Không biết có phải đó là nơi giao thoa của sông và biển, của ngọt và mặn hay còn yếu tố tự nhiên nào hơn thế nữa mà món hàu ở đầm Sa Huỳnh (Đức Phổ, Quảng Ngãi) nổi tiếng thơm, béo ngậy và ngọt.
Vị ngọt tự nhiên
Chúng tôi dừng chân dưới bóng mát của một tảng đá khổng lồ tại Bãi Con khi bắt gặp những đụn khói bay lên. Những bó đuốc được người dân địa phương đem ra gành, chọn tảng đá có nhiều hàu bám và đốt. Những con hàu bị nóng há miệng, phần thân vẫn bám trên đá, để lộ phần thịt trắng màu sữa, thơm lừng. Lão ngư Nguyễn Thạnh vắt một chút nước chanh, rắc muối tiêu, bột ngọt vào miệng hàu, trộn qua vài lượt rồi dùng thìa cà phê múc ra mời du khách thưởng thức. Cái mùi vị vượt lên tất cả mùi vị mà không bút mực nào tả xiết! “Đây là cách thưởng thức trực tiếp, dân dã và thiên nhiên. Phải may mắn mới bắt gặp được hàu còn bám trên những tảng đá, chứ không chỉ ăn hàu được lặn bắt từ dưới đầm thôi” - ông Thạnh nói.
Bà Nguyễn Thị Năm đã có thâm niên hơn 30 năm bì bõm, lặn ngụp dưới đầm Sa Huỳnh để bắt hàu, bảo cái giống hàu ở đây lạ lắm, cứ hờ hững nằm, lơ đãng bám trên những gờ đá vôi hay cành san hô hóa thạch như mời gọi. Với người có kinh nghiệm như bà Năm, chuyện phát hiện ra “mỏ” hàu và gỡ hàu không khó khăn gì. Nhưng với những người mới vào nghề, phải dè chừng trượt chân trên đá, bị vỏ hàu cứa xước chân tay, mình mẩy thậm chí cứa vào cổ như chơi. Từ giỏ hàu, 5 người con của bà Năm được nuôi lớn nên người, được ăn học đàng hoàng trở thành kỹ sư, giáo viên hay cán bộ khuyến nông, khuyến ngư…!
“Khi thủy triều xuống thấp, nước trong đầm cạn dần, nhô lên những bờ đá là nơi trú ngụ của hàu. Đó là thời điểm lao động cật lực nhất để có được những mẻ hàu tươi rói” - ông Nguyễn Bình, 54 tuổi đang kéo giỏ hàu vào bờ vừa nói vừa cười hào sảng. Tại khu vực ông Bình bắt hàu, nhiều phụ nữ cũng đang nhấp nhô gỡ hàu. Cạnh đó, những em nhỏ cũng theo chân người lớn kiếm tiền giúp đỡ gia đình.
Giá trị cao
Đứng trên cầu nối đầm Sa Huỳnh từ thị trấn vào thôn Thạnh Đức 2, xã Phổ Thạnh. Đầm nước mặn Sa Huỳnh rộng 210ha như tấm gương khổng lồ soi bóng nhiều phụ nữ và trẻ em lặn lội chân trần đang cố gỡ từng con hàu bám vào đá. Ken vào những bóng dáng lam lũ mưu sinh ấy là những lồng bè được cột dây cẩn thận san sát nhau. Những chiếc lồng bè hình vuông, chữ nhật nhấp nhô trên mặt biển. Trên những chiếc thúng hay ghe nhỏ, những dáng người lom khom rút từng sợi dây kiểm tra hàu hay đóng cọc cột giữ lồng bè cho vững khỏi dịch chuyển bởi những đợt sóng lớn xuất hiện.
Thống kê từ xã Phổ Thạnh, tại đầm nước mặn Sa Huỳnh hiện có 40 hộ thả nuôi hàu thương phẩm. Trong đó, có 10 hộ thả nuôi giống hàu Thái Bình Dương và 30 hộ nhân nuôi hàu giống tự nhiên. Hộ nuôi hàu giống tự nhiên chỉ cần buộc các vật dụng vào lồng bè để cho hàu tìm đến bám vào sinh sống và hàu chỉ ăn các sinh vật phù du trong nước, bùn, cát nên khỏi phải tốn chi phí thức ăn và còn được xem là “máy lọc”, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm nguồn nước.
Ông Văn Công Thanh, một trong những người đầu tiên nuôi hàu tại đây kể về “cơ duyên” gắn bó với loài thủy sinh này. Năm 2013, gia đình ông được hỗ trợ 12.500 con hàu giống Thái Bình Dương thả nuôi trong diện tích gần 100m² lồng bè. Sáu tháng sau, ông xuất bán và thu lãi gần 20 triệu đồng. Hiện ông đã mở rộng diện tích lồng bè lên trên 300m², thả nuôi hơn 40.000 con. Trong 2 tháng đầu, ông cho hàu bám vào giá thể buộc dây, sau đó tách chúng ra và cho vào khay nhựa đến ngày xuất bán. Hàng ngày, ông dãi nắng, dầm mưa túc trực ngoài lồng bè nhấc lên - thả xuống từng dây và dội nước vào khay hàu làm vệ sinh. “Dẫu vất vả, nhưng cứ nhìn thấy hàu bắn nước ra khi nhấc lên khỏi mặt nước trông vui mắt lắm. Cứ 2 tháng thì xuất bán một lứa cho khách hàng ở TP Nha Trang và TPHCM. Nhờ nuôi hàu mà tui quen biết với nhiều kỹ sư thủy sản công tác tại Trường ĐH Nha Trang. Các chú ấy hướng dẫn và cung cấp giống nên bà con yên tâm thả nuôi và khấm khá hẳn lên nhờ những con hàu xấu xí nhưng cho giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao” - ông Thanh cho biết.
Chiều dần buông, những cơn sóng nhỏ theo nhau vào bờ làm mặt đầm xao động. Nhiều người vẫn lầm lũi gỡ từng con hàu cố bám vào đá, di chuyển trên lồng bè nhấc lên - thả xuống từng sợi dây, khay hàu và cầu mong cho “trời yên, đầm lặng”. Hàng quán nhộn nhịp, những đĩa hàu nướng, bát cháo hàu nóng hổi, hương thơm lan trong gió chiều.
|
HÀ MINH