh bởi game online bạo lực, sử dụng chất kích thích quá mức… dễ dẫn đến những hành động mất nhân tính, coi thường pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng trong cộng đồng. Do đó, ngăn ngừa sự hung hãn, côn đồ, coi thường pháp luật của giới trẻ là trách nhiệm chủ yếu của gia đình, nhà trường và xã hội. Nhất thiết phải bắt nguồn từ sự giáo hóa của gia đình trên nền tảng của sự yêu thương, chia sẻ, đạo đức truyền thống.

Nhà trường tăng cường giáo dục kỹ năng sống một cách thiết thực, đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm cho học sinh, giúp học sinh biết cách xử lý khi đối mặt với những khó khăn. Các tổ chức xã hội thực hiện tốt tuyên truyền phổ biến pháp luật, các phương tiện truyền thanh truyền hình cần đăng tải, tuyên truyền những điển hình gương mẫu sinh động để giúp thế hệ trẻ có thái độ tích cực, cổ vũ cái tốt và lên án cái xấu. Đồng thời, cơ quan chức năng phải có biện pháp nghiêm khắc để răn đe các hành vi bạo lực.

Tin cùng chuyên mục