Nghiên cứu khoa học xã hội: Tầm nhìn phải thoát khỏi “cây - con”

Nghiên cứu khoa học xã hội: Tầm nhìn phải thoát khỏi “cây - con”

Lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội (KHXH) ở ĐBSCL còn manh mún, dàn trải, cục bộ địa phương, thiếu tính chuyên nghiệp, có phần tụt hậu so với cả nước, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển toàn vùng...

Thiếu quan tâm lẫn... kinh phí

Theo đánh giá của giới chuyên môn, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự ì ạch trong nghiên cứu KHXH ở ĐBSCL. Trong đó, có thiếu kinh phí đầu tư nghiên cứu KHXH do vướng cơ chế. Ông La Hồng Huy, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu KHXH và Nhân văn (Đại học An Giang) cho biết: Khó khăn ở đây là quan điểm cấp tiến. Hầu như các sở KH-CN tập trung cho nghiên cứu cây - con, sản xuất ra một sản phẩm cụ thể cho địa phương, còn mảng KHXH thì trừu tượng, làm ra không biết có ích gì? Vì vậy, mảng nghiên cứu KHXH gần như thua từ đầu khi bỏ phiếu lựa chọn đề tài nghiên cứu giữa “cây - con” và đề tài “trừu tượng”. Trong khi đó, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học tự nhiên (KHTN) tốn gần cả tỷ đồng nhưng khi nghiệm thu xong lại “chìm trong bóng tối”. Nguyên nhân do không có kinh phí để “biến chất xám thành hiện thực”.

Giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn ĐBSCL - một vấn đề bức xúc cần nghiên cứu. Ảnh: Cao Phong

Giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn ĐBSCL - một vấn đề bức xúc cần nghiên cứu. Ảnh: Cao Phong

Thực tế đang đặt ra nhiều vấn đề nóng bỏng cho nghiên cứu KHXH. Ông Nguyễn Hoàng Hạnh, Phó Giám đốc Sở KH-CN Tiền Giang đặt vấn đề: “Lúa, cây ăn trái, thủy sản trong 5-10 năm nữa ở ĐBSCL liệu có thoát cảnh vùng nguyên liệu? Làm thế nào để nông dân áp dụng các mô hình sản xuất tiên tiến, hay nói đúng hơn chuyển từ tác phong nông dân sang tác phong công nhân nông nghiệp?”.

Ngay tại Cần Thơ, TP trung tâm vùng ĐBSCL, có nhiều viện, trường nhưng nghiên cứu KHXH vẫn bất cập. “Các nghiên cứu triển khai trong lĩnh vực KHXH còn yếu, chưa đa dạng, lực lượng nghiên cứu chưa đủ mạnh và thiếu cán bộ KHXH chủ chốt để thực hiện các đề tài đa dạng. Đồng thời chưa kết hợp chặt chẽ giữa các ngành có liên quan” - một lãnh đạo Sở KH-CN Cần Thơ nhìn nhận.
Liên kết tạo “đòn bẩy”.

PGS-TS Bùi Thế Cường, Viện trưởng Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ cho rằng: ĐBSCL nên tránh đề tài dàn trải, manh mún và cần tập trung vào các nhánh đề tài nổi cộm. Giai đoạn 2011 – 2015, nên khảo sát có hệ thống, tập hợp vào điều tra cơ bản, cho ra số liệu tốt, phục vụ nhà hoạch định chính sách qua công tác điều tra định lượng hộ gia đình và cá nhân; động thái dân số và nguồn nhân lực vùng...

Trong khi đó, nhiều nhà nghiên cứu và các sở KH-CN ở ĐBSCL có chung ý kiến: Cần cơ chế thông thoáng cho lĩnh vực nghiên cứu KHXH. Không thể áp dụng chung một khung giữa nghiên cứu KHTN và KHXH. Nếu các địa phương góp chung kinh phí thì vướng Luật Ngân sách. Chúng tôi mong có cơ chế thoáng, không có biên giới tài chính trong nghiên cứu khoa học. Khi cần, các địa phương “hùn” nhau kinh phí làm đề tài. Chương trình làm chung, nếu liên kết thì sẽ tiết giảm kinh phí, tập hợp được đội ngũ các nhà khoa học… Làm riêng lẻ, các địa phương khó có nhân lực, kinh phí.

GS-TS Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Viện KHXH Việt Nam cho rằng: “Nếu các địa phương tín nhiệm, viện sẽ là đầu mối chủ trì phối hợp. Các nhà khoa học, các tỉnh sẽ là thành viên phối hợp, cùng nhau tháo gỡ khó khăn trong mảng nghiên cứu KHXH vùng ĐBSCL”. Đây là một hướng gợi mở để lĩnh vực KHXH trong vùng có bước chuyển quan trọng.

  • Ông TRẦN TUẤN ANH, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ:

So với mặt bằng chung của các nước và các vùng khác, ĐBSCL có mức phát triển thấp hơn. Nhìn nhận thẳng thắn, lực lượng nghiên cứu khoa học, trong đó có KHXH còn hạn chế về số lượng và chất lượng.

Nguồn lực để đầu tư, nghiên cứu khoa học nói chung và KHXH nói riêng chưa đáp ứng về quy mô và cả cơ chế quản lý (rườm rà, phức tạp làm hạn chế sự năng động của các nhà khoa học).

Trong thời gian tới, đòi hỏi tầm nhìn của lãnh đạo địa phương; các sở KH-CN là nhân tố rất quan trọng giúp lãnh đạo địa phương xác định được tiềm năng của các nhà khoa học trong vùng. Sự gắn kết của Sở KH-CN với các nhà khoa học, tổ chức phản biện phải chặt chẽ và thường xuyên hơn.

  • Ông LA HỒNG HUY, Giám đốc TT Nghiên cứu KHXH-NV (ĐH An Giang):

Ở nước ta, việc nghiên cứu khoa học mạnh ai nấy làm. Kinh phí Trung ương và địa phương nối kết với nhau rất khó. Các viện, trường ít xuống địa phương, thậm chí có cảm giác người nước ngoài quan tâm đến vấn đề KHXH hơn người trong nước.

Thực tế họ làm nhiều đề tài nghiên cứu rất sâu và kỹ, trong khi địa phương làm lơ mơ. Bộ KH-CN nên có hướng dẫn lại tiêu chí đề tài nghiên cứu KHXH gắn với kinh phí, cơ chế thanh toán thoáng hơn.

CAO PHONG

Tin cùng chuyên mục