Ngày 10-4, Nghị định 23/2015/NĐ-CP về việc sao y không bắt buộc phải chứng thực bắt đầu có hiệu lực. Việc UBND các phường, xã đồng loạt áp dụng nghị định này đã giảm bớt phiền hà, khó khăn cho người dân khi đi làm thủ tục hành chính.
Bớt phiền hà, lãng phí
Thủ tục hành chính luôn khiến người dân nghĩ tới nỗi vất vả, phiền hà, tốn kém và mất thời gian. Đôi khi, những phiền hà ấy đến từ những thứ vụn vặt như chứng thực bản sao. Dù Nghị định 79/2007/NĐ-CP đã quy định cơ quan, tổ chức tiếp nhận bản sao không chứng thực, có quyền yêu cầu đương sự xuất trình bản chính để đối chiếu, nhưng rất ít nơi chịu áp dụng. Thậm chí, dù đã có chứng thực sao y rồi nhưng người dân vẫn phải cầm bản chính để đối chiếu. Lại có quy định bản chứng thực sao y cũng chỉ có giá trị không quá 6 tháng. Đó là nguyên nhân lý giải cho con số trên 100 triệu bản chứng thực sao y mà UBND cấp huyện và xã trên cả nước thực hiện mỗi năm (theo báo cáo tổng kết của Bộ Tư pháp). Điều đó không chỉ gây lãng phí về tiền của, mà còn làm mất thời gian của người dân.
Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND phường Bình Trưng Đông quận 2.
Nay Nghị định 23/2015/NĐ-CP có hiệu lực, đã thiết thực giảm phiền hà cho người dân. Ông Lê Quốc Thông (ngụ quận 3) kể: “Tôi vẫn ám ảnh mãi chuyện cách đây 5 tháng, khi đó tôi làm thủ tục sang tên miếng đất cho đứa con lớn nhưng mất nửa tháng chưa xong. Riêng chỉ công chứng các loại giấy tờ như sổ đỏ, hộ khẩu, khai sinh, đăng ký kết hôn, chứng minh nhân dân, đơn từ… cũng cả xấp, mất hơn 400.000 đồng. Giờ bỏ thủ tục ấy, đỡ cho dân lắm”. Chị Trần Thanh Hà, (ngụ quận 2) cũng phấn khởi chia sẻ: “Trước đây, mỗi khi có việc liên quan đến thủ tục hành chính tôi phải xin nghỉ làm 1 - 2 ngày. Việc ngồi đợi chứng thực sao y xong mới đi nộp hồ sơ, rồi lại đợi cán bộ tiếp nhận xem hồ sơ đủ thiếu thế nào, nếu thiếu lại về phường chứng thực sao y để bổ sung nên mất thời gian lắm. Thường mỗi loại giấy tờ, tôi phải sao y nhiều bản để công chứng một thể. Giờ giảm được khâu công chứng giấy tờ, hy vọng rút ngắn thời gian để không ảnh hưởng đến công việc”.
Phải thực hiện đồng bộ
Ngay ngày đầu Nghị định 23 chính thức có hiệu lực, PV Báo SGGP đã khảo sát tại nhiều phường, quận trên địa bàn TPHCM. Hầu hết công tác xác nhận hồ sơ đều nhanh gọn, người dân không phải xếp hàng chờ chứng thực sao y như trước đây. Chị Nguyễn Thị Huyền Tuyết, cán bộ tư pháp - hộ tịch phường 11 quận 3, cho biết: “Nghị định 23/2015/NĐ-CP có hiệu lực sẽ không còn xảy ra tình trạng ùn ứ hồ sơ chờ chứng thực. Tuy nhiên, vì phải lưu hồ sơ tại chỗ nên phường phải sắp xếp thêm người để đánh máy, lưu trực tiếp”. Tại các phường, do nhiều người dân chưa biết về Nghị định 23 nên lượng hồ sơ yêu cầu chứng thực sao y vẫn rất đông, khi nghe nói không cần chứng thực sao y thì hầu hết đều có tâm lý “cứ xin chứng thực sao y cho chắc chắn, đỡ mất công đi lại”.
Trong buổi sáng ngày 10-4, UBND phường Bình Trưng Đông quận 2 tiếp nhận chứng thực sao y 80 bộ hồ sơ, không giảm so với trước đây. Đề cập đến thuận lợi của Nghị định 23, ông Phạm Văn Lành, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Trưng Đông quận 2, nhận xét chủ trương này của Chính phủ giúp giảm được khâu lưu trữ bản sao ở cấp huyện, xã, tạo điều kiện thuận tiện cho người dân trong giao dịch và giúp dân có nhiều sự lựa chọn trong việc làm thủ tục hành chính, giảm bớt chi phí không cần thiết. Ông Lành cho biết: “Trước đây, Nghị định 72/2007NĐ-CP cũng đã có đề cập việc người dân được chọn một trong hai hình thức là nộp bản sao y kèm bản chính để đối chiếu hoặc nộp bản sao có công chứng. Nhưng nhiều cơ quan tiếp nhận hồ sơ sợ trách nhiệm và đưa ra lý do rằng họ không có đủ chuyên môn để thẩm định tính xác thực của hồ sơ, nên vẫn yêu cầu vừa có chứng thực sao y của địa phương, vừa có bản chính để đối chiếu. Từ đó tạo tâm lý “có cho chắc” trong người dân, nên bất kể loại giấy tờ gì cũng đi công chứng và tiện công chứng nhiều bản để dành, gây lãng phí. Vì vậy, để Nghị định 23 thực sự có hiệu quả cải cách trong thủ tục hành chính, đòi hỏi tất cả các sở, cơ quan ban ngành đều thực hiện đồng bộ, đặc biệt là những nơi tiếp nhận hồ sơ. Có như vậy mới giảm bớt phiền hà cho người dân và giảm tải cho huyện, xã”.
|
PHƯƠNG UYÊN