Ngư dân Sóc Trăng yên tâm bám biển

Với bờ biển dài hơn 70km, Sóc Trăng có vùng ngư trường rộng hơn 30.000km2 và nguồn thủy, hải sản phong phú. Toàn tỉnh hiện có trên 2.000 tàu thuyền hoạt động trong lĩnh vực đánh bắt thủy, hải sản; trong đó số tàu có công suất từ 30 mã lực trở lên có hơn 1.600 chiếc, số phương tiện đánh bắt xa bờ có công suất từ 90 mã lực trở lên cũng đang tăng nhanh với gần 300 chiếc.
Ngư dân Sóc Trăng yên tâm bám biển

Với bờ biển dài hơn 70km, Sóc Trăng có vùng ngư trường rộng hơn 30.000km2 và nguồn thủy, hải sản phong phú. Toàn tỉnh hiện có trên 2.000 tàu thuyền hoạt động trong lĩnh vực đánh bắt thủy, hải sản; trong đó số tàu có công suất từ 30 mã lực trở lên có hơn 1.600 chiếc, số phương tiện đánh bắt xa bờ có công suất từ 90 mã lực trở lên cũng đang tăng nhanh với gần 300 chiếc.

Nhìn hàng trăm tàu thuyền rực đỏ sắc cờ Tổ quốc ra vào cảng cá Vĩnh Hải (thị xã Vĩnh Châu), người dân không giấu được niềm vui, bởi các tàu, thuyền, với công suất từ nhỏ đến lớn của ngư dân chạy dài ngút tầm mắt. Những con tàu, thuyền neo đậu quanh cảng cũng đang chuẩn bị ngư lưới cụ, lương thực thực phẩm để ra khơi.

Để giúp ngư dân an tâm bám biển, thông qua cuộc vận động “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa”, tỉnh Sóc Trăng đã giao Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh triển khai xây dựng trạm thông tin liên lạc cho tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Công trình được hoàn thành và bàn giao cho đồn biên phòng Vĩnh Châu và Trần Đề vào cuối tháng 12-2014, để liên lạc với ngư dân khi xảy ra sự cố trên biển.

Đoàn tàu đánh bắt xa bờ của Sóc Trăng. Ảnh: TRUNG HIẾU

Anh Thạch Ha ở xã Hải Ngư cho biết: “Nghề biển cũng may rủi, có ngày đánh bắt được nhiều nhưng cũng có ngày chỉ được vài cân. Hơn nữa, mỗi khi chúng tôi ra khơi, bên cạnh các tàu cá của mình còn có lực lượng biên phòng hỗ trợ nên không sợ đơn độc”.

Khoảng cuối tháng 1 vừa qua, có một tàu cá thuộc nghiệp đoàn hải sản Biển Trên đang đánh bắt thì bị chìm do sóng to gió lớn, cũng nhờ trạm liên lạc này, các ngư dân đã kịp thời liên lạc với đồn biên phòng và những tàu thuyền lân cận đến ứng cứu, lần đó, cả 4 người trên tàu đều thoát nạn. “Trước đây, khi chưa có trạm liên lạc, mỗi khi có chuyện, anh em trên tàu gọi điện vào bờ, sau đó, mọi người phải báo lại với đồn biên phòng, rất mất thời gian. Từ khi có trạm đã thuận lợi hơn rất nhiều, vì thông tin được liên lạc trực tiếp”, anh Ha kể thêm.

Theo ông Võ Hoàng Dũng, Chủ tịch LĐLĐ thị xã Vĩnh Châu, toàn thị xã hiện có 7 nghiệp đoàn, trong đó, có 3 nghiệp đoàn hải sản, gồm: Hải Ngư, Biển Trên và Mỹ Thanh, với gần 500 CĐV tham gia. Từ khi trạm liên lạc đi vào hoạt động đã không ngừng phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng cho cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng vừa tổ chức trao thưởng cho 10 ngư dân ở các tổ tàu thuyền đã tham gia tốt các hoạt động hỗ trợ nhau trong khai thác xa bờ, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đây là sự động viên, khuyến khích tinh thần đoàn kết của ngư dân trong quá trình đánh bắt trên biển và tham gia cùng lực lượng biên phòng trong nhiệm vụ phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại trên sông, trên biển.

CHÍ HẠNH - NGUYỄN HÒA

Tin cùng chuyên mục