Gần đây, trên báo chí liên tiếp phản ánh vấn nạn trạm kinh doanh xăng dầu bán ra xăng dầu dỏm. Đây là chuyện người dân rất quan tâm và lo ngại, bởi xăng dầu có liên quan thiết yếu đến sản xuất và đời sống, và không ai dám chắc rằng mình không đổ nhầm xăng dầu dỏm hay bị “móc túi” do các chiêu thức gian lận khác.
Người tiêu dùng không biết kêu ai
UBND quận 12 (TPHCM) vừa xử phạt hành chính 48,3 triệu đồng đối với doanh nghiệp tư nhân Thanh Nguyệt (đại lý bán lẻ xăng dầu Thanh Nguyệt, số 290 Lê Văn Khương (phường Thới An, quận 12) do các vi phạm trong hoạt động thương mại, kinh doanh xăng dầu, lĩnh vực kế toán và hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
Theo đó, doanh nghiệp này bị phạt 300.000 đồng đối với hành vi gian lận hàng hóa (có giá trị dưới 500.000 đồng) khi giao hàng hóa cho khách hàng; phải trả lại số tiền 100.000 đồng gian lận cho 10 khách hàng; đồng thời tịch thu sung công quỹ gần 700 lít dầu lửa nhập lậu mà Đội Quản lý thị trường 12B phát hiện được khi kiểm tra cây xăng này. So với các hành vi vi phạm và số tiền doanh nghiệp này đã trục lợi được do các vi phạm, thì số tiền bị phạt hành chính chưa đủ để răn đe.
Hiện nay, trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu ở nước ta tồn tại nhiều nghịch lý. Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu nhưng việc kiểm soát giá cả hình như đang “có vấn đề”, bởi giá bán được cho là “theo thị trường” nhưng thị trường đó đang bị một số doanh nghiệp gần như độc quyền chi phối, chứ không hoàn toàn theo quy luật giá cả hay cung cầu. Khi giá đầu vào (nhập) tăng, doanh nghiệp tăng giá bán rất nhanh chóng, nhưng khi giá đầu vào giảm, doanh nghiệp lại giảm rất chậm. Hiện tượng găm hàng thời gian qua diễn ra khá thường xuyên và phổ biến nhưng không có “thuốc đặc trị” bởi sự quản lý chưa thật chặt chẽ của các cơ quan chức năng.
Nghịch lý nằm ở chỗ đây là loại hàng hóa đặc biệt, ảnh hưởng quan trọng đến đời sống kinh tế - xã hội, trên lý thuyết có nhiều cơ quan, đơn vị quản lý, nhưng trên thực tế sự quản lý đó chưa tốt; chẳng hạn khi thấy có hiện tượng đầu cơ thì người tiêu dùng không biết kêu ai.
Người tiêu dùng không bao giờ dám chắc rằng xăng dầu mình phải bỏ tiền ra mua ngày càng đắt có được đảm bảo chất lượng và đúng số lượng hay không. Vì vậy, gần như người tiêu dùng đành phải “nhắm mắt tin cậy” vào lương tâm của chủ cây xăng mà không thể biết, không thể phản ứng với các hành vi gian lận. Và khi đã biết có dấu hiệu gian dối cũng không biết nhờ ai để bảo vệ.
Cần có sự quản lý tốt
Nước ta có mỏ dầu thô, đã xây dựng được nhà máy lọc dầu, nhưng vẫn còn bị lệ thuộc nhiều vào xăng dầu nhập khẩu. Trong thời gian qua, Nhà nước đã có một số biện pháp ổn định giá cả xăng dầu (điều tiết qua thuế, qua quỹ bình ổn xăng dầu và nhất là có các chính sách hỗ trợ những đối tượng tiêu thụ xăng dầu đặc biệt như ngư dân, nông dân ở một số khu vực…) nhưng lợi ích thực tế của các chính sách, biện pháp này lại rơi vào một số ít người (các doanh nghiệp kinh doanh xăng, các thành phần buôn lậu qua biên giới…). Điều đó cho thấy chính sách tốt còn cần phải có sự quản lý tốt để đảm bảo an ninh xăng dầu cho đất nước.
Để khắc phục các nghịch lý này, công tác quản lý xăng dầu phải được đổi mới mạnh mẽ, toàn diện. Trước hết, cần có các quy định cụ thể hơn, chặt chẽ hơn về giá cả và chất lượng xăng dầu. Lực lượng quản lý cần rải đều hơn, có mặt thường xuyên hơn, gắn chặt với sự hỗ trợ của người dân, của các cơ quan truyền thông.
Chẳng hạn, cần có cơ chế phù hợp để mọi người có thể thông tin về dấu hiệu gian lận của doanh nghiệp, cây xăng nào đó (qua đường dây nóng, qua cơ quan bảo vệ người tiêu dùng, qua bộ phận thường trực quản lý nhà nước về xăng dầu, có chế độ khen thưởng, bảo vệ người cung cấp thông tin có giá trị…). Cần thông tin rộng rãi về các thủ đoạn gian lận xăng dầu để mọi người cảnh giác và kịp thời thông báo với cơ quan chức năng. Đồng thời, cần có biện pháp chế tài nghiêm khắc các hành vi gian dối, mua bán xăng dầu không minh bạch…
Ngoài ra, cần đẩy mạnh nghiên cứu các loại nhiên liệu sạch khác (gas, điện…) để dần bổ sung và thay thế xăng dầu, vừa góp phần tránh lệ thuộc nặng về nguồn năng lượng này vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Về lâu dài, cần có những chính sách điều tiết thu nhập của người làm việc trong các tập đoàn khai thác, kinh doanh tài nguyên nói chung và dầu mỏ nói riêng để tránh tạo ra lợi ích nhóm bất hợp lý do “ăn” vào tài nguyên chung của nhân dân hoặc “móc túi” thu nhập chính đáng của người tiêu dùng.
Trịnh Minh Giang