Ngành dệt may đạt mức tăng trưởng mới

Theo Sở Công thương TPHCM, tính đến cuối tháng 8-2018, tăng trưởng ngành dệt may lại đạt mốc tăng trưởng mới, ước tăng 10,51%. Đây là mốc tăng trưởng thứ 3 liên tiếp tính từ đầu năm đến nay. 
Ngành dệt may đang có mức tăng trưởng ấn tượng Ảnh: CAO THĂNG
Ngành dệt may đang có mức tăng trưởng ấn tượng Ảnh: CAO THĂNG

Đáng chú ý, ngành dệt may cũng đã chủ động được một phần nguyên liệu sản xuất trong nước nhờ đẩy mạnh liên kết chuỗi cung ứng nội địa. 

Tăng liên kết chuỗi

Phân tích những chỉ số tăng trưởng ngành dệt may tính đến hết tháng 8-2018, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết chỉ số sản xuất 8 tháng ngành dệt may ước tăng 10,51% (cùng kỳ tăng 7,64%). Trong đó, mảng dệt ước tăng 10,92% (cùng kỳ tăng 10,08%), sản xuất trang phục tăng 10,09% (cùng kỳ tăng 5,19%). 

Sản xuất dệt may tăng trưởng ngày càng cao từ đầu năm 2018 đến nay. Cụ thể, 3 tháng đầu năm, toàn ngành tăng 5,3%. Đến hết 6 tháng, mức tăng trưởng được nâng lên 8,54% và gần đây nhất là sau 8 tháng, mức tăng trưởng toàn ngành đã tăng 10,51%. 

Lý giải thực thế này, về phía Sở Công thương cho rằng, nguyên nhân là do các doanh nghiệp đã xây dựng chuỗi kết nối dệt - nhuộm - may để cung ứng cho nhau, giảm dần việc nhập nguyên liệu và đã xuất khẩu được nguyên vật liệu vào một số nước. Đơn cử, trong 8 tháng năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nguyên phụ liệu dệt, may ước đạt 125,47 triệu USD, tăng 10,43% so cùng kỳ. Trong khi kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt, may ước đạt 485,04 triệu USD, giảm 1,08% (cùng kỳ tăng 1,4%).

Đại diện Hội Dệt may thêu đan TPHCM cho biết, chuỗi giá trị của ngành dệt may được quyết định phần lớn ở công đoạn thiết kế. Do vậy, các doanh nghiệp thành phố đang có xu hướng dịch chuyển các công đoạn sản xuất giản đơn như cắt, may, dệt nhuộm ra các tỉnh, thành lân cận hoặc liên kết với doanh nghiệp các tỉnh, thành để tăng nguồn cung ứng. Doanh nghiệp dệt may tại thành phố cũng đang chuyển đổi mô hình sản xuất trước đây sang công đoạn thiết kế và phân phối. Giải pháp này đã giúp doanh nghiệp thành phố tận dụng đáng kể nguồn cung nội địa từ các doanh nghiệp vệ tinh ở các tỉnh lân cận. Đồng thời, tận dụng lợi thế nguồn lao động giản đơn với chi phí thấp, giúp tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm dệt may trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường quốc tế ngày càng gay gắt. 

Ở góc độ khác, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam tại TPHCM, cho biết tuy doanh nghiệp Việt đang chờ cơ hội phát triển thị trường từ việc thông qua các Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - châu Âu, nhưng nhiều doanh nghiệp đã biết tận dụng tốt lợi thế từ các hiệp định đã có hiệu lực. Đơn cử như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Nhật Bản, FTA Việt Nam - Hàn Quốc, FTA Việt Nam - Australia… Ghi nhận tình hình xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam tại các thị trường này cho thấy, Việt Nam đang nằm tốp 10 nước có thị phần xuất khẩu dệt may lớn nhất. Thậm chí, một số mặt hàng như quần áo thể thao, công sở, thời trang phụ nữ… sản phẩm dệt may Việt Nam chiếm thị phần xuất khẩu đứng hàng thứ 2 chỉ sau Trung Quốc. 

Xây dựng thương hiệu 

Theo các chuyên gia kinh tế, sản phẩm dệt may Việt Nam nói riêng và sản phẩm xuất khẩu Việt Nam nói chung đã có những chỗ đứng vững chắc trên thị trường thế giới. Vấn đề còn khó hiện nay là doanh nghiệp Việt chưa thực sự đầu tư cho thương hiệu sản phẩm Việt tại thị trường chung này. Rất nhiều sản phẩm Việt hiện diện trên thị trường thế giới nhưng dưới nhãn hiệu của các doanh nghiệp Thái Lan, Trung Quốc hoặc các nước châu Âu… nên giá trị gia tăng không cao.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Công thương cho biết đang phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng dự án hỗ trợ năng lực xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt. Cụ thể, với những doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm tiếp cận trực tiếp thị trường thế giới, Bộ Công thương sẽ hỗ trợ để doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm mang thương hiệu của mình thông qua hệ thống phân phối ngoại tại thị trường Việt Nam như Auchan, Lotte, Aeonmall, Metro… Đây sẽ là bước đầu để doanh nghiệp làm quen với các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, mẫu mã, an toàn vệ sinh thực phẩm và hình thức sản phẩm. Riêng với doanh nghiệp đã có kinh nghiệm xuất khẩu trực tiếp ra thị trường thế giới, Bộ Công thương đã chỉ đạo các tham tán thương mại phải kịp thời nắm bắt xu hướng tiêu dùng của thế giới để có thông tin cập nhật cho doanh nghiệp Việt, hỗ trợ doanh nghiệp chủ động kế hoạch sản xuất, giảm thiểu rủi ro xuất khẩu. 

Một yếu tố quan trọng khác, bộ này cũng đang xây dựng kế hoạch hỗ trợ sản phẩm Việt (nói chung) quảng bá thương hiệu và thay đổi cách tiếp cận thị trường theo hướng giảm tiếp cận thị trường phân khúc sơ cấp, giá trị gia tăng không cao để tập trung tiếp cận phân khúc cao cấp hơn, có giá trị gia tăng tốt hơn gắn liền với thương hiệu Việt. Đơn cử như sản phẩm thực phẩm cá basa, tôm… thay vì xuất khẩu nông sản thô như trước đây thì sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường thông qua hệ thống chuỗi nhà hàng, khách sạn. Khi định hình phân phối ở phân khúc này, cộng với lợi thế nông sản Việt Nam có chất lượng cao và đang được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng, chắc chắn việc định giá giá trị sản phẩm Việt sẽ cao hơn rất nhiều so với xuất khẩu thô, không mang thương hiệu Việt. 

Đồng thuận với quan điểm trên, ông Nguyễn Phương Đông cũng cho biết, Sở Công thương TPHCM đang đẩy nhanh triển khai xây dựng chương trình sản phẩm chủ lực của TPHCM. Việc xây dựng thành công danh mục sản phẩm chủ lực sẽ tạo cơ hội để doanh nghiệp nội đẩy mạnh phát triển thương hiệu Việt, đi kèm với tăng giá trị gia tăng của sản phẩm. Tính đến nay, cơ bản sở đã lấy ý kiến của các hiệp hội ngành nghề sản xuất trên địa bàn thành phố và đang trình UBND TPHCM xem xét thông qua danh mục sản phẩm chủ lực. Theo đó, Sở Công thương TPHCM đã đề xuất 34 sản phẩm thuộc các ngành: cơ khí (9 sản phẩm), hóa dược - cao su - nhựa (8 sản phẩm), lương thực thực phẩm (8 sản phẩm), điện tử và công nghệ thông tin (3 sản phẩm), dệt may (3 sản phẩm), da giày (3 sản phẩm). Đồng thời, Sở Công thương đã tiếp tục hoàn chỉnh, trình UBND TPHCM danh mục sản phẩm công nghiệp chủ lực và bổ sung các bảng biểu về cơ cấu, giá trị sản phẩm cũng như kế hoạch công bố danh mục sản phẩm chủ lực của thành phố trong thời gian tới. 

Riêng đối với lĩnh vực dệt may, Sở Công thương đang phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM nghiên cứu, rà soát 3 địa điểm để đề xuất UBND TP xây dựng trung tâm thời trang quy mô lớn. Cụ thể, khu đất có diện tích 35,72ha và khu đất thuộc dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Huấn luyện chiến sĩ mới - Tiểu đoàn 2, diện tích khoảng 18ha đều trên đường Tam Đa, phường Trường Thạnh, quận 9; và khu đất thuộc dự án đầu tư xây dựng Trường Đại học Kiến trúc, diện tích khoảng 38,8ha tại đường Nguyễn Xiển, phường Long Thạnh Mỹ, quận 9. Có thể nói, việc sớm thành lập trung tâm thời trang sẽ là cơ sở để TPHCM nâng cao chuỗi giá trị gia tăng của ngành dệt may, đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp cũng như nâng cao giá trị xuất khẩu của ngành này trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục