Mùa tuyển sinh ĐH-CĐ 2012 tuy chưa có con số chính thức nhưng ghi nhận chung buớc đầu đã cho thấy, năm nay các ngành học xã hội thi tuyển khối C tiếp tục thất sủng vì quá ít thí sinh chọn. Đây là vấn đề cũ, nhưng nếu ngành giáo dục không có giải pháp khắc phục thì trong những năm tới, cơ cấu ngành nghề sẽ mất cân đối trầm trọng, từ đó tác động không nhỏ đến sự phát triển chung của xã hội.
Chê quyền tuyển thẳng
Mới đây, lần đầu tiên tại Văn Miếu – Quốc Tử giám Hà Nội, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Quỹ phát triển sử học Việt Nam tổ chức lễ trao giải thưởng và giấy khen tặng các em học sinh đoạt giải nhất, nhì, ba môn Lịch sử trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2012. Tại đây, mặc dù Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, GS sử học Phan Huy Lê bày tỏ mong muốn tạo được những nhân tài sử học của nước nhà, nhưng sự thật, đa phần các em không chọn con đường gắn với sử học. Lý do: ít ngành học hấp dẫn, cơ hội tìm việc làm không cao.
Em Lê Thiện Anh, học sinh Trường THPT chuyên Bến Tre, giải nhất học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử năm 2012 và là người đạt điểm môn Sử cao nhất trong kỳ thi này cho biết em cũng dùng quyền tuyển thẳng vào ngành sử, ĐH Khoa học xã hội nhân văn TPHCM. “Nhưng em thi vào đại học, sẽ chọn ngành theo sở thích của em, đó là ngành luật. Phải chọn nghề theo ý thích mới theo đuổi được dài lâu.
Tương tự, em Đào Phương Bình, học sinh lớp 12, THPT chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương, giải nhất môn Sử cũng cho biết ưu tiên số 1 của em là Học viện An ninh nhân dân. Vũ Thị Vân, học sinh 12 Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc, giải nhất môn sử cho biết em không chọn gắn với sử mà đi theo con đường mình thích, đó là nghề báo.
Hoàng Thị Thu Hằng – lớp 12 chuyên sử Trường THPT chuyên Quốc học Huế, giải nhì môn sử đăng ký tuyển thẳng ngành bảo tàng, ĐH Văn hóa TPHCM, cho biết bạn bè em, các học sinh giỏi sử chỉ có một số ít sử dụng quyền tuyển thẳng để vào chuyên ngành có gắn với môn sử. Còn lại hầu hết các bạn sử dụng kết quả thi học sinh giỏi quốc gia môn sử để được ưu tiên xét tuyển vào các ngành khác thời thượng hơn như luật, báo chí...
Yêu một đằng, chọn một nẻo
|
Cô Tuyết Mai, giáo viên của Thiện Anh cho hay, vì gia đình em nhiều người làm kinh doanh nên hướng em theo ngành luật. “Yêu nhưng không lựa chọn. Mình phải tôn trọng suy nghĩ của em. Bây giờ các em bị tác động nhiều bởi gia đình, xã hội”.
Cùng tâm trạng, cô Nguyễn Thị Hồng Thanh, giáo viên sử Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương cho rằng, hiện xu hướng học sinh đi theo ngành xã hội không nhiều, vì các em ra trường khó xin việc. Để hướng học sinh đi theo các ngành khoa học xã hội, Nhà nước cần có những chính sách đủ hấp dẫn.
Mất cân đối trong ngành nghề đào tạo cũng đã được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhiều lần yêu cầu ngành giáo dục phải làm rõ nhưng xem ra chưa có nhiều tiến triển. Mới đây nhất, trong buổi đối thoại trực tuyến với nhân dân, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã phải thừa nhận, mất cân đối trong ngành nghề đào tạo là một thực tế khi chúng ta chuyển sang cơ chế thị trường định hướng XHCN. “Giữa đào tạo và phân công sau khi đào tạo không gắn với nhau, gây khó khăn cho xây dựng kế hoạch đào tạo cũng như kế hoạch sử dụng nguồn nhân lực sau đào tạo của các cơ sở sản xuất kinh doanh”, Bộ trưởng khẳng định.
Hiện nay, tuy đã có một số chính sách thu hút thí sinh vào ngành nông lâm ngư nghiệp và sư phạm, thế nhưng, thực tế cho thấy, tất cả những chính sách đó chưa đủ sức hút thí sinh vào học ngành đang bị coi là yếu thế so với nhóm ngành tài chính, kinh tế, ngân hàng. Hấp dẫn về cơ hội việc làm, về mức thu nhập của các ngành thời thượng vẫn dư sức khiến thí sinh quay lưng lại với các ngành nghề cơ bản, nhất là các ngành xã hội.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, mọi tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp nhằm hướng các em và những ngành cơ bản đều phản tác dụng khi hàng ngày xã hội vẫn tận mắt thấy sản phẩm đầu ra của một số ngành xã hội, ngành khoa học cơ bản bị bỏ rơi. Nhiều sinh viên ra trường 3, 5, thậm chí 7 năm vẫn không xin được việc đúng chuyên môn mà phải làm gia sư, công nhân; số xin được việc phần nhiều phải… chạy.
Bởi thế, chỉ có thể thu hút thí sinh vào các ngành khoa học cơ bản, xã hội khi ngành giáo dục làm được điều mà Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã nhìn nhận. Đó là cùng với các chính sách ưu tiên, phải có các chính sách cả về tài chính, tổ chức tuyển dụng và các điều kiện làm việc để thu hút, cân đối lại nguồn lực trong các ngành này. Phải gắn việc đào tạo của các cơ sở giáo dục với nhu cầu của nền kinh tế, của xã hội về nguồn nhân lực. Đã đến lúc phải xác định rõ xem trên phạm vi cả nước theo lộ trình từ nay đến 2020 và các năm sau, sẽ thành lập thêm hay không thành lập thêm bao nhiêu trường, việc thành lập trường ở các khu vực, vùng kinh tế ra sao; những ngành nào khuyến khích, tạo điều kiện để mở, ở đâu; những ngành nào không cho mở nữa…
Phan Thảo