Ngát xanh rừng phòng hộ

Ngát xanh rừng phòng hộ

Rừng phòng hộ Sóc Trăng mang bản sắc riêng của rừng Nam Bộ với những loại cây: bần, đước, mắm trải dài 72 km bờ biển, trên diện tích 5.000 ha. Mỗi năm, rừng phòng hộ Sóc Trăng lại rộng thêm ra bởi những bãi bồi, những dự án đầu tư trồng rừng, chắn sóng. Dưới tán rừng phòng hộ là những bãi nghêu, sò, ốc, hến; chim muông, thú thật lạ đầy hấp dẫn…

  • Rừng phong phú và đa dạng

Rừng phòng hộ Sóc Trăng có 3 loại cây chính, đó là: bần, đước và mắm. Đước, mắm được trồng ở vùng ven biển Vĩnh Châu vì thổ nhưỡng nơi đây giàu phù sa, có độ mặn cao, rất phù hợp với loại cây này.

Ở những nơi có bãi bồi nhiều mùn, nồng độ mặn thấp như Long Phú, Cù Lao Dung, cây bần chua thỏa thích sinh trưởng.

Từ trên cao nhìn xuống, rừng phòng hộ Sóc Trăng trải dài, xanh thẳm, đẹp lạ lùng. Ngoài nỗ lực của địa phương, những năm qua, nhiều tổ chức quốc tế của Hà Lan, Nhật Bản, ngân hàng thế giới ( WB); chương trình trồng rừng 327 của Chính phủ… cũng đã giúp nhiều cho Sóc Trăng trồng và bảo vệ rừng ngập mặn ven biển. Chi cục kiểm lâm đã tổ chức nhiều hình thức khoán và bảo vệ rừng phòng hộ nên mấy năm gần đây, hiệu quả đạt được rất khả quan.

Ngát xanh rừng phòng hộ ảnh 1
Trồng rừng phòng hộ.

Ở Cù Lao Dung, vùng đất nằm giữa 2 cửa biển Trần Đề và Định An, mỗi năm lấn ra biển khoảng 200 ha. Đất bồi ra tới đâu, tỉnh chỉ đạo trồng bần tới đó, vừa giữ đất vừa chắn sóng.

Bởi thế, rừng bần của Long Phú, Cù Lao Dung có nhiều loại to, nhỏ khác nhau. Rừng bần già có nhiều cây cổ thụ. Đây là nơi trú ngụ của nhiều loại chim, dơi, quạ, khỉ…

Các bãi bồi thuộc các xã Trung Bình, huyện Long Phú; Vĩnh Hải, Lạc Hòa, huyện Vĩnh Châu là “ vương quốc” của các loại cua biển con, sò huyết, nghêu, ốc, hến. Rừng đước ở Vĩnh Châu năm nào cũng được trồng thêm vài chục héc-ta và dặm vá cho đều nên phát triển tốt.

  • Để rừng xanh phát triển

Để có được như hôm nay rừng phòng hộ Sóc trăng cũng trải qua nhiều sóng gió. Năm 1987, khi phong trào nuôi tôm phát triển, người dân các vùng này tự ý chặt phá rừng không thương tiếc. Nhiều cánh rừng bị chặt phá trắng.

Hậu quả là trận triều cường năm 1992, gây thiệt hại nặng nề cho người dân vùng ven biển tỉnh này. Không chỉ chặt rừng đào vuông nuôi tôm; nhiều người nghèo cũng vào rừng chặt củi kiếm ăn mà ngành chức năng không kiểm soát nổi do lực lượng mỏng. Các bãi bồi cũng bị tàn phá bởi nạn mò cua, bắt nghêu, cào hến…

Rừng ngập mặn ven biển Sóc Trăng đang trong quá trình hồi phục. Nạn phá rừng tuy giảm nhưng chỗ này, chỗ kia, rừng vẫn bị tàn phá. Nhiều người nghèo không đất đai, không vốn liếng lại không được nhận đất, khoán rừng thì việc kiếm ăn hàng ngày trên các bãi bồi, đốn cây làm củi bán là không tránh khỏi.

Dự án bảo vệ và phát triển những vùng ngập nước ven biển được triển khai từ năm 2000 đến nay, Sóc Trăng đã thực hiện được 7 hợp phần quan trọng. Đáng chú ý, có việc hỗ trợ phát triển xã hội như: xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, thực hiện tín dụng nhỏ, xóa mù chữ cộng đồng, các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc.

Đặc biệt là tổ chức tái định cư cho các hộ dân sống ngoài đê có nơi ở an toàn, từ đó hạn chế việc phá rừng. Bên cạnh các giải pháp kinh tế, lo việc làm cho người thất nghiệp; tuyên truyền vận động mọi người cùng tham gia giữ rừng; việc xây dựng các phương án quy hoạch lại toàn bộ rừng ngập mặn với mục đích ổn định các hoạt động tổ chức kinh doanh lâm nghiệp, ổn định xã hội nghề rừng và tạo điều kiện thuận lợi để kinh doanh kết hợp với các ngành nghề khác như thủy sản, nông nghiệp. Qua đó vừa bảo vệ được hệ sinh thái vừa khai thác đúng tiềm năng của rừng ngập mặn ven biển. 

Lê Mạnh Trung

Tin cùng chuyên mục