LTS: Hôm nay, tại Ô Môn (Cần Thơ), Thành ủy, UBND, UBMTTQ TP Cần Thơ long trọng tổ chức kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Châu Văn Liêm (29-6-1902 – 29-6-2012). Để tưởng nhớ người chiến sĩ cộng sản kiên trung, dịp này, Báo SGGP xin giới thiệu bài viết về đồng chí Châu Văn Liêm, được biên soạn lại từ tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ.
Sinh ra trong một gia đình Nho học, tư chất thông minh nên từ thuở nhỏ Châu Văn Liêm rất hiếu học, được ông nội và cha dạy chữ Nho. Sau được một thầy đồ ở Quảng Ngãi vào vừa dạy cho chữ Nho lẫn nghề thuốc bắc. Học xong sơ học yếu lược ở quê nhà, Châu Văn Liêm được cha mẹ cho ra trường tỉnh học - trường nội trú Cần Thơ, cùng thời với Lê Văn Sô, Trần Ngọc Quế – một trong những lớp học sinh đầu tiên của trường nội trú này (về sau được đổi tên là Collège de CanTho, Trường Trung học Phan Thanh Giản và nay là Trường Trung học Phổ thông Châu Văn Liêm). Năm 1924, tốt nghiệp Trường Sư phạm Đông Dương, thầy Châu Văn Liêm được phân bổ về dạy ở Trường Nữ tỉnh Long Xuyên (nay là tỉnh An Giang). Do đấu tranh chống bọn đốc học Tây và những giáo viên vô trách nhiệm đối với học sinh, đầu năm 1926 - 1927 thầy bị điều động đến dạy ở một ngôi trường xa xôi thuộc làng Long Điền, quận Chợ Thủ, tỉnh Long Xuyên. Dù dạy học ở đâu, thầy luôn nghĩ rằng: ở đâu cũng là đồng bào mình, học sinh là con em nông dân của mình, cần được sự chăm lo của các thầy cô giáo nên hết lòng quan tâm, thăm hỏi, động viên và còn khơi gợi lòng yêu nước nơi học sinh. Ngoài việc dạy học ở trường, thầy giáo Liêm còn mở lớp học xóa mù chữ vào ban đêm; vận động người khá giúp người nghèo tập, viết để học. Thầy Liêm còn vận động gia đình bán toàn bộ tài sản để góp vốn cùng với các đồng chí Hà Huy Giáp, Nguyễn Kim Cương lập trường tư thục mang tên Sa Đéc học đường nhằm tập trung sức đào tạo các em học sinh trở thành người tốt giúp ích xã hội; đồng thời làm cơ sở để hoạt động cách mạng.
Bên cạnh hình ảnh một thầy giáo có tinh thần yêu nước, Châu Văn Liêm còn là một nhà cách mạng tích cực. Đồng chí đã đứng ra thành lập nhiều tổ chức yêu nước như Việt Nam phục quốc Đảng (tại Nam Nhã Đường Cần Thơ), Hội giáo viên, học sinh yêu nước Long Xuyên (1926), tiệm thuốc bắc Việt Hưng Đường ở Thới Lai, Ô Môn. Bề ngoài, tiệm thuốc với danh nghĩa bán thuốc đông y nhưng bên trong làm nơi liên lạc, phổ biến sách báo tiến bộ.
Năm 1927, tại Long Xuyên, Châu Văn Liêm được đồng chí Nguyễn Ngọc Ba - một cán bộ của Kỳ bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội Nam kỳ từ Sài Gòn về gần gũi, giúp đỡ, bồi dưỡng những nhận thức mới cho anh. Thay mặt tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, đồng chí Ngọc Ba đứng ra kết nạp Châu Văn Liêm vào hội.
Nhờ quá trình hoạt động tích cực của mình, tháng 3-1929, Châu Văn Liêm được chọn đi dự Đại hội Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội cùng với đồng chí Phạm Văn Đồng - Bí thư Kỳ bộ Nam kỳ tại Hương Cảng (Trung Quốc). Sau đại hội, Châu Văn Liêm được cử làm thành viên trong Ban trù bị thành lập Đảng. Về nước, đồng chí Châu Văn Liêm triệu tập một phiên họp vào ngày 7-8-1929 ở Sài Gòn, tại Phong cảnh khách lầu. Hội nghị đề xuất việc ra đời của một tổ chức mới là An Nam Cộng sản Đảng và được tất cả đại biểu nhất trí. Sau khi bế mạc hội nghị, đồng chí trở về địa phương tuyển chọn những hội viên Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội xứng đáng và chọn những người yêu nước, trung thành, tiêu biểu kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. Ba tháng sau, đồng chí tiếp tục mở hội nghị thành lập Ban lâm thời chỉ đạo của An Nam Cộng sản Đảng - cơ quan Trung ương của An Nam Cộng sản Đảng, Châu Văn Liêm được cử làm Bí thư tổ chức này.
Ngày 3-2-1930, đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản tổ chức hội nghị hợp nhất ba tổ chức Đảng Cộng sản ở trong nước tại Hương Cảng (Trung Quốc). Đồng chí Châu Văn Liêm và đồng chí Nguyễn Thiệu được An Nam Cộng sản Đảng cử đi dự hội nghị này; và sau đó được giao nhiệm vụ tiến hành hợp nhất các tổ chức Đảng ở phía Nam, từ Nha Trang đến Cà Mau.
Bấy giờ, phong trào đấu tranh của quần chúng thuộc các tầng lớp nhân dân lao động nghèo, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Tại khu vực Gia Định - Chợ Lớn, các cuộc biểu tình của quần chúng diễn ra liên tục. Ngày 4-6-1930, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Châu Văn Liêm, gần 1.000 nông dân quận Đức Hòa (Long An) kéo đến dinh quận trưởng đưa yêu sách, đòi giảm thuế, không bắt bớ, đánh đập người vô cớ. Trong lúc đối mặt với quân thù, đồng chí Châu Văn Liêm đã hy sinh dưới họng súng bạo tàn của tên cảnh sát thực dân Dreuil, ở tuổi 28 tràn đầy nhiệt huyết.
Hoài bão của đồng chí Châu Văn Liêm đã và đang được toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta thực hiện, tiếp tục xây dựng, đổi mới quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp, ấm no, hạnh phúc.