
Nuôi trồng thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của ĐBSCL. Khoảng 600.000 ha nuôi thủy sản bùng phát trong vòng 4 năm qua đã tạo điều kiện cho nhiều nghề “ăn theo” ngành này. Gọi là “ăn theo”, song nó là một mắt xích quan trọng trong ngành nuôi và xuất khẩu thủy sản hiện nay.
- Một chuyến, lãi bạc triệu
Chị Bảy Hậu ở Ngã Sáu (Hậu Giang) đã hành nghề bán vôi cho vùng Bạc Liêu, Sóc Trăng được 3 năm. Mùa khô này, khi tôm chết hàng loạt, các hộ nông dân cám cảnh “nuôi tôm bạc như vôi” thì vôi bột vẫn bán đắt như “tôm tươi”. Tôm chết hàng loạt, nhưng nông dân vẫn vét ao, vuông thả tôm với hy vọng “1 vụ tôm trúng bù 3 vụ tôm chết!”. Mỗi chuyến mất vài ngày đưa ghe 13 tấn qua Hà Tiên lấy vôi giá 300đ/kg về bán lại bình quân 600đ/kg, trừ chi phí chị Bảy Hậu cũng kiếm được 3 triệu đồng.

Gọi là “ăn theo”, nhưng rất nhiều người “sống khỏe” bằng nghề đi thu hoạch tôm mướn.
Do đặc thù về tiềm năng sản xuất của tỉnh Bạc Liêu, nhất là tập quán sản xuất của người nuôi tôm, nên thời điểm nào ở các vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh cũng có hộ thu hoạch tôm. Nhờ đó người hành nghề chở tôm mướn có việc làm quanh năm. Hiện tại, có hai loại dịch vụ chuyên chở tôm mướn là bằng xe ba gác và bằng tàu đò, nhưng tàu đò có vẻ “lấn sân” hơn bởi sản lượng tôm nuôi thu hoạch khá lớn và các vùng nuôi tôm thường có sông ngòi chằng chịt.
Anh Nguyễn Văn Phú, quê ở ấp Bờ Xáng, xã Vĩnh Trạch, thị xã Bạc Liêu cho biết, ngoài nuôi tôm, anh sống nhờ chiếc ghe có tải trọng trên 3 tấn. Địa phương ít tàu đò nên anh được bà con thuê chở tôm thường xuyên. Người dân sau thu hoạch tôm, các khoản chi phí vận chuyển, kể cả tiền nước đá muối tôm cũng được chủ vựa bao và người chuyên chở được chủ vựa trả mỗi ký tôm nguyên liệu tương đương một ngàn đồng.
Như vậy, nếu chở một tấn tôm (1.000 kg), thì người chở lãnh chọn một triệu đồng. Hiện nay, phần lớn người dân nuôi tôm thâm canh theo mô hình công nghiệp, sản lượng sau thu hoạch khá lớn, do đó người chở thuê một chuyến từ hai đến ba tấn tôm và khi tôm nuôi vào vụ chính, mỗi ngày chở từ hai đến ba chuyến là chuyện bình thường. Và dĩ nhiên, số tiền công cũng tăng theo.
- Ủi đất và bán nước mặn
Trong quá trình cải tạo vuông, người dân phải thuê máy ủi, sảng cuốc để cải tạo. Đối với qui mô diện tích nuôi tôm hiện tại của tỉnh Bạc Liêu, cộng với việc mùa vụ nuôi tôm quanh năm, những người hành nghề này có nguồn thu nhập không phải nhỏ. Ông Nguyễn Văn An, ấp Bờ Xáng, xã Vĩnh Trạch (Bạc Liêu) người có 2 xe ủi và 1 xáng cuốc cho biết: “Bây giờ được bà con thuê quanh năm, làm không xuể, thu nhập cũng khá”.
Theo ông An, hiện xe ủi và xáng cuốc làm thuê cho bà con với giá từ 120 đến 160 ngàn đồng/giờ, mỗi ngày, một phương tiện hoạt động khoảng 8 tiếng, sau khi trừ các khoản chi phí xăng dầu, tài xế thì một xe ủi thuê cũng còn lại trên năm trăm ngàn đồng. Mỗi xe đều có từ 2 đến 3 tài xế, thu nhập của họ bình quân mỗi tháng trên hai triệu đồng.
Ước tính, trong toàn tỉnh Bạc Liêu có hàng trăm xe ủi, xáng cuốc phục vụ đắc lực trong quá trình chuyển dịch sản xuất, những người hành nghề này đều là các hộ khá giả, chí thú làm ăn, bởi vốn đầu tư ban đầu khá lớn. Để mua một chiếc xe ủi, xáng cuốc “đồ nghĩa địa” phải bỏ ra không dưới một trăm triệu đồng.
Để đủ độ mặn thích nghi thuần hóa tôm giống trong bể ương, không ít hộ dân ở vùng sản xuất theo mô hình tôm- lúa phải mua nước mặn để thuần hóa; các hộ sản xuất kinh doanh giống cũng có nhu cầu rất lớn về nguồn nước mặn để ương thuần. Những người chuyên chở nước mặn bán, nhờ đó cũng ăn nên làm ra. Những người hành nghề này phải có ghe tải trọng tương đối lớn, từ 20 - 30 tấn, có máy bơm ống dẫn nước và nguồn nước mặn được chở từ ngoài cửa biển: Nhà Mát, Gành Hào.
Nguồn nước này có độ mặn rất cao và chất lượng nước tốt, nước được bơm vào ghe rồi chở bán cho các hộ có nhu cầu. Được biết, mỗi ghe nước mặn khoảng 20 tấn, bán khoảng 1,5 - 2 triệu đồng. Công việc của nghề “bán nước mặn” rất đơn giản, dùng máy bơm nước mặn vào ghe và dùng ống dẫn nước mặn từ ghe lên các ao ương tôm, các cơ sở sản xuất giống, nên không ít người đổ xô vào.
Đó là những nghề “ăn theo” nhưng phục vụ đắc lực cho quá trình chuyển dịch sản xuất của tỉnh, góp phần tăng nguồn thu nhập kinh tế hộ gia đình, giải quyết một phần lao động nhàn rỗi ở các vùng nuôi tôm. Ông Bửu Huy, Phó Giám đốc Công ty AFIEX (An Giang), nhận định: “Những nghề “ăn theo” ngành thủy sản là những tế bào nằm trong tổ hợp quan trọng tạo nên chân dung ngành thủy sản Việt Nam.
Chính vì vậy, cần có cách tổ chức bài bản, nhằm liên kết lại thành một hệ thống”. Đây cũng là nền tảng để tạo nên chuỗi giá trị cho ngành thủy sản Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng. Tuy nhiên, vấn đề này đến nay vẫn còn bỏ ngỏ, mạnh ai nấy làm, không có một qui trình kiểm soát, quản lý nào được đưa ra.
PHONG – NGUYỄN