(SGGP).- Thị trường đóng băng, doanh số sụt giảm, sản xuất đình trệ… là những khó khăn mà các doanh nghiệp ô tô đồng thanh lên tiếng tại cuộc Hội thảo Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam được tổ chức ngày 22-6 tại Hà Nội.
Theo ông Ngô Văn Trụ, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương, trong tháng 4-2012, sản lượng bán hàng của toàn thị trường chỉ đạt 6.982 xe, giảm 24% so với tháng trước và giảm 46% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này dẫn đến dự báo thị trường năm nay sẽ kết thúc chỉ với 81.000 xe, bằng mức sản lượng tại thời điểm năm 2007. Thêm vào đó, thông tin về các loại phí mới có thể sắp được áp dụng bao gồm phí bảo trì đường bộ, phí hạn chế phương tiện cá nhân càng làm cho người tiêu dùng lo ngại. Ngoài ra, lãi suất cho vay vẫn còn ở mức cao, điều kiện cho vay quá chặt chẽ tại các ngân hàng.
Trước hiện trạng khó khăn của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, ông Đỗ Hữu Hào, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương, Chủ tịch Hiệp hội kỹ sư ô tô Việt Nam, khẳng định: “Sẽ không thể có ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nếu đồng thời ngành công thương vạch ra chiến lược để phát triển, trong khi ngành giao thông lại vạch ra giải pháp để hạn chế tiêu thụ. Mà muốn trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, không thể không phát triển ngành công nghiệp ô tô”.
Cùng ngày, Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) và UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà máy sản xuất và chế tạo động cơ (Hyundai) Chu Lai - Trường Hải tại khu kinh tế mở Chu Lai. Dự án được xây dựng trên diện tích 11ha có vốn đầu tư trên 126 triệu USD do Thaco làm chủ đầu tư, dưới sự chuyển giao công nghệ cao từ tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc).
Theo dự kiến, giai đoạn 1 của nhà máy sẽ hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2013 với công suất ước đạt khoảng 20.000 động cơ/năm. Trong 6 năm đầu của giai đoạn 1 (2013-2018), nhà máy sẽ cung cấp 56.000 động cơ cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Nhóm PV