“Ngộp thở” với nhà máy chế biến bột cá

Cửa biển Sông Đốc (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), một trong những cửa biển nhộn nhịp và sầm uất nhất ĐBSCL thời gian qua nở rộ nhà máy chế biến bột cá…

Cửa biển Sông Đốc (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), một trong những cửa biển nhộn nhịp và sầm uất nhất ĐBSCL thời gian qua nở rộ nhà máy chế biến bột cá…

Tiếp xúc với chúng tôi, bà Lê Thanh Hồng (thị trấn Sông Đốc) cho biết, tình trạng ô nhiễm từ các nhà máy chế biến bột cá đã diễn ra nhiều năm nay, “Dân ở đây rất bức xúc”. Bà Nguyễn Thị Thu Dân cũng ở gần các nhà máy chế biến bột cá nói: “Chúng tôi không chỉ bị ô nhiễm bởi khói bụi mà nguồn nước từ các nhà máy chưa qua xử lý cũng thải ra môi trường đen ngòm. Kinh hoàng nhất là mùi thối phát ra từ các nhà máy bột cá, rất nặng và khó chịu. Người sống ở đây lâu ngày bị bệnh đường hô hấp hết”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, đa số các nhà máy chế biến bột cá nằm tại khu vực cụm công nghiệp Sông Đốc. Vài nhà máy nằm xen kẽ tại các khu dân cư. Các nhà máy dùng chất đốt bằng trấu, sau khi đốt không được xử lý thu gom đúng quy định, bụi trấu thải thẳng ra sông hoặc tập kết bên cạnh nhà máy nên khi gặp gió thì phát tán ra xung quanh, làm ô nhiễm môi trường.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện tại trên địa bàn Sông Đốc có 10 cơ sở sản xuất đang hoạt động và 2 cơ sở ngừng hoạt động (trong đó có 9 cơ sở sản xuất bột cá, 3 cơ sở sản xuất chả cá, tôm đông lạnh). Quá trình sản xuất, có 10 cơ sở đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, áp dụng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, còn 1 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu Biển Tây đang khó khăn về tài chính, chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải… Ngoài ra, trên địa bàn còn có trên 200 cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, chủ yếu tập trung trên sông, ven sông và hầu hết không xây dựng hệ thống xử lý nước thải mà xả trực tiếp ra môi trường.

Trả lời ý kiến cử tri mới đây, UBND tỉnh Cà Mau cho biết, Thanh tra Sở TN-MT, tổ kiểm tra liên ngành về bảo vệ môi trường đã tiến hành kiểm tra các cơ sở tại thị trấn Sông Đốc, yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh cam kết khắc phục, xây dựng các phương án xử lý ô nhiễm và chấp hành đúng quy định về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Công an tỉnh, cũng kiểm tra, phát hiện 3 cơ sở xả nước thải ra môi trường vượt giới hạn cho phép, xử lý vi phạm hành chính với số tiền là 590 triệu đồng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Chí Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Cà Mau, cho biết nhằm tăng cường biện pháp bảo vệ môi trường trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 9/2016 yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, TP Cà Mau triển khai nhiều giải pháp về quản lý, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn. “Vừa mới đây, Thanh tra Sở TN-MT tiếp tục kiểm tra việc chấp hành tại các nhà máy trên địa bàn Sông Đốc. Hiện thanh tra đang hoàn thiện hồ sơ, nếu doanh nghiệp nào vi phạm sẽ bị xử lý và công khai trên các phương tiện đại chúng theo quy định”.

NGỌC CHÁNH

Tin cùng chuyên mục