
Phelps có một đặc điểm kỳ lạ là trước khi xuất phát vài giây, hai tay của anh thường đánh thật mạnh vào hai bên hông, giống như con chim condor (loại kền kền có sải cánh rộng nhất ở Nam Mỹ) chuẩn bị tung cánh. Ngày 17-8, kình ngư Michael Phelps đã cùng đội chiến thắng và phá kỷ lục thế giới ở nội dung bơi 4x100m tiếp sức hỗn hợp; và với chiếc HCV thứ 8 này Phelps đã trở thành VĐV hiện đang giành HCV nhiều nhất ở một kỳ Olympic.
“Bom tấn” tại Olympic Bắc Kinh

Cho tới lúc này, tổng cộng, Phelps đã có 14 HCV tại các kỳ Olympic. Michael Phelps đoạt HCV và phá kỷ lục thế giới ở tất cả 6 nội dung anh đã tham gia ở Olympic Bắc Kinh: 200 mét bướm, 400 mét hỗn hợp cá nhân, 200 mét tự do, cùng đội Mỹ đoạt HCV 4x100 mét tiếp sức tự do, 4x200 mét tiếp sức tự do, 200 mét hỗn hợp cá nhân.
Tuy chỉ phá kỷ lục Olympic khi đoạt HCV 100 mét bơi bướm nhưng chừng đó cũng đủ giúp anh tiến thêm một bước quan trọng tới cột mốc mới trong lịch sử Thế vận hội hiện đại. Với thành tích mới đạt được ở nội dung bơi tiếp sức hỗn hợp 4x100m, Phelps đã có 8 HCV như mục tiêu đặt ra và vượt qua thành tích 7 HCV của huyền thoại Spitz (lập năm 1972 tại Munich).
Thành tích 14 HCV đã bỏ xa nhóm các VĐV (sáng giá nhất) trong lịch sử Olympic hiện đại (với tổng cộng 9 HCV trong sự nghiệp) gồm có Mark Spitz (bơi lội), Carl Lewis (điền kinh), Paavo Nurmi (điền kinh) và Larysa Latynina (VĐV thể dục của Liên Xô cũ). Tính đến thời điểm này, Phelps đã có 18 HCV tại các giải vô địch thế giới từ năm 2001 đến nay và 14 HCV Olympic. Kình ngư 23 tuổi này cũng đã 30 lần lập kỷ lục thế giới (KLTG) và hiện đang là chủ nhân của 7 KLTG.
Chân dung “ngư lôi”
Michael Phelps, tên đầy đủ: Michael Fred Phelps, sinh ngày 30-6-1985 tại Baltimore, bang Maryland, Mỹ, trong một gia đình có truyền thống bơi lội. Cao 1,93m, nặng 84kg, sải tay dài 2,08m.
Cha anh, Fred Phelps, một VĐV bơi lội có tiếng, từng là sĩ quan cảnh sát và mẹ, Debbie Phelps, là giáo viên và sau này trở thành hiệu trưởng. Phelps có hai chị là Hilary và Whitney. Phelps học bơi từ năm 7 tuổi. Điều thú vị là thuở ban đầu khi mới học bơi, Phelps rất sợ nước. Nhưng nhờ có phương pháp luyện tập tốt và sự động viên của gia đình, nhất là của chị gái Hilary và Whitney (người từng tham gia Olympic 1996), dần dần, Phelps đã dẹp tan được nỗi sợ hãi và tỏ ra có năng khiếu đặc biệt trong bơi lội. 11 tuổi, Phelps đã mơ trở thành nhà vô địch. Thời gian này, gia đình anh có rạn nứt, Phelps cùng hai chị sống với mẹ. Khi sinh hoạt tại CLB bơi lội Meadowbrook (ở Bắc Baltimore), Phelps đã gặp HLV Bob, người sớm nhận ra tiềm năng của Phelps và nhận trách nhiệm huấn luyện cậu.

...và trên bục nhận huy chương.
Từ đó, sự nghiệp của Phelps phát triển rất nhanh. Đỉnh điểm là việc Phelps giành được một suất của tuyển Mỹ tham dự Olympic Sydney 2000 khi mới 15 tuổi. Tuy nhiên, ở lần thi đấu ấy Phelps chỉ đứng thứ 5 trong nội dung 200m bướm. Thất bại này khiến Phelps ra sức tập luyện. Chỉ 5 tháng sau, Phelps tạo được dấu ấn đậm nét khi lập KLTG ở nội dung sở trường 200m bướm và trở thành kỷ lục gia thế giới nhỏ tuổi nhất lịch sử khi mới 15 tuổi 9 tháng. Tại Olympic 2004, Phelps gây chấn động khi đoạt 6 HCV, 2 HCĐ ở 8 nội dung tham dự. Được mệnh danh là “ngư lôi Baltimore”, Phelps giành danh hiệu “VĐV bơi lội xuất sắc nhất thế giới” trong các năm 2003, 2004, 2006, 2007.
Để đảm bảo sức khỏe, theo quan sát của bình luận viên đài NBC Bob Costas, thì chỉ bữa ăn sáng thôi, Michael Phelps có thể nạp vào 3.000 calories. Có người so sánh rằng sức ăn của Phelps khiến cơ thể của anh như một tàu chiến đầy năng lượng. Các chuyên gia nhận thấy trong khi các VĐV khác cần tới 20, 30 phút hồi sức để bước vào vòng thi mới thì Phelps chỉ cần 10 phút là sẵn sàng thi đấu.
Các chuyên gia cho là Phelps có thể lực sung mãn, ý chí quyết đấu và lòng ham thích môn bơi lội vô bờ khiến anh trở thành nhà vô địch ngoại hạng. Phelps có khả năng tập trung hết sức cao độ. Anh nói: “Tôi mà tập trung rồi thì không có ai, không có cái gì trong đầu tôi lúc đó”. Có thể nói, một trong các khó khăn nhất cho các đối thủ của anh tại Olympic Bắc Kinh lần này là Pheps không để ý đến đối phương, mà chú tâm làm sao phá kỷ lục của… chính anh! Phelps luyện tập 2-5 giờ mỗi ngày và 6-7 ngày trong tuần.
Ngoài hồ bơi, Phelps được đánh giá là một thanh niên 23 tuổi rất kín tiếng về đời tư. Anh thích ngủ với con mèo Savannah của gia đình và đi dạo với chú chó Herman. Anh đang theo học ngành quản lý thể thao tại ĐH Maryland. Và, ngoài bơi, Phelps cũng như bao thanh niên bình thường khác: không thích dậy sớm, thích nhắn tin cho bạn bè, say mê trò chơi vidéo và đồ ăn nhanh, thích nhạc rap, nhất là ca sĩ Eminem. Đặc biệt: Phelps không thích ăn cá.
Nhà đài Mỹ thắng lớn nhờ Phelps
Những thành tích mà Phelps đạt được ở Bắc Kinh đã góp phần mang lại lượng khán giả kỷ lục cho các đài truyền hình của Mỹ với số người theo dõi Olympic đạt nhiều nhất (dù kỳ Olympic không diễn ra tại Mỹ). Theo thống kê của NBC, chỉ trong 3 ngày đầu tiên của Thế vận hội đã có trung bình 30,41 triệu người xem truyền hình/ngày, nhiều hơn 26,7% so với Olympic Athens 2004. Một quan chức trong ngành công nghiệp truyền hình Mỹ thừa nhận: “Tôi nghĩ vai trò của Phelps rất quan trọng trong thời gian này”. Trong bối cảnh dân Mỹ đang đối mặt với tình trạng tăng giá nhiên liệu, thực phẩm, các gia đình cắt giảm chi tiêu… thì những chiến công của Phelps thực sự là động lực để sốc dậy tinh thần cho người Mỹ, khiến họ thêm tin tưởng vào đội tuyển quốc gia.
Các bình luận viên hài hước nhận định: “Chàng trai này đã thành tỷ phú từ năm 18 tuổi, với thành công ngày càng vượt trội, cùng với thu nhập tăng theo cấp số nhân, anh ta chẳng phải làm gì cũng đủ sống trong 50 năm”. Những ngày qua, hễ vào Internet, mở tivi là người ta lại thấy hình ảnh của Phelps: Phelps ngủ, Phelps chơi với chó Herman, Phelps ăn trưa… Với đà thành công này, người ta sẽ còn “gặp” Phelps trên các hộp đựng ngũ cốc, đồ chơi, mỹ phẩm… Người ta cũng dự đoán Phelps sẽ sớm truất ngôi của các VĐV chuyên nghiệp như Tiger Wood hay David Beckham trong bảng thống kê thu nhập của tạp chí Fortune.
VIỆT KHUÊ (tổng hợp)