
Năm 2014, giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành chế biến gỗ đạt 6,2 tỷ USD. Đây là ngành có mức tăng trưởng bình quân 2 con số trong thời gian dài. Tuy nhiên, tốc độ này khó duy trì trong 1 - 2 thập niên tới nếu ngành chế biến gỗ cứ mãi làm… gia công.

Khách xem bàn ghế gỗ tại gian hàng Công ty Gecko trong Hội chợ Quốc tế đồ gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam 2015. Ảnh: CAO THĂNG
Ra “biển lớn”
Hàng năm, cùng với hội chợ quốc tế đồ gỗ Cologne (Đức), IFFS (International Furniture Fair of Singapore) là hội chợ quốc tế về đồ gỗ nội thất của Singapore mang tầm thế giới, thu hút hơn 20.000 khách tham quan hàng năm đến từ 115 quốc gia. Năm nay, IFFS diễn ra từ ngày 13 đến 16-3. Điểm sáng của hội chợ này là khu trưng bày SingaPlural, nơi trưng bày các sản phẩm thiết kế sáng tạo mới nhất của các quốc gia về lĩnh vực nội thất, kiến trúc, trang trí nội thất, quảng cáo, thời trang… Năm nay, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ xuất khẩu TPHCM (HAWA) lần đầu tiên mang 8 tác phẩm thiết kế đoạt giải Hoa Mai từ năm 2010 trở lại đây tham gia IFFS. Đoàn gồm đại diện của hội, doanh nghiệp (DN) và 8 nhà thiết kế trẻ, chủ nhân các tác phẩm đoạt giải. Bên cạnh tham gia trưng bày, các nhà thiết kế trẻ còn có cơ hội tham dự các sự kiện tại hội chợ như: Singapore Design Business summit 2015, nơi các nhà thiết kế và doanh nghiệp giới thiệu và trưng bày về các dự án thiết kế mới; What is process to design? Part one: A Daily Prcess, về xu hướng thiết kế với phần 1 về quá trình thiết kế hàng ngày; hay tour tham quan STUCK - Polystone - Noden.
Giải Hoa Mai là cuộc thi thiết kế mẫu trang trí nội thất bằng gỗ do HAWA tổ chức 12 năm qua, và được Hội đồng Xuất khẩu gỗ cứng Hoa Kỳ (AHEC) tài trợ. Mục đích của giải này là nhằm tìm kiếm, bồi dưỡng và tôn vinh các tài năng thiết kế trẻ của Việt Nam; từng bước đào tạo đội ngũ thiết kế trẻ trưởng thành hơn từ cuộc thi, tiếp tục theo đuổi niềm đam mê thiết kế đồ gỗ. Giải cũng là cầu nối tạo mối liên kết giữa nhà thiết kế và DN, tạo cầu nối giữa đào tạo và thực tiễn; chung tay xây dựng nền công nghiệp sáng tạo cho ngành đồ gỗ Việt Nam.
Không thể mãi gia công
|
Trả lời câu hỏi, vì sao các tác phẩm tham gia lần đầu tiên này không phải tác phẩm nào cũng đoạt giải nhất. Kiến trúc sư Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA cho biết, 8 mẫu thiết kế chủ yếu là ghế ngồi, DN tham gia gian hàng HAWA của IFFS chọn vài tác phẩm sản xuất thử. Ngoài tính thẩm mỹ, yếu tố thương mại sẽ là yêu cầu đặt ra hàng đầu, sản phẩm không quá đắt, hay sản phẩm không biết trưng bày ở đâu khi mua về. Đó là lý do chúng tôi chọn mẫu thiết kế chủ yếu là ghế ngồi. Chúng tôi muốn tạo điều kiện để các nhà thiết kế trẻ Việt Nam có cơ hội tận mắt chứng kiến, giao lưu và học hỏi thêm từ các nước. Đó là dịp để các bạn cọ xát với quốc tế và muốn giới thiệu với thế giới Việt Nam sẵn sàng tham gia chuỗi cung ứng hàng nội thất, không chỉ với cái nhìn cũ - đất nước chuyên gia công (OEM) có hạng mà còn là đất nước với đội ngũ thiết kế ngày càng lành nghề và chuyên nghiệp, từng bước đưa Việt Nam vào nhóm ít quốc gia sản xuất hàng nội thất theo dạng ODM, tức vừa sản xuất, vừa thiết kế các sản phẩm trang trí nội thất trên thế giới. Qua đó nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm.
Theo KTS Trần Việt Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần Mỹ thuật (Lavanto home décor), nhận thức về thiết kế của các DN sản xuất đồ gỗ nội thất còn hạn chế, vì đã quen làm gia công theo mẫu mã có sẵn của nhà nhập khẩu. Nhưng qua những lần hội chợ, DN bắt đầu nhận thấy, thiết kế mang lại cơ hội giao dịch nhiều hơn và lợi nhuận cao hơn. Trong lúc gia công thụ động chờ khách hàng đến, nếu có sản phẩm thiết kế, DN chủ động gửi khách hàng các mẫu mới. Nhà nhập khẩu nếu thấy mẫu mã phù hợp có thể trao đổi để đặt hàng. Như vậy, DN tận dụng lợi thế này để chủ động bán và sản xuất. KTS Nguyễn Quốc Khanh cho rằng, do gia công cho nhà nhập khẩu nên DN sản xuất không thể tham gia hội chợ, mà không tham gia hội chợ sẽ chẳng ai biết mình. Một thực tế khác, nhà nhập khẩu mang mẫu thiết kế đến nhiều DN gia công để dọ giá, DN nào đưa giá thấp nhất nhà nhập khẩu dựa vào đó để ép giá DN gia công nên khó có thể nâng giá, trong khi với sản phẩm ODM, do tự thiết kế, tính toán được giá nào có lợi nhất nên chủ động đưa ra giá sản phẩm như cách làm của các DN từ Ý, Singapore... Nói khác đi, hàng ODM là áp đặt giá với khách hàng, ngược lại, sản phẩm OEM chỉ có khách hàng áp giá gia công. Muốn thoát ra phải chuyên sâu thiết kế. Đó cũng là mục tiêu của ngành chế biến gỗ TPHCM.
Tất nhiên sẽ không dễ dàng để có thể tiếp cận với sản xuất theo kiểu ODM, nhưng thực tế cũng cho thấy, đã có một số DN chuyên ngành nội thất Việt Nam thành công như Công ty cổ phần AA, Công ty cổ phần Gia Long... với đội ngũ thiết kế khá hùng hậu cả trong nước và người nước ngoài. Những người đi đầu cũng thừa nhận, trình độ thiết kế nội thất vẫn còn hạn chế. Đó là lý do các DN vẫn e dè và những cuộc thi như giải Hoa Mai cho ngành gỗ nội thất, sắp tới là giải Hoa Sen cho ngành thủ công mỹ nghệ sẽ là cầu nối, cơ hội giúp sinh viên các trường đại học đầu tư nhiều hơn.
CÔNG PHIÊN