Ngày mới ở làng Mới

Được thành lập vào năm 1993, ban đầu có 20 hộ di dân từ các làng Ghê, Tuk Ngo, Tuk La thuộc xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai), đến nay, làng Mới, một ngôi làng nhỏ ở xã Ia Dơk của đồng bào dân tộc Ja Rai đã có hơn 60 hộ gia đình. Họ sinh sống dọc theo con đường đã được trải nhựa, nằm khuất dưới những tán rừng cao su, một cuộc sống bình yên, no ấm. Đây là “đứa con tinh thần” mà những người lính của Công ty 74 (thuộc Binh đoàn 15) đã dành mọi tâm huyết và sự tận tụy của mình tạo nên.
Ngày mới ở làng Mới

Được thành lập vào năm 1993, ban đầu có 20 hộ di dân từ các làng Ghê, Tuk Ngo, Tuk La thuộc xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai), đến nay, làng Mới, một ngôi làng nhỏ ở xã Ia Dơk của đồng bào dân tộc Ja Rai đã có hơn 60 hộ gia đình. Họ sinh sống dọc theo con đường đã được trải nhựa, nằm khuất dưới những tán rừng cao su, một cuộc sống bình yên, no ấm. Đây là “đứa con tinh thần” mà những người lính của Công ty 74 (thuộc Binh đoàn 15) đã dành mọi tâm huyết và sự tận tụy của mình tạo nên.

Hành trình gian nan

Đến thăm làng Mới vào một ngày cuối đông, những tán rừng cao su xanh mát đã xua tan những mệt mỏi trên đường đi của chúng tôi. Cảm nhận đầu tiên khi đến đây là sự thanh bình, mang dấu ấn của một làng dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Nếu không tận mắt chứng kiến, chúng tôi không thể tin ngôi làng này trước đây chỉ là một mảnh đất hoang hóa, vắng vẻ. Thế nhưng những người nông dân và các anh bộ đội đã làm cho làng Mới thay da đổi thịt, trở nên trù phú, màu mỡ và đầy ắp tiếng cười.

Ngày mới ở làng Mới ảnh 1

Đại tá, Giám đốc Công ty 74 Trần Quang Hùng tặng quà cho người dân làng Mới

Đại tá Trần Quang Hùng, Giám đốc Công ty 74 (Binh đoàn 15), một người rất tâm đắc trong việc xây dựng làng Mới, anh không bao giờ quên những khó khăn, thử thách của mình và đồng đội trong những ngày đầu đi vận động bà con làng Ghê, làng Tuk Ngo và làng Tuk La đến đây lập nghiệp. Bởi từ bao đời nay bà con đã gắn bó với buôn làng, quen với cách làm ăn tự phát, sống nhờ vào sản xuất nông nghiệp. Cho nên khi đề cập đến việc bỏ làng đi nơi khác xây dựng một làng mới theo mô hình làng công nhân thì ai cũng dè dặt và ái ngại. Hơn nữa, địa bàn xã Ia Dơk khi đó còn khá phức tạp về tình hình an ninh của huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai).

Những khó khăn ban đầu không làm những người lính của Công ty 74 lùi bước. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, chương trình định canh định cư cho đồng bào tại làng Mới đã được họ hoàn thành một cách xuất sắc. Từ 20 hộ dân ban đầu, cư dân của làng cứ tăng dần lên và hôm nay làng Mới đã có 60 hộ gia đình định cư. Hiện tại tất cả các hộ dân trong làng đều có một cuộc sống ổn định, no ấm. Giờ đây bà con đã  biết đến cây cao su, một loại cây giúp họ thoát nghèo. Bà con không bao giờ quên công lao của những người lính Công ty 74, những người không quản ngại khó khăn, tạo cho bà con những điều kiện tốt nhất để cải thiện và xây dựng cuộc sống. Chị Kpuih Nhin, một người dân sinh sống ở làng Mới từ những ngày đầu, kể: “Ngày đó, ở làng cũ, gia đình mình rất nghèo. Khi nghe bộ đội vận động rời làng, gia đình mình không muốn đi.  Nhưng bộ đội khuyên rất có tình có lý. Bây giờ ở làng Mới gia đình mình không nghèo nữa, mình mới mua được xe máy và cả tivi nữa…”.

Những “chùm khế ngọt”

Trong câu chuyện với chúng tôi, bà con rất vui và tự hào về ngôi làng của mình, đây là “đứa con tinh thần” và là “mối lương duyên” khá đẹp của những người lính vùng biên. Quyết tâm xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu, giúp đồng bào có cuộc sống mới tốt đẹp hơn, các người lính ở Công ty 74 đã vượt qua những khó khăn để xây dựng làng Mới trở thành một khu dân cư điển hình trong phong trào phát triển kinh tế và giữ vững quốc phòng an ninh của một huyện vùng biên giới của tỉnh Gia Lai. Ngoài việc xây dựng cơ sở hạ tầng như mở đường giao thông, xây đập thủy lợi, kéo điện về buôn làng..., họ còn tập trung hướng dẫn cho bà con về kỹ thuật canh tác, làm quen và trồng cây cao su ở những triền đồi. Làng Mới giờ đây đã hoàn toàn thay đổi, không còn hộ đói và đã có hộ giàu. Những “triệu phú của làng Mới” có thu nhập trên 10 triệu đồng mỗi tháng như gia đình chị Rơ Mah Oăng, gia đình anh Rơ Lan Đố hay gia đình anh Rơ Mah Blắc… không còn là chuyện “hiếm” ở làng. Họ là những cá nhân điển hình của làng, như cách nói ngắn gọn của già làng Ksor Bah: “Năm trước còn nghèo, năm ngoái hết nghèo và năm nay đã trở thành triệu phú”.

Làng Mới giờ đây thật sự đổi mới, người dân được no ấm, trẻ em được đến trường học chữ, nam nữ thanh niên đã biết dùng điện thoại di động, cưỡi xe máy đi làm…, điều mà trước đây họ chưa bao giờ dám mơ tới, như lời già làng Ksor Bah tâm sự: “Như mình đây, trước kia chỉ toàn đi rừng kiếm sống, đến nay sau hơn 10 năm định cư tại đây cuộc sống đã thay đổi hoàn toàn. Mình biết ơn các anh bộ đội Công ty 74 lắm”.

Đại tá Trần Quang Hùng cho biết : “Năm 1993, chúng tôi đã chọn 20 hộ gia đình từ 3 làng Ghê, Tuk Ngo và Tuk La làm gương để tập trung vận động. Công ty hỗ trợ bà con vật liệu để xây nhà, làm công trình vệ sinh, đào giếng sinh hoạt, cung cấp lương thực và thực phẩm cho bà con, rồi chuẩn bị thuốc men để đối phó với những bệnh tật nơi vùng đất mới… Chúng tôi làm đường giao thông, đập thủy lợi để bà con làm lúa nước; kéo điện thắp sáng, xây dựng trường học và tổ chức đào tạo tay nghề cạo mủ cao su. Có thể nói, điều kiện sống tốt hơn nhiều so với làng cũ. Tuy nhiên, cũng có một vài hộ đến ở thời gian ngắn rồi bỏ về với lý do rất đơn giản: “không thích ở làng mới”. Chúng tôi lại tiếp tục đến vận động và nói cho bà con hiểu, bởi chúng tôi xác định đây là công việc kéo dài hàng chục năm chứ không phải ngày một, ngày hai”.

ĐỨC TRUNG

Tin cùng chuyên mục