Là địa phương dẫn đầu cả nước, được Bộ Giáo dục - Đào tạo đánh giá cao, ngành giáo dục TPHCM đã nhận thức trách nhiệm và xác định tiến trình hội nhập, phát triển. Lộ trình mà ngành giáo dục TP chọn lựa là dựa vào quy hoạch mạng lưới trường học, xây dựng trường chất lượng cao.
Định hướng hội nhập
Theo Sở GD-ĐT TPHCM, để thực hiện quá trình hội nhập quốc tế, ngành giáo dục TPHCM xác định 3 lộ trình căn bản: Tạo điều kiện để học sinh du học, giáo viên tham gia tu nghiệp quốc tế; mở rộng liên kết đào tạo, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, du nhập chương trình và các phương pháp đào tạo tiên tiến và cuối cùng là tích cực xây dựng nhà trường Việt Nam theo chuẩn quốc tế.
Trong 3 lộ trình này, ngành giáo dục TPHCM xác định con đường xây dựng nhà trường tiên tiến - hiện đại theo chuẩn mực quốc tế là lộ trình căn bản nhất. Theo đó, các chuẩn mực và điều kiện phải đạt mức tương quan với nền giáo dục tiên tiến ở các nước trên thế giới, tất yếu phải mang tính thời đại và toàn cầu.
Ông Lê Hồng Sơn, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết: “Các tiêu chí cụ thể để xây dựng nhà trường Việt Nam theo chuẩn quốc tế là tổ chức học sinh học 2 buổi/ngày; lớp có ít học sinh (20-30 học sinh/lớp); có thiết bị cho học sinh thực hành thực tập, thư viện cho học sinh tự học, sân bãi và nơi luyện tập thể lực cho học sinh; tổ chức tốt đời sống và điều kiện làm việc của giáo viên và phải là nhà trường tự chủ trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ từ đầu tư, nhân sự đến chuyên môn”.
Vừa qua, ngành giáo dục TP đã lấy ý kiến phụ huynh về việc xây dựng mô hình trường tiên tiến - chất lượng cao theo chuẩn mực quốc tế. Sở GD-ĐT TPHCM khẳng định: “Trường chất lượng cao là một nhân tố quan trọng đi đầu, vượt khó tạo điều kiện để nhà nước điều tiết ngân sách đến vùng khó khăn, xây dựng quỹ học bổng chăm lo học sinh nghèo. Đặc biệt là mở đường hội nhập quốc tế, phục vụ cho một bộ phận dân cư có nhu cầu trước mắt, góp phần đẩy nhanh tiến trình phát triển sự nghiệp giáo dục địa phương”.
Làm rõ hơn khái niệm “theo chuẩn quốc tế”, ông Lê Hồng Sơn cho biết chuẩn quốc tế không có nghĩa là chất lượng đào tạo của những trường gắn mác quốc tế, có người nước ngoài dạy hay chương trình quốc tế như từ trước nay có người vẫn ngộ nhận. Bản chất của sự đổi mới này là việc giảm sĩ số như chuẩn quốc tế: 20-25 học sinh/lớp, tăng giờ học lên 2 buổi/ngày, hướng đến giáo dục cá thể, đi sâu việc đào tạo kỹ năng sống thông qua hoạt động vui chơi, ngoại khóa cho học sinh...
Những rào cản
Trải qua 25 năm đổi mới, ngành giáo dục vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn như cơ sở vật chất trường lớp còn chật hẹp, sĩ số lớp đông (40-50 học sinh/lớp), hầu hết học sinh phải học tập 1 buổi/ngày. Dù hàng năm, ngành giáo dục TPHCM đã được sự quan tâm của lãnh đạo TP, quận huyện, nỗ lực đáp ứng hơn 1.000 phòng học mỗi năm nhưng với tốc độ tăng dân số cơ học ngày một cao, trường lớp không thể theo kịp.
Vì vậy, vấn đề đặt ra để giáo dục TPHCM tiến tới hội nhập quốc tế là phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường lớp theo quy hoạch mạng lưới trường lớp đến năm 2020 nhằm mở rộng trường học 2 buổi/ngày, giảm sĩ số học sinh trong lớp theo chuẩn 25-30 học sinh/lớp, tăng cường trang thiết bị dạy học theo hướng hiện đại hóa. Bên cạnh đó, ngành giáo dục phải xây dựng và tăng cường đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đủ về số lượng lẫn chất lượng, thực hiện thành thạo phương pháp dạy học hiện đại; đổi mới nội dung chương trình và phương pháp dạy học theo quan điểm dạy học cá thể, dạy học hướng vào người học. Quan trọng là việc thực hiện xã hội hóa giáo dục, huy động tốt các nguồn lực xã hội trong và ngoài nước để tăng suất đầu tư, tăng cường điều kiện làm việc cho đội ngũ và xây dựng xã hội học tập, mở rộng hợp tác quốc tế và khu vực.
Theo chỉ thị 242/TB-TW của Bộ Chính trị về “phấn đấu đến năm 2020, nước ta có một nền giáo dục tiên tiến mang đậm bản sắc dân tộc, phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, TPHCM đang chủ động đổi mới để tiến tới hội nhập và phát triển.
"TPHCM là địa phương đi đầu trong việc đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng giảng dạy. Tuy nhiên, trước áp lực sĩ số và bất cập chung về chương trình đào tạo nặng lý thuyết, ít thực hành cũng làm ngành giáo dục ít có điều kiện giáo dục toàn diện, giúp học sinh phát triển năng khiếu. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng giáo dục, người thầy đóng vai trò khá quan trọng nhưng hiện nay đời sống, thu nhập của một số vùng còn rất khó khăn, khiến giáo viên chưa thể an tâm dồn hết tâm trí để nâng cao chất lượng giảng dạy." Ông LÊ HỒNG SƠN |
Anh Khoa