Nghị quyết 54 - Sau thí điểm sẽ là gì?

5 năm cho một chặng đường thử nghiệm và điều chỉnh, từ nghị quyết thí điểm phải dần đi đến thành các chính sách mang tính phổ quát với điểm đến cuối cùng là một bộ luật đô thị TPHCM để hình thành một hành lang pháp lý dài hạn cho cả hiện tại và tương lai.
Nghị quyết 54 - Sau thí điểm sẽ là gì?

Không hẹn mà gặp, cùng thời điểm, có 2 cuộc tổng kết liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội TPHCM trong giai đoạn 5 năm (đến 10 năm) vừa qua. Đó là: Nghị quyết số 53/2005 và Kết luận số 27/2012 của Trung ương về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM. 

Từ đó, cho thấy một thực tế: sự suy giảm về sức tăng trưởng của TPHCM dẫn tới sự suy giảm tăng trưởng của cả vùng Đông Nam bộ. TPHCM đóng góp trên 50% vào tăng trưởng của toàn vùng và trong những năm gần đây, việc TPHCM tăng trưởng chậm, cùng những hạn chế từ hạ tầng giao thông - đô thị - môi trường; các mũi đột phá còn phát triển dưới tiềm năng… đã ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng của vùng.

Không phải đợi đến khi Nghị quyết 54 được Quốc hội bấm nút thông qua thì TPHCM mới mang trên vai sứ mệnh “đặc thù”. Thử đặt ra một TPHCM trong vị thế là trung tâm thương mại - dịch vụ cho hoạt động sản xuất công nghiệp và nông nghiệp của cả miền Nam. Ở đó, ưu tiên những ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, mang tính hỗ trợ kết nối với thị trường quốc tế như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và logistics. Hoặc, với sự tập trung của cư dân cả nước, dẫn tới việc gia tăng nhanh chóng về mức sống của tầng lớp trung lưu, đi cùng những dịch vụ nền tảng thiết yếu như giáo dục, y tế, văn hóa, đã ngày càng trở thành động lực tăng trưởng quan trọng. Đó là chưa nói đến xu hướng đón đầu tương lai với bước công phá mạnh mẽ của những ngành công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ thông tin và công nghệ khoa học sức khỏe. 

Rõ ràng, ngay cả khi đã có “bảo bối” là Nghị quyết 54, nhưng những hạn chế, bất cập của hệ thống giao thông, hạ tầng đô thị, dịch vụ… vẫn là nguyên nhân dẫn đến lực cản của sự phát triển, suy giảm sức tăng trưởng, thu hẹp nguồn đầu tư của thành phố. Vì vậy, việc hình thành và vận hành một nghị quyết “đặc thù” lại không hề là đặc quyền, đặc lợi cho riêng TPHCM, nó là phương thức, con đường để tạo nên, đi tới mục tiêu có “của để dành” cho cả khu vực, quốc gia.

Hiện nay, cả nước đang có 8 địa phương được hưởng chính sách/cơ chế đặc thù, trong đó ngoài TPHCM, còn có TP Hà Nội (đã có Luật Thủ đô và đang đề xuất Luật Thủ đô sửa đổi), TP Hải Phòng, TP Đà Nẵng; trong khi các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Nghệ An và TP Cần Thơ đang lập đề án, đề xuất. Đó chính là từ nhận diện rõ đặc thù của địa phương trong quá trình phát triển để tạo cơ chế chủ động thúc đẩy việc tìm cho ra những phương thức khai thác ưu thế bản địa, phát huy bản sắc; là bản lĩnh của tầm quản trị quốc gia/vùng. Nhìn lại các địa phương đã, đang và mong muốn được thụ hưởng cơ chế đặc thù, chủ yếu vẫn là ở các nhóm chính sách tập trung vào các cơ chế trong quản lý đất đai, phân cấp, phân quyền cho HĐND cấp tỉnh, thành nhiều hơn, quản lý tài chính, ngân sách, thu phí, thu nhập cán bộ, công chức, viên chức, cơ chế thu hút và triển khai dự án đầu tư tạo các khu kinh tế trọng điểm. 

Riêng TPHCM, sau cuộc thí điểm 5 năm vừa qua, giờ đến giai đoạn thực hiện để cho ra những thành phẩm, kết quả gắn với tính chất, mục tiêu, thời cơ trong tình hình hậu đại dịch. TPHCM cần tập trung xây dựng và triển khai các đề án, chương trình phát triển trở thành đô thị thương mại, dịch vụ, tài chính, ứng dụng công nghệ - dữ liệu để quản trị đô thị, phát triển không gian ngầm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, xây dựng trung tâm tài chính khu vực/quốc tế tại thành phố.

5 năm cho một chặng đường thử nghiệm và điều chỉnh, từ nghị quyết thí điểm phải dần đi đến thành các chính sách mang tính phổ quát với điểm đến cuối cùng là một bộ luật đô thị TPHCM để hình thành một hành lang pháp lý dài hạn cho cả hiện tại và tương lai.

Tin cùng chuyên mục