Những ngày cuối tháng 9-2015, trong khi nhiều nước trên thế giới nô nức quan sát hiện tượng nguyệt thực đỏ hay còn gọi “trăng máu” thì tại Cần Thơ, sáng sớm và chiều tối, nước thủy triều từ sông Hậu đã len lỏi qua các đường cống “bò” vào làm ngập hàng chục con hẻm, tuyến đường nội ô kéo dài hàng giờ…
“Ma trận” của thời tiết
Cách đây hơn 10 năm, đô thị Cần Thơ chỉ ngập khi có lũ lớn kết hợp triều cường và mưa. Năm nay, theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Nam bộ, mực nước lũ thấp hơn các năm trước từ 1 - 2m. Lũ nhỏ, không mưa nhưng TP Cần Thơ vẫn bị ngập, mọi thứ đã thay đổi. Ngoài nguyên nhân tác động trực tiếp từ hiện tượng “trăng máu”, còn có nguyên nhân hệ thống thoát nước của thành phố chưa được kiểm soát, nhiều kênh rạch bị lấn chiếm làm thu hẹp dòng chảy khiến khả năng tiêu thoát nước khó khăn, thiếu kiểm soát khai thác mạch nước ngầm khiến mặt đất sụp lún… “Quy hoạch của các đô thị chưa tốt, chưa lồng ghép biến đổi khí hậu (BĐKH) trong quy hoạch nên nguy cơ bị tác động bởi thiên tai, đặc biệt là ngập lụt do mưa cực đoan và nước biển dâng. Để chống ngập đô thị hiệu quả, vấn đề quy hoạch tổng thể và đồng bộ, lồng ghép giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng BĐKH cần phải được xem xét trước tiên. Thực tế, các giải pháp riêng lẻ đã không mang lại hiệu quả”, GS-TS Trần Thục, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về BĐKH, nhận định.
Triều cường gây ngập nước ở TP Cần Thơ (Ảnh: AN CƯ)
“Triều cường, xâm nhập mặn sâu vào nội đồng, sạt lở bờ sông, đê biển ngày càng nghiêm trọng. Chúng tôi đang cố gắng thu thập các ý kiến và đề xuất giải pháp hữu hiệu để ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Điều quan trọng trước mắt là làm thay đổi tư duy của người dân, doanh nghiệp để cùng chủ động thích ứng với thời tiết ngày càng cực đoan hơn”, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, cho biết. Các nhà khoa học nhận định, nguồn nước từ thượng nguồn đổ về ĐBSCL giảm 40% - 60% đang đe dọa đến sản xuất của nông dân và cả doanh nghiệp.
Cần cảnh báo sớm
Các nhà khoa học từng cảnh báo: Việt Nam nằm trong nhóm những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi BĐKH toàn cầu. Trong đó, vùng ĐBSCL có nguy cơ chịu tổn thương nặng nhất. Vựa lúa, vựa thủy sản, trái cây của Việt Nam đang chịu tác động kép từ hạn, ngập kéo dài và ngày càng nghiêm trọng hơn.
Trên thực tế, ĐBSCL đã triển khai nhiều dự án để thích ứng với BĐKH. Tuy nhiên, các dự án này thông qua các viện, trường cùng từng địa phương thực hiện riêng lẻ, thiếu tính phối hợp quy mô cấp vùng. Theo các chuyên gia, ứng phó với các hiện tượng cực đoan và thích ứng với BĐKH trước hết cần có các thông tin cảnh báo chính xác về rủi ro trước khi thiên tai xảy ra, cần có sự phối hợp đồng bộ của tất cả các khâu: Phát bản tin, truyền thông, công tác chuẩn bị ứng phó và khắc phục sau thiên tai. Hệ thống cảnh báo sớm cần đặt “trọng tâm vào con người”, các tin cảnh báo phải kịp thời, dễ hiểu. Hệ thống cần tính đến các đặc điểm về vùng, miền, xã hội, giới tính và sinh kế. Bắt đầu từ những lồng ghép thích ứng với BĐKH vào các hoạt động quản lý sẵn có. Ví dụ như quản lý rủi ro khẩn cấp, xây dựng đê ngăn mặn, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để ngọt hóa nguồn nước, trữ nước ngọt; tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn nước; đa dạng hóa cây trồng và vật nuôi; tăng cường nghiên cứu giống, loài phù hợp với điều kiện mới.
Để kịp thời ứng phó, ĐBSCL cần sớm lập kế hoạch quản lý tổng hợp hệ sinh thái; bảo tồn rừng ngập mặn; thúc đẩy thành lập hành lang di cư, vùng đệm và vành đai xanh.
CAO PHONG