Ngõ hẹp của diễn viên trẻ


Nhiều năm qua, xu hướng các sân khấu mở lò đào tạo tại chỗ để có nguồn diễn viên trẻ bổ sung cho sàn diễn xã hội hóa (XHH) ngày càng được mở rộng, từ sân khấu kịch Idecaf, Hồng Vân, Quốc Thảo, Minh Nhí, Thế Giới Trẻ, Trịnh Kim Chi, đến Nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần đều tự tổ chức chiêu sinh các lớp đào tạo diễn viên mới.

Lượng bạn trẻ tìm đến các lò đào tạo cũng đa dạng, có em vẫn đang đi học, nhiều em đã đi làm.  

Điều này góp phần giảm bớt nỗi lo thiếu hụt đội ngũ diễn viên trẻ trong giai đoạn trước đây ở các sân khấu XHH. Vấn đề đầu ra ở các lò đào tạo được bảo đảm bằng chất lượng và sự phát huy tối đa tài năng của dàn diễn viên mới trên sân khấu thực tế. Tuy nhiên, sau một thời gian, việc đào tạo diễn viên lại có xu hướng mang tính đại trà, đầu vào nhiều nhưng chất lượng đầu ra chưa cao. Hàng trăm gương mặt mới tốt nghiệp các lò đào tạo hàng năm, nhưng khó tìm thấy nhân tố thật sự tài năng, trụ vững sân khấu. 

Trong 10 năm qua, sân khấu kịch của NSND Hồng Vân đã chiêu sinh hơn chục khóa đào tạo diễn viên trẻ, cho ra sàn diễn hơn 500 bạn trẻ được trang bị tương đối đầy đủ những kỹ năng, kiến thức cần có của một diễn viên sân khấu chuyên nghiệp. Có thời điểm, sân khấu của NSND Hồng Vân từng tạo nên một làn sóng tươi mới trong công tác đào tạo diễn viên trẻ, với các lớp diễn viên như: Xuân Nghị, Lạc Hoàng Long, Tiến Dũng, Lê Lộc, Đinh Mạnh Phúc... Thế nhưng, số nghệ sĩ như trên vẫn quá ít ỏi. Người xem kịch vẫn chưa hài lòng về diễn xuất của dàn diễn viên trẻ hôm nay. Đó cũng là nguyên nhân lớn khiến nhiều vở kịch do các nghệ sĩ trẻ biểu diễn không níu chân được khán giả vốn ngày càng khó tính.

Đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu Idecaf tâm tư: “Công tác đào tạo diễn viên trẻ còn quá nhiều bất cập. Các em tham gia học sân khấu nhiều nhưng lại thiếu sân chơi, sàn diễn để các em thể hiện thì cũng khó đòi hỏi các em giỏi nghề. Không chỉ vậy, một số em mới khẳng định chút tài năng trên sân khấu kịch đã nhanh chóng kiếm show chạy thêm, tham gia các gameshow, đi đóng phim... để có tiếng, có tiền; lơ là sàn kịch chính thống, nên tay nghề chưa kịp chắc là đã kém dần”. 

Việc thiếu những điều kiện cần và đủ để theo nghề đang khiến niềm đam mê sân khấu của nhiều bạn trẻ bị trói buộc trong phạm vi học cho biết, hiểu và cảm thương sân khấu. Còn con đường dài theo đuổi nghề dường như vẫn mãi là ngõ hẹp. Nỗi lo về lực lượng diễn viên kế thừa sau bao năm dài gần như còn nguyên vẹn.

Tin cùng chuyên mục