
“Antigone Việt Nam” là vở kịch lịch sử kết hợp giữa nghệ thuật tuồng Việt Nam và kịch mặt nạ Pháp. Sau khi ra mắt tại Festival Huế, vở kịch sẽ đến với khán giả TPHCM vào ngày 11 và 12-6-2008, tại sân khấu IDECAF (*), trước khi trở lại Hà Nội và tham gia Liên hoan Avignon tại Pháp vào tháng 7-2008.
Từ “Vòng cát” đến “Antigone Việt Nam”
Lấy cảm hứng từ nhân vật trong vở kịch “Antigone châu Âu” nổi tiếng, “Antigone Việt Nam” là câu chuyện về bi kịch của nàng Ti An. Dù vua cha từ trần, trước mưu đồ cướp ngôi của người chú, Ti An vẫn sống trọn vẹn với những giá trị mà nàng tin tưởng. Đạo diễn kiêm tác giả kịch bản Alain Destaundau xây dựng hình ảnh nàng Antigone với nét dịu dàng, đằm thắm và kín đáo của người phụ nữ Việt Nam. Vai diễn này do diễn viên trẻ Lộc Huyền đảm nhiệm.

Áp-phích vở “Antigone Việt Nam”.
Với lịch sử phát triển hơn 30 năm, Nhà hát Monte Charge đã lưu diễn khắp nơi trên thế giới. Nghệ sĩ Alain Destandau là Giám đốc Nhà hát đã cùng vợ - nghệ sĩ Bestina Schneeberger – đến Việt Nam dựng vở “Chàng Scapin láu lỉnh” theo chương trình của L’Espace.
Sau khi xem nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, họ tìm thấy những nét tương đồng và gần gũi giữa tuồng và kịch mặt nạ, cả về hình thức thể hiện, hóa trang và phục trang của các nhân vật. Bản thảo về kịch bản và tập luyện ròng rã nhiều tháng, “Vòng cát” - tác phẩm sân khấu hợp tác đầu tiên giữa Nhà hát Monte Charge và Nhà hát Tuồng Việt Nam - ra đời và được công diễn khoảng 100 buổi cả Việt Nam và Pháp.
Tiếp nối thành công của “Vòng cát”, “Antigone Việt Nam” được khởi dựng từ đầu tháng 4-2008 với lịch tập dày đặc, có ngày tới 3 buổi. Vở diễn là kết quả của quá trình hợp tác chín muồi sau 3 năm giữa nhà hát và nghệ sĩ của hai nước. Vượt qua rào cản về ngôn ngữ, nghệ sĩ hai nước đã chia sẻ với nhau về những ý tưởng trong vở diễn.
Để có được sự kết hợp hài hòa và nhuần nhuyễn, bên cạnh đạo diễn Alain Destaudan cùng 3 diễn viên Pháp và các chuyên gia âm thanh, ánh sáng, phía Việt Nam có NSƯT Hoàng Khiêm (Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam), 3 diễn viên và 2 nhạc công (trống và đàn bầu). Họ đã cùng nhau khám phá vẻ đẹp trong loại hình nghệ thuật truyền thống của mỗi nước…
Một cách làm mới nghệ thuật truyền thống
Giải thích với báo giới về quyết tâm theo đuổi những dự án này, nghệ sĩ Alain Destandau quả quyết, đó là “vì nghệ thuật, vì sự tiếp tục sáng tạo mà không đánh mất mình và thu hút được công chúng”.
Tại Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế lần thứ 2 tại Hà Nội, “Vòng Cát” đã vượt qua nỗi hoài nghi của không ít người về khoảng cách giữa hai loại hình để đón nhận những tràng pháo tay tán thưởng của khán giả. Diễn viên nước nào thoại bằng tiếng của nước đó, lời thoại của người này là một cách diễn giải lời thoại của người khác, giống như lời phiên dịch. Vì vậy, khán giả vẫn có thể hiểu tường tận câu chuyện.
Để hòa nhịp với nhau, chất phô trương và cường điệu của tuồng đã được giảm nhẹ, đồng thời, những biểu cảm tinh tế trong ánh mắt diễn viên của kịch mặt nạ càng được phát huy… “Vòng cát”, “Antigone Việt Nam” gây ấn tượng mạnh về thị giác nhờ các trang phục cầu kỳ và lạ mắt. Ánh sáng sân khấu được xử lý công phu và hiệu quả, đặc biệt kết hợp với luồng ánh sáng chiếu vào mắt nghệ sĩ đeo mặt nạ. Âm nhạc tinh tế cùng với động tác hình thể của diễn viên làm toát lên tình cảm của nhân vật... Đó cũng là thế mạnh của các vở kịch thể nghiệm này.
Sau thành công của “Vòng cát” và “Antigone Việt Nam”, hai nhà hát đang chuẩn bị kịch bản cho một vở diễn mới. Những tâm sự của nghệ sĩ Alain Destandau đáng để chúng ta suy nghĩ về cách làm mới nghệ thuật truyền thống để thu hút khán giả: “Không chỉ ở Việt Nam mà cả châu Âu, chúng ta phải làm gì để sau một ngày làm việc, nhiều người thay vì mở tivi, họ sẽ đến nhà hát. Nghệ thuật tuồng, chèo… của Việt Nam rất quý và không được để mất. Nhưng làm thế nào để có hình thái mới thu hút khán giả? Phải làm cho nghệ thuật phong phú hơn vì mỗi thời đại đều có công chúng mới”.
(*) Vé phát miễn phí tại 31 Thái Văn Lung, quận 1.
ANH PHÚC