Ngày Siêu thứ ba: Định hình cuộc đua bầu cử Tổng thống Mỹ

Ngày 5-3, nước Mỹ bước vào ngày bầu cử Siêu thứ ba. Hàng triệu cử tri tham gia bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử sơ bộ và họp kín tại 15 tiểu bang và vùng lãnh thổ Samoa của Mỹ để chọn ra các đại biểu có vai trò quyết định ứng cử viên nào của mỗi đảng sẽ đại diện trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Cử tri bỏ phiếu bầu tại California
Cử tri bỏ phiếu bầu tại California

Khó có bất ngờ

Theo ghi nhận của Đài truyền hình CNN, khoảng 1 triệu cử tri tham gia bỏ phiếu bầu từ 5 giờ sáng 5-3 (giờ địa phương, 19 giờ Việt Nam). Hoạt động bỏ phiếu cũng lần lượt diễn ra tại Alabama, Minnesota, California, North Carolina, Texas, Massachusetts…

Đối với đảng Dân chủ, cuộc đua giành lá phiếu đề cử gần như đã ngã ngũ từ vạch xuất phát khi đương kim Tổng thống Joe Biden đang không có đối thủ và cầm chắc tấm vé đại diện ra tranh cử tổng thống tháng 11, với 201 phiếu đại biểu. Trong khi đó, bên đảng Cộng hòa, màn so găng của hai ứng cử viên là cựu Tổng thống Donald Trump và cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley ít nhiều mang màu sắc hình thức. Sở dĩ nói vậy vì hiện ông Trump đang dẫn trước với thế áp đảo sau khi đã giành chiến thắng tại 7/7 cuộc bầu cử sơ bộ trước đó của đảng Cộng hòa. Chiến thắng mới nhất tại bang North Dakota diễn ra ngay trước thời điểm bỏ phiếu ngày Siêu thứ ba tiếp tục giúp cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vượt qua bà Haley trong cuộc đua giành lá phiếu đề cử của đảng Cộng hòa, với tổng số phiếu đại biểu là 276.

Hiện bà Haley mới chỉ có một chiến thắng ở thủ đô Washington D.C. và đang có 43 phiếu đại biểu. Hầu hết kết quả thăm dò mới đây cho thấy ông Trump dẫn điểm với khoảng cách vượt trội trước bà Haley tại tất cả 15 bang. Theo tờ Newsweek, các cuộc thăm dò cho thấy ông Trump có thể giành được chiến thắng đáng kể trong tất cả 16 cuộc đua sơ bộ của đảng Cộng hòa vào ngày này, với một số cuộc khảo sát cho thấy ông có thể nhận được khoảng 3/4 số phiếu bầu ở một số bang.

Trong cuộc đua ngày Siêu thứ ba năm nay, có tới 874 đại biểu đảng Cộng hòa sẽ được chọn, tương đương khoảng 36% tổng số đại biểu. Đối với đảng Dân chủ, các cuộc bầu cử Siêu thứ ba có 1.420 trong tổng số 3.979 phiếu đại biểu toàn quốc, tương đương 36%. Để giành được suất đề cử của đảng Cộng hòa, ứng cử viên phải có được sự ủng hộ của 1.215 trên tổng số 2.429 đại biểu, trong khi ứng cử viên đảng Dân chủ phải giành được 1.968 trên tổng số 3.934 đại biểu.

Màn tái đấu?

Với những diễn biến hiện nay, giới quan sát nghiêng về kịch bản cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới sẽ là màn tái đấu giữa hai chính khách cao tuổi là ông Biden - 81 tuổi và cựu Tổng thống Trump, 78 tuổi. Ông Biden cũng là ứng cử viên cao tuổi nhất từng tham gia một cuộc bầu cử tổng thống. Vậy tại sao hai chính khách này, chứ không phải là ai khác, lại chiếm thế thượng phong trong một chính trường Mỹ vốn hết sức sôi động với nhiều gương mặt mới đầy triển vọng? Thăm dò dư luận từ truyền thông Mỹ cho thấy, trên thực tế, người dân Mỹ ngày càng có xu hướng thích các ứng cử viên lớn tuổi và điều này diễn ra qua hàng chục cuộc bầu cử tổng thống. Năm nay, trong tổng số 14 ứng cử viên tuyên bố tranh cử của cả hai đảng, chỉ có duy nhất ông Vivek Ramaswamy dưới 40 tuổi (38 tuổi), trong khi có 4 ứng viên ngoài 60 tuổi và 6 ứng cử viên hơn 70 tuổi.

f8b-7488.jpg
Ông Donald Trump, Tổng thống Biden và bà Nikki Haley

Ngày Siêu thứ ba không chỉ chứng kiến bầu cử sơ bộ tổng thống. Người Mỹ cũng sẽ bỏ phiếu trong một số cuộc đua khác cùng ngày, bao gồm các cuộc tranh cử để giành chỗ trong Thượng viện và Hạ viện, cũng như trong các cơ quan lập pháp của bang. Cử tri sẽ chọn ra 2 ứng cử viên để đối đầu vào tháng 11 nhằm lấp đầy chiếc ghế Thượng viện còn trống, vốn do nghị sĩ Dianne Feinstein (qua đời vào tháng 9-2023) nắm giữ trong nhiều thập niên. Ở Texas, các ứng viên đảng Dân chủ đang cạnh tranh để có cơ hội giành ghế Thượng viện của nghị sĩ đảng Cộng hòa Ted Cruz. Các cuộc chạy đua vào các chức vụ cấp thấp hơn như công tố viên, thẩm phán, ủy viên hội đồng thành phố và thành viên hội đồng nhà trường cũng sẽ được tổ chức.

15 bang bỏ phiếu vào ngày Siêu thứ ba gồm: Alabama, Alaska, Arkansas, California, Colorado, Maine, Massachusetts, Minnesota, North Carolina, Oklahoma, Tennessee, Texas, Utah, Vermont, Virginia và vùng lãnh thổ Samoa. Kết quả bỏ phiếu kín sau cuộc họp đảng của đảng Dân chủ tại bang Iowa (được tổ chức dưới hình thức bỏ phiếu qua đường bưu điện) cũng sẽ được công bố trong ngày Siêu thứ ba. Do bầu cử sơ bộ Siêu thứ ba diễn ra ở các bang và vùng lãnh thổ nằm trải khắp 6 múi giờ nên có thể mất vài giờ, thậm chí vài ngày, để xác định ứng viên giành chiến thắng của mỗi đảng.

Tin cùng chuyên mục