Nghĩ về chuyện học thêm

Trong kỳ thi Olympic 30-4 truyền thống lần thứ 21 (do Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đăng cai tổ chức hồi tuần trước tại TPHCM) với 64 đoàn tham gia, giải nhì toàn đoàn đã thuộc về một trường ở “xa lắc xa lơ”: Trường THPT chuyên Quang Trung ở tỉnh Bình Phước, với 48 huy chương (gồm 30 vàng, 9 bạc và 9 đồng).

Điều thật ấn tượng khi có một học sinh của trường này đoạt huy chương vàng môn tiếng Anh khối lớp 11. Một giáo viên giải thích “hiện tượng” này, rằng “vì trường này ở xa, các thầy cô và học trò không làm gì khác ngoài việc học nên mới giỏi như vậy” (?). Nhiều cháu nghe giải thích vậy mà tin.

Thật ra, Trường THPT chuyên Quang Trung ở tỉnh Bình Phước đã là “hiện tượng” cách đây vài năm khi lọt vào tốp các trường có nhiều học sinh đậu đại học. Kỳ thi đại học năm 2011, trường này đứng đầu cả nước về số học sinh đậu đại học có điểm cao nhất (bình quân 21,72 điểm); năm 2013 đứng thứ hai (23,19 điểm, chỉ sau Trường THPT Năng khiếu thuộc ĐH Quốc gia TPHCM).

Chuyện học sinh ở một tỉnh chỉ có nhiều cây cao su, nắng, gió và đất đỏ nhưng lại giành huy chương vàng môn tiếng Anh khiến nhiều học sinh ở TPHCM giật mình. Bởi lẽ ở Bình Phước không có những trung tâm dạy tiếng Anh nổi đình nổi đám như ILA, Hội Việt Mỹ hay đẳng cấp như YOLA. Các học sinh này cũng không có nhiều điều kiện để tiếp cận với những phương tiện, kỹ thuật hiện đại hỗ trợ cho việc học ngoại ngữ hay cọ xát với những “thầy ngoại” trong không gian lớp học hiện đại, mát rượi của máy lạnh.

Với phương châm: “Mỗi thầy cô giáo hãy là một ngọn lửa để thắp sáng niềm đam mê học tập cho học sinh”, mỗi giờ lên lớp, các giáo viên luôn khơi dậy tinh thần và khả năng tự học, tự trau dồi kiến thức cho học sinh, hướng dẫn phương pháp học ở lớp, ở nhà, ở ký túc xá, tự học và học nhóm thế nào để đạt hiệu quả cao. 100% học sinh của trường không học thêm bên ngoài, tất cả kiến thức đều được các em tự tìm hiểu dưới sự hướng dẫn của thầy cô. Có lẽ vì thế mà so với các trường chuyên khác, mặc dù còn khá non trẻ nhưng Trường THPT chuyên Quang Trung ở tỉnh Bình Phước đã giành được những thành tích đáng tự hào.

Nhắc chuyện Trường THPT chuyên Quang Trung ở tỉnh Bình Phước để nghĩ đến chuyện học thêm đang diễn ra rầm rộ, tất tả tại TPHCM hiện nay. Dù kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học năm nay chưa diễn ra, nhưng nhiều phụ huynh có con học lớp 10 và 11 đã lo xa bằng cách tìm thầy cho con “luyện”. Danh sách các “thầy giỏi” chuyên dạy thêm tại nhà được nhiều người kháo nhau. Thầy Th… chuyên dạy Toán, muốn học phải đăng ký sớm, thi xếp lớp, nếu “đủ chuẩn” mới được nhận. Thầy L… dạy tiếng Anh bên quận 3, chỉ nhận học sinh những trường “tên tuổi” và có điểm trung bình môn là 7 thì mới được đặt chân vào.

Cô Nh… dạy môn Sinh tận bên Bình Thạnh giờ đã bắt đầu nhận học trò đăng ký mà theo nhiều người kháo là “mát tay” cho học sinh muốn thi khối B. Giá cả học phí cũng vô chừng nhưng phải tầm 500.000 - 1 triệu đồng/tháng. Còn nhiều, nhiều nữa… các địa chỉ học thêm và nhiều phụ huynh cũng đang nóng ruột, hỏi han, tìm kiếm để được đăng ký, kiếm một suất học thêm cho con, hầu mong chiếc vé tương lai vào đại học.

Học thêm trở thành “bệnh”, thành “dịch”. Người biết chuyện gọi đó là kiểu “xay sinh tố kiến thức” và học sinh chỉ việc… “uống”. Có người phản biện: Nếu là thầy giỏi thì “đầu vào” thầy phải nhận học sinh trung bình để “luyện” ra học sinh giỏi, đằng này đầu vào toàn nhận học sinh giỏi thì làm sao đầu ra không giỏi. Còn học sinh trung bình hay khá sẽ học ở đâu, học sinh không đủ bạc triệu để đóng học phí sẽ ra sao?

Người ta nói lỗi tại phụ huynh, cứ ấn con mình vào các lớp học thêm. Phụ huynh nói: “Phải cho con học thêm vì nếu không học thêm thì không thể làm bài trong lớp. Trên lớp thầy chỉ dạy qua loa, muốn làm tốt bài, nhất là thi cử thì phải học thêm”. Nghĩ cho cùng, cần lắm cái tâm người thầy.

LÊ NGỌC HÀ (quận 3, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục