Học sinh trong trường đến từ nhiều quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Peru, Brazil, Nepal... Trường có hệ thống kỳ thi tuyển sinh đặc biệt, tổ chức các lớp dạy tiếng Nhật ở các trình độ khác nhau, sử dụng hình thức dạy theo nhóm và có trợ giảng để giúp các học sinh nước khác hoặc học sinh có bố mẹ là người nước ngoài có thể nhập học và hiểu bài giảng bằng tiếng Nhật tốt hơn.
Học sinh Huỳnh Thị Ái Nhi, 18 tuổi, đến từ Việt Nam kể em đã sử dụng thành thạo tiếng Nhật khi tham gia lớp học này. Cảm nhận của Nhi về lớp học cũng giống như bao bạn trẻ từng tham gia lớp. Các em đều cho biết vốn từ cũng như khả năng giao tiếp dần dần được cải thiện. Do đặc thù riêng của lớp học là ít học sinh nhưng các em cũng không cảm thấy ngần ngại khi tham gia. Trong môi trường học tập này, các em được giao lưu, học hỏi lẫn nhau và nhận sự hỗ trợ nhiệt tình của giáo viên đứng lớp.
Theo trang tin iSenpai, Trường Sagami Koyokan được thành lập năm 2010, dành cho học sinh nước ngoài, hoặc có nguồn gốc nước ngoài và các học sinh người Nhật từng bị đuổi học hoặc gặp khó khăn. Trường tổ chức các lớp học nửa ngày, vào buổi sáng hoặc chiều, một số em sẽ tham gia lớp học tiếng Nhật đặc biệt, những em khác tham gia các hoạt động ngoại khóa. Thông thường, học sinh tốt nghiệp sau 4 năm học khi hoàn thành các tín chỉ, không giống học sinh ở các trường bình thường (học cả ngày) chỉ mất 3 năm. Trường là một trong số 13 trường trung học ở tỉnh Kanagawa có kỳ thi tuyển sinh đặc biệt dành cho người nước ngoài.
Cô Mariko Saya đến từ Mạng lưới giáo dục đa văn hóa phi lợi nhuận Kanagawa, hiện là giáo viên tiếng Nhật tại trường, cho biết cô vẫn đang nỗ lực từng ngày trong vai trò cầu nối giữa học sinh nước ngoài với giáo viên. Cô Saya chia sẻ, là điều phối viên, cô cố gắng chuyển tải thông tin về mỗi học sinh với các giáo viên để có thể quan tâm nhiều hơn đến các em, tránh cho việc các em bị cô lập. Nhằm nâng cao nhận thức của những giáo viên chưa có kinh nghiệm tiếp xúc với người nước ngoài, cô Saya đã tổ chức các buổi nói chuyện về các đề tài văn hóa của nhiều quốc gia và mời các học sinh nước ngoài đã tốt nghiệp đến chia sẻ, góp phần giúp giáo viên hiểu được các khó khăn từ góc độ của học sinh. Theo cô Saya, khi mới đến Nhật, nhiều học sinh nước ngoài phải đối mặt với các vấn đề mà các em không thể giải quyết một mình, ví dụ như bị giới hạn việc làm do tình trạng visa. Một số em buộc phải bỏ học vì gia đình muốn ưu tiên làm thêm hoặc chăm sóc trẻ nhỏ thay vì đến trường. Tuy nhiên, ở Nhật, rất khó kiếm được công việc tử tế nếu chưa tốt nghiệp cấp 3.
Thống kê từ Bộ Giáo dục Nhật cho biết, số trẻ em trên cả nước cần được hỗ trợ tiếng Nhật tăng 1,7 lần, lên đến con số 43.947 năm 2016, một xu hướng tất yếu khi số người nước ngoài đến Nhật làm việc tăng, mang theo gia đình. Đối với học sinh trung học, số em cần hỗ trợ tiếng Nhật tăng 2,6 lần trong thập kỷ qua. Tỷ lệ học sinh bỏ học năm học 2017 là 9,61%, lớn hơn nhiều con số 1,27% năm học 2016. Để đối phó với tình hình, Bộ Giáo dục đang phát triển chương trình thử nghiệm bồi dưỡng giáo viên phụ trách dạy học sinh nước ngoài và sẽ tăng cường hỗ trợ cho các trường trung học theo dạng này, bao gồm cả hướng nghiệp, từ năm tài chính 2019.