Nghệ sĩ Pháp Dominique de Miscault vừa trao tặng bộ phim tài liệu Hồ Chí Minh - Ước vọng hòa bình cho Ban Truyền hình đối ngoại VTV4, Đài Truyền hình Việt Nam ở Hà Nội. Hiện tại, bà đang có cuộc triển lãm tranh có tên Gặp gỡ nhà thơ Trần Đăng Khoa tại Ami Art gallery, Khu du lịch Văn Thánh, TPHCM. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với bà.
- Phóng viên: Chúng tôi được biết bà đã làm bộ phim tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh qua quyển sách của nhà báo Léo Figuèrre (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới, Tổng biên tập Báo Tiền Phong, Pháp), xin cho biết nguyên nhân và quá trình thực hiện bộ phim?
Bà DOMINIQUE DE MISCAULT: Tôi đã đến Việt Nam khá nhiều lần, bắt đầu từ năm 1992 đến nay và cũng dành nhiều thời gian nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về đất nước, con người Việt Nam. Gần đây, từ quyển sách Je reviens au Vietnam libre (Tôi trở lại đất nước Việt Nam tự do) của ông Léo Figuèrre ghi chép về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở chiến khu Việt Bắc năm 1950 và từ nguồn tài liệu, hình ảnh ở Trung tâm Lưu trữ vùng Aix Provence khiến tôi nghĩ đến chuyện làm phim tài liệu về Việt Nam.
Được sự động viên, giúp đỡ của bạn bè Pháp, phóng viên hãng truyền hình Arte, một số cơ quan và bạn bè Việt Nam đã giúp tôi vượt qua khó khăn để hoàn thành bộ phim vào tháng 10-2011 (khởi quay từ tháng 10-2010). Trong phim, song song với những hình ảnh chiến khu Việt Bắc, ông Léo Figuèrre là nhân vật được phỏng vấn xuyên suốt. Ông đã bày tỏ những nhận xét ấn tượng về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như những trải nghiệm về đất nước Việt Nam…
- Xin được hỏi về cuộc triển lãm đang diễn ra tại TPHCM, bà nghĩ sao về sự kết hợp thơ Việt Nam với hội họa Pháp?
Trước đây, chúng tôi có nghe nhắc đến tuyển tập 30 bài thơ thiếu nhi qua bản dịch của Xuân Diệu, Nguyễn Khắc Viện, Hữu Ngọc, do Les Editeurs Francais Réunis xuất bản nhưng nó đã bị tuyệt bản. Năm 2006, một người bạn tìm thấy bản song ngữ Việt-Anh, do Fred Marchant và Nguyễn Bá Chung dịch. Bà Marie Hélène Lavallard và tôi có dự án dịch thơ Trần Đăng Khoa sang tiếng Pháp. Dự án đã hoàn thành với sự đồng ý của nhà thơ Trần Đăng Khoa. May mắn, chúng tôi được dịch giả Michèle Sullivan và Hoàng Thị Phượng tham gia.
Bản dịch thơ được đánh giá khá tinh tế, với sự góp sức của nhà thơ, họa sĩ và dịch giả, tương tự ý kiến nhà thơ Trần Đăng Khoa trong mở đầu Tuyển tập 37 bài thơ song ngữ Pháp - Việt (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2011). Thơ của Khoa luôn “vẽ” được nhiều hình ảnh cụ thể thế giới cuộc sống: tình cảm gia đình, thiếu nhi Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh, các con vật thương yêu… Tranh minh họa của tôi bắt đầu từ mối đồng cảm này nhưng nét vẽ của tôi được diễn tả bằng những chuyển động của màu sắc và thể hiện một cách trừu tượng.
- Cảm xúc của bà qua những lần đến Việt Nam? Dự án nghệ thuật sắp tới có tiếp tục là đề tài về Việt Nam?
Đến cả ba miền Bắc, Trung, Nam, tôi rất vui khi được nhiều người bạn Việt Nam quan tâm ủng hộ. Đó là ý nghĩa của tình hữu nghị Pháp - Việt thật chan hòa, ấm áp mà tôi cảm nhận qua những cuộc triển lãm tranh, triển lãm ảnh nghệ thuật hoặc trình bày tác phẩm sắp đặt về tre Việt Nam, âm thanh nông thôn Việt Nam, ký ức cầu Long Biên… Tôi cũng đã bắt gặp khá nhiều thay đổi của đời sống nông thôn và thành thị ở Việt Nam. Dự án nghệ thuật sắp tới sẽ có, tôi chưa thể nói sớm nhưng chắc chắn Việt Nam vẫn luôn là nguồn cảm hứng mới.
Kim Ửng