Những ngày cuối tháng 4, nghị viện châu Âu (EP) đang trở nên “nóng” vì vụ scandal “đổi tiền lấy luật” của các ông nghị. Nhiều nghị sĩ đã dính vào đường dây vận động hành lang được cho là lớn nhất từ trước tới nay tại EP.
Có phạm luật?
Vụ bê bối được báo Sunday Times (Anh) phanh phui từ đầu tháng 4-2011 khiến dư luận ở châu Âu bất bình. Nhằm xác minh tin đồn các nghị sĩ EP sẵn sàng “cung cấp dịch vụ tư vấn” trong các quyết định chính trị của EP, Sunday Times đã bí mật mở cuộc điều tra kéo dài trong 8 tháng. Dưới danh xưng là những tay vận động hành lang chuyên nghiệp, các phóng viên của Sunday Times đã tiếp cận với hơn 700 nghị sĩ và đề nghị sẽ chi cho mỗi người 100.000 EUR nếu gây tác động lớn để sửa một số điều luật liên quan tới hoạt động của các ngân hàng châu Âu.
Trong số đó có 4 người bắt tay vào thực hiện đề án, và 4 người đã sắp xếp một cuộc hẹn để nhận tiền của nhóm vận động hành lang giả. Họ là Pablo Zalba Bidegain nghị sĩ người Tây Ban Nha, nghị sĩ Romania Adrian Severin, nghị sĩ Slovenia Zoran Thaler và nghị sĩ người Áo Ernst Strasser. Nghị sĩ Severin đã gửi thư điện tử tới các phóng viên với nội dung: “Xin thông báo những điều thay đổi theo quý vị muốn đã được đặt lên bàn đúng thời hạn” và gửi kèm hóa đơn 12.000 EUR “dịch vụ tư vấn”.
Sự việc vỡ lở sau khi Sunday Times cho công bố các email, đoạn ghi âm, video ghi lại quá trình trao đổi giữa các phóng viên Sunday Times với các nghị sĩ dính vào đường dây “đổi tiền làm luật”. EP cũng bị sốc trước các chứng cứ trên và không thể ngăn chặn làn sóng bất bình ngay trong nghị viện châu Âu cũng như xoa dịu dư luận. Trong quá trình thẩm vấn điều tra, ông Pablo Zalba cho rằng mình không làm gì sai trái. Ông tuyên bố đã bị các phóng viên “lừa đảo”.
Ông Zalba khai mình ủng hộ một đề xuất do các phóng viên Sunday Times đưa ra vì nghĩ điều này sẽ bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ. Ông tuyên bố lương tâm mình trong sạch khi bỏ phiếu vì tin rằng giúp cho luật tốt hơn, chứ không phải vì tiền. Ông khẳng định không nhận đồng xu nào. Theo luật, yêu cầu duy nhất các nghị sĩ EP không được phép làm là cung cấp tin mật, nhưng họ có quyền làm cố vấn chính trị. Trong đó, nghị sĩ người Áo Ernst Strasser, một trong 3 người được cho là có ý định nhận tiền của các phóng viên The Sunday Times, còn thẳng thắn khẳng định rằng mình muốn làm một nhà vận động hành lang thứ thiệt và nhiệt tình mô tả tỉ mỉ tham vọng xây dựng cả một hệ thống vận động hành lang với tư cách là một nghị sĩ châu Âu. Tuy phủ nhận hành vi “đổi tiền lấy luật” nhưng số điều thay đổi luật mà phóng viên Sunday Times yêu cầu đã xuất hiện trên các văn kiện chính thức của EP. Nhân viên an ninh EP đã niêm phong văn phòng của các nghị sĩ liên quan để đảm bảo các bằng chứng sẽ vẫn còn nguyên.
4 nghị sĩ dính líu vào đường dây “đổi tiền lấy luật”: Pablo Zalba, Ernst Strasser, Zoran Thaler, Ernst Strasser đã bị buộc phải từ chức trước thời hạn để phục vụ cho công tác điều tra. Những người này đang có nguy cơ bị tước quyền miễn tố nếu phát hiện phạm luật của EP.
Xây dựng chuẩn mực đạo đức cho nghị sĩ EP
Chưa có kết luận chính thức về việc các ông nghị châu Âu có vi phạm luật hay không nhưng vụ việc cũng đã nhuốm màu bê bối đáng xấu hổ và khiến cho Chủ tịch EP Jerzy Buzek bực bội vì những hình ảnh về vụ việc không còn giới hạn ở châu Âu mà đã được phát tán trên Internet, lan đi khắp thế giới, làm cho hình ảnh của EP bị ảnh hưởng. Ông Buzek tuyên bố EP sẽ không dung túng cho những hành vi tương tự như vụ việc vừa xảy ra.
Trên thực tế, có nhiều ông nghị, ngoài nhiệm vụ chính thức ra còn kiêm nhiệm một lúc hàng loạt chức vụ, công việc “ngoài luồng” khác nữa nhưng luật pháp châu Âu không có quy định nào ràng buộc họ phải đặt lợi ích chung lên trên. Khoản lương của các nghị sĩ EP hiện được cho là khá cao, khoảng 7.600 EUR/tháng và trợ cấp 304 EUR/ngày. Nhưng điều này có vẻ chưa làm hài lòng các ông nghị, họ vẫn tranh thủ tìm thêm những công việc bên ngoài để kiếm thêm các khoản ngoài lương tháng.
Một ví dụ điển hình về làm thêm ngoài giờ là nghị sĩ người Bỉ Jean-Luc Dahaene. Ông đang kiêm nhiệm nhiều chức vụ, ngoài nhiệm vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Ngân sách của EP, ông Dahaene còn đảm nhiệm thêm các chức vụ thành viên Hội đồng quản trị và Hội đồng điều hành của ít nhất 6 tổ chức, công ty và trường học. Vấn đề “xung đột lợi ích” giữa việc chung và việc riêng của các ông nghị được đặt ra một cách khá nghiêm túc, nhưng cho đến nay mọi bàn cãi cũng chỉ dừng lại ở việc các nghị sĩ phải khai báo nếu xuất hiện những xung đột lợi ích trong hoạt động “kiếm thêm” của các ông nghị. Và dư luận không tán thành với đề xuất này. Liên minh vì Minh bạch trong Vận động hành lang và Quy định về đạo đức chức nghiệp châu Âu (ALTER-EU) cho rằng, chỉ “yêu cầu khai báo” là chưa đủ mà phải ngăn chặn ngay khi có mầm mống “xung đột lợi ích” để tránh xảy ra các vụ việc bê bối đáng tiếc, như vụ “đổi tiền lấy luật”.
Dư luận báo chí châu Âu cũng cho rằng, việc trói buộc các ông nghị từ bỏ các khoản thu nhập khác ngoài lương chính thức là điều không dễ dàng. Trên các mặt báo đã nổ ra nhiều cuộc tranh luận về việc nghị viện châu Âu có nên thay đổi một số quy định và xây dựng hoàn chỉnh một chuẩn mực đạo đức cho các nghị sĩ? Báo European Voice số ra ngày 14-4 đặt câu hỏi về việc liệu có nên hợp pháp hóa các hoạt động vận động bên lề để tránh tái diễn vụ việc tương tự trường hợp vừa bị phanh phui. Phần lớn ý kiến của các độc giả cho rằng điều này nên cân nhắc kỹ do việc vận động hành lang ở châu Âu khác xa ở Mỹ.
Ở châu Âu, giới vận động hành lang cũng không có thói quen chiêu đãi các ông nghị “ăn nhậu” để gia cố các mối quan hệ hoặc để trả ơn cho một ân huệ nào đó, như vẫn thường xảy ra ở Mỹ. Luật chống tham nhũng ở châu Âu rất nghiêm khắc, quy định chặt chẽ những hành vi nhận tiền như thế nào sẽ bị coi là “tham nhũng” hoặc “ăn hối lộ”. Một số khác cho rằng, hợp thức hóa vận động hành lang không có gì sai trái nhưng vấn đề là thiếu tính minh bạch. Không có quy định bắt buộc nào liên quan đến báo cáo và đăng ký hoạt động vận động hành lang. Điều cần thiết nhất là xây dựng tính minh bạch trong các hoạt động vận động hành lang để tránh các hệ quả xấu sẽ tiếp diễn sau đó.
THANH HẰNG