Nghệ nhân ưu tú Ý Lan: Hạnh phúc, bình an trong mỗi tác phẩm tranh cát

Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Ý Lan vừa trở lại sau 4 năm vắng bóng trong làng hội họa, qua triển lãm tranh cát Bình an trưng bày tại tư gia, số 68/23 đường Nguyễn Tư Giản, phường 12, quận Gò Vấp, TPHCM.
Một tác phẩm tranh cát của họa sĩ Ý Lan
Một tác phẩm tranh cát của họa sĩ Ý Lan

Sự trở lại của chị với hơn 60 tác phẩm nghệ thuật tranh cát, trong đó có gần 20 tác phẩm tranh cát thư pháp, lần đầu tiên công bố, được thể hiện qua các bài thơ - đều mang giá trị của cuộc sống bình an, hạnh phúc…

* PHÓNG VIÊN: Sau những biến cố gia đình, chị đã trở lại hội họa tranh cát.

- NNƯT Ý LAN: Sau biến cố đau thương của gia đình và chứng kiến những mất mát to lớn của xã hội trong đại dịch Covid-19, trở lại với làng hội họa và công chúng yêu mến nghệ thuật tranh cát, tôi muốn thông qua những tác phẩm gửi đến mọi người thông điệp của giá trị cuộc sống bình an và hạnh phúc. Trong đó, đặc biệt lần đầu tiên tôi ra mắt công chúng yêu thích tranh cát các tác phẩm thư pháp được thể hiện trên cát qua các bài thơ Sống, Bình an, Hạnh phúc, Cám ơn đời mỗi sáng mai thức dậy… Qua đó, để lại cho mỗi người ý thức là sống như thế nào cho đúng, cho có ý nghĩa, để mai này không hối tiếc.

* Tư duy trên từ nội tâm của chị…

- Không chỉ từ nội tâm của mình, mà cả bên ngoài xã hội nhiều người có chung ý nghĩ như vậy sau đại dịch Covid-19. Những tác phẩm tranh cát được sáng tác trong những tháng ngày qua hàm chứa ý thức và nội tâm của bản thân và hiện thực xã hội. Cuộc sống sau đại dịch Covid-19 làm mỗi chúng ta phải tự thay đổi, trước hết là tư duy. Tư duy cho ta nhận thức mới với những thay đổi, bắt đầu từ suy nghĩ cuộc sống là vô thường. Từ đó, biến thành hành động của mỗi chúng ta, bắt đầu từ suy nghĩ tích cực, chín chắn, hành động quyết liệt; sống tốt với mọi người xung quanh và nhìn lại bản thân mình, yêu bản thân mình hơn.

* Điều này có ảnh hưởng gì đến hội họa, nghệ thuật?

- Không! Nghệ thuật, hội họa sẽ khắc họa chân thực về cuộc sống hiện tại của mỗi người. Những tác phẩm tranh cát, đặc biệt là tranh cát thư pháp ra đời từ tư duy, suy nghĩ sau đại dịch Covid-19, cho người xem nhận biết rõ hơn về giá trị cuộc sống hôm nay, những điều hay cần học.

Các đại biểu và khách mời tham quan triển lãm của họa sĩ Ý Lan
Các đại biểu và khách mời tham quan triển lãm của họa sĩ Ý Lan

* Có phải điều đó khiến chị chuyển hướng vẽ tranh cát thư pháp?

- Không hẳn là tôi chuyển hết qua tranh cát thư pháp, nó chỉ là một phần trong tư duy, nhận thức. Mỗi tác phẩm tranh cát thư pháp chứa đựng không chỉ ý nghĩa của các câu thơ văn, mà còn có hình ảnh của thiên nhiên và cuộc sống của con người. Đó là cả sự thay đổi trong tư duy nghệ thuật, mà bắt đầu từ những tác phẩm tranh cát thư pháp.

* Chị có những ấp ủ, dự định gì trong tương lai?

- Trước kia tôi đã đào tạo nghệ thuật tranh cát cho nhiều em khuyết tật, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Tôi mong muốn thời gian tới sẽ có thêm nhiều em có hoàn cảnh tương tự biết được tranh cát và đến học nghề miễn phí để có việc làm mưu sinh. Đó là cách mà tôi muốn góp một phần làm thay đổi số phận của những người bất hạnh, khó khăn. Đã có nhiều học trò khuyết tật đến với nghệ thuật tranh cát và thành công trong cuộc sống, từ nghèo khó trở nên cuộc sống đủ đầy. Điều đó khiến tôi rất hạnh phúc.

* Còn dự định về nghệ thuật, thưa chị?

- Tôi có một dự định ấp ủ bao năm nay chưa thực hiện được, đó là dự án đồi tranh cát, xây dựng trên một quả đồi ở ngoài trời (đã được cấp bản quyền). Một tòa lâu đài tranh mọc giữa trời với nhiều tác phẩm tranh cát từ lớn đến nhỏ được dựng từ trên đỉnh đồi, trải dài xuống đến chân đồi. Mỗi bức tranh cát dựng lên được tạo xung quanh bởi những cây, hoa, lá theo chủ đề thiên nhiên. Ban ngày là sắc đẹp của thiên nhiên, đêm xuống là nét đẹp lỗng lẫy của những tác phẩm tranh cát chìm vào ánh sáng huyền diệu của dàn đèn màu.

Tin cùng chuyên mục