Ngôi nhà rường gần 100 năm tuổi

LAM KHANH
Ngôi nhà rường gần 100 năm tuổi

Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Trị Lê Đức Thọ cho biết trong đợt đi nghiên cứu mới đây ông đã tìm thấy một ngôi nhà rường cổ làm bằng gỗ, có niên đại từ đầu thế kỷ XX, nằm tại thị trấn huyện Gio Linh. Điều đặc biệt đây là ngôi nhà rường dân gian duy nhất được kết cấu theo kiểu hai nếp tồn tại ở Quảng Trị.

Ngôi nhà rường gần 100 năm tuổi ảnh 1

Ông Hóa đang chỉ những nét chạm trổ tinh vi ở đầu các vì kèo và xuyên, trến, đòn tay… trong ngôi nhà rường cổ của mình.

Ngôi nhà rường hai nếp, theo kiểu chữ nhị (hai nhà nằm song ngang, nhà sau và nhà trước gắn với nhau bằng một máng nước) nằm ngay giữa khu vườn hoa trái sum suê. Chủ nhân của ngôi nhà rường cổ độc đáo này là ông Dương Khai Hóa, năm nay 82 tuổi.

Ông Hóa kể: “Bố tôi cho biết những người thợ mộc phải đi săn lùng nhiều nơi mới mua đủ số lượng gỗ mít cần thiết. Sau đó mất thêm mấy năm nữa thợ thầy mới làm hoàn chỉnh ngôi nhà hai nếp này. Tôi sống được 10 năm trong ngôi nhà thì thoát ly theo cách mạng cho đến ngày đất nước giải phóng mới trở về và tiếp tục ở tại ngôi nhà của ông cha tôi để lại”.

Cũng theo lời ông Hóa: Đã có 4 đời con cháu sinh sống trong ngôi nhà cổ xưa này. Nếp nhà ngoài là nơi sinh hoạt, ăn uống của gia đình. Gian chính giữa nhà khá rộng được dùng làm nơi thờ cúng tổ tiên.

Sau gần 100 năm tồn tại, những cột gỗ mít lâu năm đã lên nước bóng loáng. Toàn bộ kết cấu của ngôi nhà vẫn còn nguyên vẹn. Từ ngày dựng đến nay chủ nhân mới sửa chữa nhà một lần. Trận bão, lũ năm 1990, mưa gió quá lớn làm đổ, hư hỏng hết ngói cũ nên chủ nhà phải thay lại bằng ngói mới. Bộ khung gỗ chịu lực trong ngôi nhà kép được kết cấu theo kiểu vài luôn, hai trến băng, có rầm thượng, 6 hàng cột chân và 1 hàng cột hiên.

Toàn bộ hệ thống cột tròn được đặt trên đá tảng, tuân thủ theo lối “thượng thu, hạ thắt” (bóp phía trên đỉnh cột) để được vững chắc hơn khi đem dựng trên đá. Ở đầu các trến, đòn tay của ngôi nhà được trang trí hoa văn theo kiểu hình rồng rất đẹp. Ngoài ra, các tay kèo hàng nhất, các đòn tay nối giữa kèo hàng tổng và kèo cù cũng được trang trí hoa văn cách điệu. Chỗ nối cột và trến được trang trí mặt hổ phù. Bức liên ba chia thành ô học và chạm trổ các mô típ hoa văn như hoa lan, hoa cúc, sen…

Nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Lê Đức Thọ cho biết công trình nhà ở mà gia đình ông Hóa đang sở hữu là ngôi nhà cổ hai nếp duy nhất may mắn sót lại sau biết bao nhiêu biến cố. Cái hay ở chỗ, chính kiểu nhà rường dân gian hai nếp này sau đó được phát triển thành nhà có vỏ cua ở phía trước hay là nhà hai nếp có nhà thừa lương ở giữa dùng cho việc làm nhà thờ tự, đền, chùa, miếu vũ hay cung điện của vua chúa… Một điều khá độc đáo nữa, ngôi nhà cổ của gia đình ông Dương Khai Hóa đã từng là trụ sở bí mật của Ủy ban khởi nghĩa huyện Gio Linh trong giai đoạn cách mạng 1945 nên ngoài giá trị văn hóa, kiến trúc, ngôi nhà còn ý nghĩa lịch sử.

Ông Lê Đức Thọ băn khoăn: Có nhiều người đang ráo riết trả giá để mua cho bằng được ngôi nhà cổ này. Có người đã trả giá trên 100 triệu đồng. Hiện nay, chủ nhà chưa đồng ý bán vì còn lưu luyến ngôi nhà có quá nhiều kỷ niệm của gia đình, trong đó có cả những sự kiện lịch sử của địa phương. Nhưng biết đâu sẽ có người trả giá cao hơn… 

LAM KHANH
 

Tin cùng chuyên mục