Người Anh mất quyền riêng tư

Charles Farr, Giám đốc Văn phòng An ninh và chống khủng bố thuộc Bộ Nội vụ Anh, vừa chính thức thừa nhận nước này do thám qua Facebook, Google, Twitter và YouTube. Việc này được thực hiện hợp pháp dựa trên lỗ hổng trong quy định về giám sát thông tin của Anh, dấy lên những cảnh báo về quyền riêng tư đang bị xâm phạm nghiêm trọng.
Người Anh mất quyền riêng tư

Charles Farr, Giám đốc Văn phòng An ninh và chống khủng bố thuộc Bộ Nội vụ Anh, vừa chính thức thừa nhận nước này do thám qua Facebook, Google, Twitter và YouTube. Việc này được thực hiện hợp pháp dựa trên lỗ hổng trong quy định về giám sát thông tin của Anh, dấy lên những cảnh báo về quyền riêng tư đang bị xâm phạm nghiêm trọng.

Lách luật

Theo đạo luật Quyền hạn điều tra (RIPA), quy định về quyền hạn giám sát của các cơ quan công, việc theo dõi thông tin liên lạc bên ngoài không cần thiết phải xin phép. “Thư điện tử được trao đổi giữa 2 công dân Anh được xếp vào thông tin liên lạc trong nước. Tuy nhiên, thông tin trên Facebook, Twitter hay Google và YouTube sẽ được gửi về các trung tâm dữ kiện bên ngoài nước Anh và vì vậy, chúng được xếp vào thông tin liên lạc bên ngoài”, ông C.Farr cho biết.

Với cách lách luật này, Cơ quan Điều phối liên lạc (GCHQ) hay Cơ quan Tình báo điện tử của Anh đã “vô tư” theo dõi công dân của Anh khi họ sử dụng các trang mạng xã hội trên. Theo ông C.Farr, trong bối cảnh phải đối mặt với đe dọa từ khủng bố, các tổ chức tội phạm nguy hiểm và các thách thức với an ninh quốc gia khác, việc các cơ quan tình báo và thực thi pháp luật thu thập thông tin về các mục tiêu theo đạo luật quy định là cần thiết. Đây được xem như lời khẳng định của giới chức Anh rằng: họ sẽ tiếp tục chương trình do thám bất chấp phản đối từ các tổ chức nhân quyền, tự do dân sự. Trước đó, hàng loạt các tổ chức như Ân xá quốc tế, Tự do quốc tế, Bảo mật quốc tế và Liên đoàn Bảo vệ tự do dân sự Mỹ đã lên tiếng phản đối gay gắt các chương trình do thám trên mạng sau khi cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden công bố các tài liệu cho hay Mỹ và Anh hợp tác với nhau thu thập dữ liệu cá nhân.

Tuy nhiên, trong 48 trang tư liệu được Văn phòng An ninh và chống khủng bố Anh công bố lần này không xác nhận hoặc phủ nhận việc tồn tại chương trình giám sát điện tử mang tên Tempora, cũng như có hay không việc GCHQ trao đổi thông tin tình báo với Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA). Tờ Independent của Anh từng tiết lộ GCHQ bí mật điều hành một căn cứ giám sát Internet ở khu vực Trung Đông để chặn và xử lý một lượng dữ liệu khổng lồ, bao gồm các email, những cuộc gọi điện thoại và mọi truy cập Internet phục vụ lợi ích cho các cơ quan tình báo phương Tây. Căn cứ có thể xâm nhập và khai thác dữ liệu từ mạng cáp quang dưới biển chạy ngang qua khu vực. Thông tin sau đó được xử lý và chuyển về trụ sở GCHQ ở Chelteham, miền Tây nước Anh, để từ đó chia sẻ với NSA.

Do thám trên mạng xâm phạm nghiêm trọng quyền tự do cá nhân.

Do thám trên mạng xâm phạm nghiêm trọng quyền tự do cá nhân.

Xuất khẩu công nghệ gián điệp

Tháng 5 vừa qua, Tổ chức Bảo mật quốc tế đã kiện GCHQ sau khi Snowden công bố các tài liệu. Theo nội dung đơn kiện của tổ chức trên, GCHQ có khả năng hack điện thoại thông minh và máy tính. Công nghệ được GCHQ sử dụng, theo mô tả của Tổ chức Bảo mật quốc tế, là tinh vi hơn bất cứ công nghệ theo dõi nào hiện nay. Trong khi đó, nhiều tổ chức nhân quyền khác cũng nộp đơn kiện GCHQ vì thu thập thông tin trên khắp thế giới qua mạng cáp quang và vệ tinh. Richard Aldrich, tác giả từng xuất bản một cuốn sách nói về GCHQ cho biết, cơ quan này thật sự lo lắng về các vụ kiện trên.

Trước đó, vào tháng 3 năm ngoái, Tổ chức Bảo mật quốc tế cũng kiện Chính phủ Anh ra Tòa án tối cao London với lý do giới chức Anh không cho tổ chức nhân quyền trên biết có điều tra Công ty Gamma International của Anh hay không. Gamma International bị tố cáo là xuất khẩu công nghệ do thám đi khắp thế giới. Phần mềm gián điệp do Gamma International sản xuất có thể cài lén vào máy tính hay điện thoại di động của người bị theo dõi mà họ không hề biết và thường là qua cách lừa cho người sử dụng mở tệp đính kèm hay cập nhật từ những nguồn có vẻ chính đáng như Adobe. Một khi phần mềm đã được cài lén, máy tính và điện thoại sẽ bị chiếm dụng để người theo dõi có thể điều khiển chúng từ xa, bao gồm bật camera và microphone, thư điện tử, các phần mềm chat và nói chuyện, trong đó có Skype. Người ta cũng có thể theo dõi vị trí của máy tính và điện thoại. Gamma cảnh báo nếu công nghệ này rơi vào tay những kẻ xấu có thể để lại hậu quả nghiêm trọng.

Sau nhiều tiết lộ của Snowden, các tổ chức nhân quyền, tự do dân sự đã kêu gọi chính phủ các nước lớn như Mỹ và Anh lập tức ngừng mọi hoạt động do thám, xâm phạm đời tư và phải tôn trọng quyền tự do của mỗi cá nhân. Thành viên quốc hội Anh, ông Davis Davis cho biết: “Giờ chúng tôi mới biết hàng triệu tài khoản Yahoo! đang bị ghi hình qua webcam mà không được thông báo, sau đó các bức ảnh sẽ được lưu trữ bởi GCHQ và NSA. Thành thật mà nói, điều này thật đáng sợ hãi”. Ông Davis cho rằng các cơ quan tình báo hoàn toàn có thể sử dụng bất cứ phương pháp nào để nhắm vào các nghi phạm khủng bố, bắt cóc và các hành vi phạm tội nghiêm trọng khác, song tính không phân biệt của Optic Nerve lại rất đáng báo động. Theo ông Davis, không nên sử dụng kiểu giám sát có quy mô tới cả những công dân bình thường. Trong khi đó, nghị sĩ Julian Hupper cho biết, ông hoàn toàn sốc trước thông tin bị hé lộ và đây là sự xâm phạm quyền riêng tư rất rõ ràng.

Đầu năm 2014, chính trị gia và các tổ chức nhân quyền lại “sôi máu” trước thông tin GCHQ can thiệp và thu thập ảnh webcam của hàng triệu người mà không hề thông báo. NSA cũng dính líu đến vụ này. Dữ liệu từ năm 2008 - 2010 của GCHQ cho thấy một chương trình giám sát có tên Optic Nerve đã thu thập ảnh webcam của một lượng lớn người dùng Yahoo! và lưu vào cơ sở dữ liệu của cơ quan này. Bất kể ai, không nhất thiết là cá nhân bị tình báo giám sát, cũng có thể là nạn nhân. Trong vòng 6 tháng của năm 2008, cơ quan này đã thu thập ảnh webcam từ 1,8 triệu người dùng Yahoo! toàn cầu.

VĂN ĐỖ (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục