Nghệ thuật múa đương đại: Đi tìm dấu ấn riêng

Vài năm gần đây, loại hình nghệ thuật múa đương đại xuất hiện đã góp phần tạo nên một luồng gió mới trong hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật tại TPHCM.
Nghệ thuật múa đương đại: Đi tìm dấu ấn riêng

Vài năm gần đây, loại hình nghệ thuật múa đương đại xuất hiện đã góp phần tạo nên một luồng gió mới trong hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật tại TPHCM.

 Dù rằng, thể loại giải trí độc đáo này hãy còn kén người xem, nhưng qua hàng loạt chương trình nghệ thuật, giao lưu biểu diễn giữa nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế, các cuộc thi tài nhảy múa, các gameshow truyền hình, múa đương đại đang đến gần hơn với công chúng, nhất là giới trẻ. Tuy nhiên, để múa đương đại có thể tạo được dấu ấn riêng, cần phải có sự hỗ trợ, hợp tác nâng chất trong công tác đào tạo và tổ chức biểu diễn. 

Hiếm biên đạo múa giỏi 

Tại TPHCM, nghệ thuật múa đương đại có nhiều điều kiện tiếp cận với khán giả thông qua các chương trình biểu diễn của các vũ đoàn tư nhân, đơn vị nghệ thuật công lập. Đặc biệt, sự xuất hiện của múa đương đại ngày càng nhiều trong các chương trình truyền hình - một kênh thông tin quảng bá hiệu quả, có lượng người xem lớn, đa dạng về độ tuổi, ngành nghề.

Vở múa Đánh mất và tìm lại của Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM

Dù vậy, sau nhiều năm xuất hiện và hoạt động, múa đương đại vẫn đi từng bước chậm rãi, có phần manh mún, kén chọn khán giả, nhưng lại có đòi hỏi rất cao về khả năng tư duy sáng tạo của biên đạo trong việc chuyển tải nội dung, ý nghĩa, ngôn ngữ nghệ thuật múa. Biên đạo múa Nguyễn Phúc Hải  (Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM) chia sẻ: “Để có thể làm nghề, phát huy được tư duy sáng tạo nghệ thuật múa đương đại, bên cạnh việc học tập bài bản từ trường lớp nghệ thuật chính quy, chúng tôi phải tự mày mò học hỏi thêm, tự tìm kiếm cho mình hướng đi riêng. Bản thân tôi, sau 4 năm học chuyên ngành tại Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội, tôi phải tự tìm học bổng sang Pháp thực tập cả năm, để vừa làm diễn viên, vừa học tư duy sáng tạo của nghề biên đạo. Tiếp sau đó là tự học thêm, thường xuyên cập nhật kiến thức mới. Vì nếu không tự mở rộng tầm nhìn, bổ sung kiến thức chuyên môn, biên đạo múa khó phát huy được chất sáng tạo, xây dựng được phong cách riêng. Hiện nay tại TPHCM, biên đạo giỏi không nhiều, chỉ đếm trên đầu ngón tay, thế nên việc thúc đẩy phát triển nghệ thuật múa đương đại thật không dễ”. 

TPHCM có hàng chục vũ đoàn lớn nhỏ hoạt động rầm rộ suốt hơn 10 năm qua, nhưng phần lớn các biên đạo hoạt động tự phát, làm nghề theo trào lưu, thị hiếu, nhu cầu của thị trường. Gần đây, một số biên đạo đã ý thức hơn, chịu khó theo học trường lớp chính quy để bổ sung kiến thức, kỹ thuật trình diễn, dàn dựng. Tuy nhiên, chỉ dừng lại ở những giáo trình học căn bản thôi thì kỹ năng làm việc của các biên đạo khó có thể phát huy tốt nhất tư duy sáng tác, sáng tạo nghệ thuật. Nhìn lại, những gương mặt biên đạo múa đương đại tài năng, tạo được dấu ấn cá nhân trong hoạt động nghệ thuật tại thành phố, bên cạnh việc học bài bản từ trường lớp, các biên đạo phải tự cập nhật, học tập kinh nghiệm ở các quốc gia có thế mạnh về phát triển nghệ thuật múa đương đại ở châu Âu, Mỹ hay Anh. Đội ngũ biên đạo tài năng này hiện rất hiếm hoi, trong đó có thể kể đến các biên đạo múa Tấn Lộc, Thanh Phương, Trần Ly Ly, Ngọc Anh, Phúc Hùng, Phúc Hải…

Tổ chức nhiều chương trình biểu diễn định kỳ

Biên đạo múa Trần Ly Ly, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Múa TPHCM, nhìn nhận: “Nhiều năm qua, nhiều người tốt nghiệp trường múa nhưng ít người làm nghề thực sự. Người làm việc có chất lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Để có được một tác phẩm múa đương đại ra mắt khán giả, cần khá nhiều điều kiện: tư duy và khả năng biên đạo, khả năng của diễn viên, ê kíp sản xuất, nhạc sĩ, người làm phim ảnh, ánh sáng, sân khấu trình diễn, kinh phí tổ chức… Trong khi đó, thực tế chỉ có hoạt động tự phát của những người làm nghề, máu lửa với nghệ thuật múa, phải làm nhiều việc để có thể thực hiện được đam mê nghệ thuật múa đương đại. Nhưng không phải ai cũng có tiền để thực hiện những cuộc chơi như thế và cũng không thể duy trì dài lâu được vì nhiều yếu tố, nguyên nhân khách quan. Những hoạt động tổ chức nhỏ lẻ ấy cũng rất khó tạo thành một hướng đi chung, định hình con đường phát triển rộng lớn cho nghệ thuật múa đương đại. Theo tôi, để giúp nghệ thuật múa đương đại có điều kiện và cơ hội phát triển đòi hỏi phải có nhiều người cùng hợp lực thực hiện. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ thiết thực, cụ thể về tiền bạc, chế độ, nhà hát… từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, quản lý văn hóa”.

TPHCM là thành phố năng động, có hoạt động tổ chức biểu diễn văn hóa nghệ thuật lớn nhất nhì cả nước, có số lượng vũ đoàn, diễn viên múa hùng hậu, hoạt động thường xuyên với cả trăm chương trình nghệ thuật lớn nhỏ trong năm. Thế nhưng, từ nhiều năm trước, nghệ thuật múa vẫn không tạo được dấn ấn phát triển vượt bậc. Nhìn vào thực tiễn, múa dân gian dân tộc gặp nhiều trở ngại trong việc sưu tầm, tổ chức biểu diễn, hiếm hoi lực lượng diễn viên giỏi, biên đạo giỏi kế thừa, công tác quảng bá, tuyên truyền còn yếu… nên khó phát huy giá trị nghệ thuật vốn có. Nghệ thuật múa ballet hàn lâm cũng không được nhiều công chúng hiểu, thích, quan tâm, ủng hộ. Trong khi đó, nghệ thuật múa đương đại xuất hiện nhưng cũng chỉ hoạt động lẻ tẻ, tự phát là chính.

NSND Hà Thế Dũng, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa TPHCM, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Múa TPHCM tâm tư: “Bên cạnh những khó khăn chung, nghệ thuật múa còn vướng phải hạn chế lớn đó là sự trói buộc, áp đặt về đề tài, đôi khi hơi khiên cưỡng, thiếu sự gợi mở và tự do, nên sự bay bổng và thăng hoa cảm xúc của người sáng tạo lẫn người hưởng thụ bị hạn chế. Để tháo gỡ bớt những khó khăn trước mắt, từ nay đến cuối năm 2015, Hội Nghệ sĩ múa TPHCM phối hợp với Trường Trung cấp Múa TPHCM sẽ tổ chức thường xuyên và định kỳ các chương trình biểu diễn, giao lưu, giới thiệu, quảng bá các tác phẩm nghệ thuật múa tại sân khấu của trường. Chúng tôi sẽ cố gắng “sáng đèn” từ 1 - 2 buổi/tháng. Đặc biệt, sẽ tổ chức Liên hoan múa từ ngày 10-11 đến 15-11. Năm 2016, chúng tôi sẽ diễn định kỳ 2 chương trình/tháng nhằm giới thiệu nghệ thuật múa, các tác phẩm lớn, chùm tác phẩm thuộc nhiều thể loại: ballet cổ điển, đương đại, dân gian dân tộc… của tác giả, biên đạo trẻ; dàn dựng các tác phẩm dành cho thiếu nhi như: Buratino, Thạch Sanh, Tấm Cám, Sơn Tinh Thủy Tinh…”.

Hy vọng, một khi có sân khấu riêng, có kế hoạch cụ thể, trong thời gian không xa, nghệ thuật múa nói chung và múa đương đại nói riêng sẽ tìm được hướng đi riêng của mình.

 Nhiều năm qua, Hội Nghệ sĩ múa TPHCM cũng cố gắng duy trì tổ chức gần 100 chương trình tại Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM, giới thiệu nghệ thuật múa đến rộng rãi công chúng, nhất là khán giả trẻ. Nhưng sau một thời gian cầm cự, chương trình đành dừng lại vì thiếu kinh phí, ít khán giả đến xem. Những khó khăn chung của hoạt động văn hóa nghệ thuật đã kéo theo sự hạn chế phát triển của lĩnh vực nghệ thuật múa. Trong đó, bên cạnh nguồn kinh phí hoạt động còn hạn chế thì công tác tổ chức biểu diễn, mặt bằng sân khấu, việc quảng bá tác phẩm, sự đầu tư và việc định hình phong cách nghệ thuật múa riêng vẫn chưa được quan tâm nhiều, khán giả yêu thích nghệ thuật múa hãy còn thưa vắng…

THÚY BÌNH

Tin cùng chuyên mục