Người chỉ đạo truy sát đại ca giang hồ Quân "xa lộ" kêu oan

Trong phiên xét xử vụ án Quân “xa lộ” - đại ca giang hồ có máu mặt khu giáp ranh các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TPHCM, bị chém tử vong thì bị cáo Võ Thùy Linh, người chỉ đạo nhóm truy sát Quân “xa lộ” không thừa nhận hành vi như cáo trạng và kêu oan.

Chiều 21-3, TAND TPHCM tiếp tục xét xử sơ thẩm 16 bị cáo trong vụ án Mai Văn Quân (sinh năm 1966, biệt danh Quân “xa lộ”), là đại ca giang hồ có máu mặt khu giáp ranh các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TPHCM, bị chém tử vong vào tối ngày 4-11-2019, từng gây xôn xao dư luận.

Các bị cáo tại tòa

Các bị cáo tại tòa

Được thẩm vấn đầu tiên, bị cáo Võ Thùy Linh (sinh năm 1991, từng du học và làm việc tại Australia trước khi về Việt Nam kinh doanh tự do) không thừa nhận hành vi theo cáo trạng truy tố và kêu oan.

Bị cáo Linh nói không gọi người đến chém chết ông Quân, không thấy ông Quân đập xe mình. Cơ quan điều tra có thể trích xuất nội dung các cuộc gọi điện thoại. Bị cáo Linh bức xúc vì không được tôn trọng, không nhận được kết luận điều tra.

Còn đối với bị cáo Hồ Thanh Phương (sinh năm 1986, ngụ TP Thủ Đức) thì thừa nhận cáo trạng truy tố là đúng người đúng tội. Bị cáo Phương khai rằng việc truy sát Quân “xa lộ” là do bị cáo Linh chỉ đạo.

Các bị cáo tại tòa

Các bị cáo tại tòa

Không đồng tình với lời khai của bị cáo Phương, bị cáo Linh đề nghị HĐXX không nên mất thời gian vào lời khai của các bị cáo này và nên trích xuất điện thoại để kiểm tra các cuộc gọi. Lúc này, chủ tọa phải nhắc nhở rằng, việc điều hành phiên tòa là của HĐXX không phải là bị cáo.

Bị cáo Tài khai rằng được Lý Văn Tư (sinh năm 1978, ngụ tỉnh Tây Ninh) giới thiệu gặp Linh để nhờ nói chuyện với ông Nguyễn Anh Trung gỡ bài viết nói xấu bị cáo Lê Thị Tuyết trên mạng xuống. Tuy nhiên, ông Trung không đồng ý. Bị cáo này thừa nhận có tới ngã tư Bình Thái, TP Thủ Đức nhưng không tham gia vào việc truy sát Quân “xa lộ”.

Quang cảnh phiên tòa

Quang cảnh phiên tòa

Trước đó, tại phần làm thủ tục, bị cáo Nguyễn Tiến Minh Tài (sinh năm 1982, ngụ TP Thủ Đức) kêu oan và đề nghị HĐXX thay đổi kiểm sát viên vì cho rằng không khách quan. Qua hội ý, HĐXX không chấp nhận yêu cầu này.

Theo cáo trạng, ngày 13-11-2017, bà Trần Ngọc Thủy ký hợp đồng (viết tay không qua công chứng) bán căn nhà số 90 Sương Nguyệt Anh (quận 1, TPHCM) cho Lê Công Tuấn Anh (đứng tên giùm bà Lê Thị Tuyết) với giá 100 tỷ đồng.

Sau khi ký hợp đồng, phía bà Tuyết và Tuấn Anh đã thanh toán 35 tỷ đồng để bà Thủy bàn giao nhà và đưa các giấy tờ liên quan trước khi ra công chứng sang tên.

Tuy nhiên, bà Thủy không thực hiện theo hợp đồng nên ngày 26-10-2019, bà Tuyết và Tuấn Anh ủy quyền cho Võ Thùy Linh (người quen bà Tuyết) đi cùng với Lý Văn Tư (nhân viên bà Tuyết) gặp bà Thủy để giải quyết.

Đến ngày 4-11-2019, Võ Thùy Linh hẹn Tư và Nguyễn Tiến Minh Tài gặp nhau tại một quán cà phê tại quận Thủ Đức (cũ) để cùng đi đến nhà bà Thủy giải quyết tranh chấp căn nhà. Tại nhà bà Thủy, nhóm của Linh gặp Nguyễn Anh Trung (chồng bà Thủy) và yêu cầu ông Trung gỡ các bài viết trên mạng xã hội nói xấu bà Tuyết. Ông Trung không đồng ý và đuổi nhóm của Linh về. Sau đó, ông Trung kể lại câu chuyện với Mai Văn Quân khi người này đến nhà chơi.

Đến tối cùng ngày, cả hai nhóm của Nguyễn Anh Trung, Mai Văn Quân gặp lại nhóm của Võ Thùy Linh trong một quán ăn trên đường Khổng Tử (quận Thủ Đức cũ) và xảy ra mâu thuẫn. Hai bên đã xô xát nhau, Mai Văn Quân bị nhóm của Võ Thùy Linh chém trọng thương, tử vong sau đó. Gây án xong, Võ Thùy Linh cùng cả nhóm thuê xe chia nhau đi trốn tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận.

Quá trình bỏ trốn, Lê Thị Tuyết thông qua con trai mình (bị cáo Phạm Nhật Nam) và bị cáo Lê Tuấn Vũ cung cấp tiền cho Tư bỏ trốn, gây khó khăn cho quá trình điều tra vụ án.

Tin cùng chuyên mục