Nghệ sĩ Thanh Tòng - Đại thụ tuồng cổ tròn vai diễn cuộc đời

Nghệ sĩ Thanh Tòng vốn được giới cải lương xem là đại thụ tuồng cổ, ông nổi tiếng với những vai diễn lịch sử trong các vở Câu thơ yên ngựa, Bão táp nguyên phong… Thể hiện tròn vai diễn cuộc đời khi để lại nhiều thành tựu, nền tảng cho cải lương Việt Nam, sự ra đi của ông khiến giới mộ điệu và nghệ sĩ tiếc nuối.
Nghệ sĩ Thanh Tòng - Đại thụ tuồng cổ tròn vai diễn cuộc đời

(SGGPO).- Nghệ sĩ Thanh Tòng vốn được giới cải lương xem là đại thụ tuồng cổ, ông nổi tiếng với những vai diễn lịch sử trong các vở Câu thơ yên ngựa, Bão táp nguyên phong… Thể hiện tròn vai diễn cuộc đời khi để lại nhiều thành tựu, nền tảng cho cải lương Việt Nam, sự ra đi của ông khiến giới mộ điệu và nghệ sĩ tiếc nuối.

NSND Thanh Tòng là hậu duệ xuất sắc trong dòng dõi 6 đời làm nghệ thuật

Hậu duệ xuất sắc

Nghệ sĩ Thanh Tòng sinh năm 1948 tại TPHCM, ông là hậu duệ xuất sắc đời thứ tư trong dòng dõi tuồng cổ nổi tiếng miền Nam tính đến nay có sáu thế hệ tham gia nghiệp hát.

Bà cố nội ông là chủ gánh hát bội Vĩnh Xuân, ông nội ông là bầu Thắng, sinh ra cha ông là nghệ sĩ Minh Tơ. Con gái ông là nghệ sĩ ưu tú Quế Trân cũng tham gia nghiệp hát.

Thanh Tòng lên sân khấu cùng ông nội từ năm 3 tuổi với vở Hoàng Phi Hổ quy Châu và San Hậu. 6 tuổi, Thanh Tòng học cải lương, học tân nhạc, nhảy thiết hài và được giao vai lớn khi mới lên 10. 11 tuổi, Thanh Tòng trở thành hiện tượng khi được ký giả Sài Gòn thời đó phong danh hiệu thần đồng sân khấu.

Năm 22 tuổi, ông dàn dựng vở Bao Công vô lò gạch tra án Quách Hòe trên sân khấu Khánh Hồng - Minh Tơ như một khởi nghiệp cho nghề đạo diễn sau này. Dù đứng trên sân khấu hay lấn sân làm đạo diễn, nghệ sĩ Thanh Tòng vẫn luôn ý thức gìn giữ nghệ thuật truyền thống, yêu nghề, yêu sân khấu cải lương đến từng hơi thở. Ông là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho nghệ thuật tuồng cổ dân tộc. Từ thời trẻ, ông đã bỏ công tìm tòi, nghiên cứu rất khoa học loại hình nghệ thuật hát bội để cho ra đời loại hình tuồng cổ dân tộc.

Năm 1968, Thanh Tòng được báo chí phong là Vua cải lương Hồ quảng. Thời điểm đó, ông để lại ấn tượng sâu sắc với nhiều vai diễn đa tính cách như: Câu thơ yên ngựa, Bão táp nguyên phong, Thanh gươm và nữ tướng, Gió lộng bến Bình Than, Dưới cờ Tây Sơn, Bao Công vô lò gạch tra án Quách Hòe…

NSND Thanh Tòng cùng NSƯT Quế Trân trong một vở diễn

Không chỉ ghi dấu ấn bằng cải lương hồ quảng và tuồng cổ, khán giả còn thấy một nghệ sĩ Thanh Tòng duyên dáng với vai hài trong Tô Ánh Nguyệt, hay sắc sảo trong vai Võ Minh Thành ở Đời cô Lựu.

Sau 1975, ông tham gia quản lý đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ, góp phần tạo ra nhiều vở cải lương tuồng cổ mang đậm màu sắc lịch sử Việt Nam để tạo sự khác biệt với cải lương hồ quảng chỉ hát tuồng Tàu.

Với những cống hiến tiên phong, Thanh Tòng đoạt 4 huy chương vàng, 6 huy chương bạc trong các lần hội diễn sân khấu toàn quốc, 3 lần đoạt giải Mai Vàng.

Năm 2007, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND).

Sống mãi trong lòng người mộ điệu

Được biết, mấy năm gần đây, nghệ sĩ Thanh Tòng mắc nhiều bệnh tuổi già như đau khớp, tim mạch, huyết áp nên sức khỏe ông không được tốt, ít tham gia các hoạt động nghệ thuật.

Gần đây, ông phải vào Bệnh viện Việt - Pháp để các bác sĩ chăm sóc và trở về nhà cách đây khoảng một tháng. Khoảng 10 giờ sáng ngày 22-9, nghệ sĩ Thanh Tòng đã qua đời ở tuổi 68 tại nhà riêng ở huyện Bình Chánh, TPHCM.

NSND Thanh Tòng qua đời ở tuổi 68 vào sáng 22-8

Sự ra đi của nghệ sĩ Thanh Tòng tuy không đột ngột do tuổi cao sức yếu và bệnh tình kéo dài nhưng vẫn để lại nhiều tiếc nuối cho giới mộ điệu và nhiều nghệ sĩ.

Nghệ sĩ Bạch Long, anh em con cô cậu với nghệ sĩ Thanh Tòng, chia sẻ: “Anh không ăn chơi trác táng, không bài bạc, rượu chè lại rất chung thủy. Tôi kính nể anh ở tâm yêu nghề, sống chết với nghệ thuật”.

Còn nghệ sĩ Kim Tử Long, cháu rể nghệ sĩ Thanh Tòng không giấu được xúc động: “Tôi đi hát cho đoàn cải lương Minh Tơ những năm 1988, 1989. Không chỉ riêng tôi, mà tất cả những ai từng đứng trên sân khấu tuồng cổ đều dành cho NSND Thanh Tòng sự kính trọng. Đây là mất mát quá lớn bởi cậu Năm là cây đại thụ cải lương của sân khấu tuồng cổ. Gia đình cậu Năm rất tôn ti trật tự, ông được con cháu kính phục. Mỗi khi có việc, ông gọi từng người nhắc nhở, dạy bảo và truyền đạt kinh nghiệm. Ông đều khuyên con cái đi theo con đường gia đình của để lại”.

NSND Thanh Tòng ra đi để lại nhiều tiếc nuối cho giới mộ điệu. Ảnh: THANH HIỆP

Nghệ sĩ Bình Tinh, hậu duệ của đoàn cải lương Huỳnh Long, cũng không giấu được vẻ xót xa khi nghe tin buồn: “Gia đình tuồng cổ Minh Tơ và Huỳnh Long như một nên tôi gần gũi với bác Năm từ nhỏ. Ngày bé mẹ tôi dạy cho chị Quế Trân thì bác Năm dạy cho tôi và bạn bè. Cậu ruột tôi làm rể bên gia đình bác nên mối quan hệ rất thân tình. Với chúng tôi, bác Năm là vị tướng soái của cải lương tuồng cổ. Bác như cây đại thụ, chống đỡ mọi thứ để chúng tôi có nơi nương tựa. Giờ bác mất rồi không biết thế nào”.

Cho đến trước lúc ra đi mãi mãi, khán giả vẫn thấy cha con NSND Thanh Tòng và Quế Trân thường sát cánh cùng nhau trên sân khấu. Vài tháng trước, ông cùng con gái Quế Trân tham gia chương trình Danh hài đất Việt đầy cảm xúc.

Cuộc đời mỗi người đều có điểm kết thúc bằng sự ra đi mãi mãi. Nhưng bằng sự miệt mài với nghề, luôn thể hiện tròn vai diễn của mình dù xuất hiện trên sân khấu với vai trò nào, sự ra đi của nghệ sĩ Thanh Tòng là sự ra đi bất diệt trong lòng người mộ điệu.

LAM VĨNH

Tin cùng chuyên mục