Người dân chỉ cần khai báo y tế một lần trong ngày

Nhằm phát huy hiệu quả hơn nữa Hệ thống khai báo y tế điện tử, ngày 24-6, TPHCM bắt đầu triển khai ứng dụng khai báo y tế điện tử trên toàn thành phố. Chiều 24-6, phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với Phó giám đốc Sở TT-TT TPHCM Võ Thị Trung Trinh về vấn đề này.
Phó giám đốc Sở TT-TT TPHCM Võ Thị Trung Trinh
Phó giám đốc Sở TT-TT TPHCM Võ Thị Trung Trinh

- Phóng viên: Việc khai báo y tế điện tử có tác dụng như thế nào và sẽ được duy trì trong bao lâu, thưa bà?

Bà VÕ THỊ TRUNG TRINH: Thời gian qua, TPHCM đã triển khai phần mềm Hệ thống khai báo y tế điện tử quốc gia, được áp dụng thống nhất cho 130 bệnh viện công lập và tư nhân (100%) trên địa bàn với mục đích hỗ trợ truy vết nhanh các trường hợp nghi mắc thay thế cho hình thức khai báo thủ công bằng giấy trước đây. Phần mềm này đã phát huy hiệu quả, giúp phát hiện được nhiều ca nghi mắc, truy vết tận gốc các trường hợp tiếp xúc gần với F0 từng đến các cơ sở y tế và kịp thời ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Đặc biệt, vừa qua quận Gò Vấp thực hiện giãn cách, nhờ hệ thống này lực lượng chức năng phát hiện gần 9.000 trường hợp có yếu tố dịch tễ, giúp ngăn chặn dịch không bùng phát trong cộng đồng. Không những chính quyền mà người dân cũng nhận thấy lợi ích của việc này. 

Chính vì thế, được sự đồng ý của Thường trực UBND TPHCM, Sở TT-TT bắt đầu triển khai áp dụng thống nhất toàn thành phố từ sáng 24-6. Tính đến 17 giờ cùng ngày, hệ thống này đã triển khai cho 9.694 đơn vị, trong đó khối y tế là 6.272 đơn vị; khối cơ quan nhà nước và doanh nghiệp là 3.422 đơn vị. Người dân khi đến công sở, bệnh viện hoặc trung tâm thương mại, siêu thị, trường học, bệnh viện… đều phải khai báo y tế điện tử.

Hiện nay, thành phố đang phối hợp với các cơ quan của Bộ TT-TT nhằm liên thông dữ liệu từ hệ thống của Bộ Y tế, hệ thống của TPHCM về Trung tâm Dữ liệu quốc gia, Trung tâm Dữ liệu TPHCM. Từ đó giúp các đơn vị y tế, địa phương quản lý thông tin của tất cả người ra, vào các địa điểm; tra cứu, thống kê thông tin check-in (khai báo) theo thời gian, địa điểm; hỗ trợ công tác truy vết, điều tra dịch tễ nhanh chóng, chính xác khi phát hiện có trường hợp nghi mắc Covid-19. Việc này sẽ được duy trì lâu dài, kể cả khi thành phố đã kiểm soát được dịch bệnh. 

- Theo bà, phần mềm khai báo y tế điện tử thành phố có gì mới so với phần mềm khai báo điện tử của Bộ Y tế và người dân có thuận tiện khi thực hiện hay không?

Điểm khác của Hệ thống khai báo y tế điện tử TPHCM so với của Bộ Y tế là của thành phố có yếu tố dịch tễ. Cụ thể, nếu người dân sử dụng phần mềm của thành phố sẽ được cập nhật hàng ngày, hàng giờ các điểm có F0, khu vực phong tỏa, cách ly và giúp người dân dễ dàng hơn khi khai báo và tiếp cận thông tin. Việc thành phố triển khai phần mềm này cũng sẽ giúp cho lực lượng chức năng kịp thời truy vết được những trường hợp F0, F1, F2 một cách nhanh chóng, tiết kiệm được thời gian… Do đó, công tác tuyên truyền được đặt lên hàng đầu thông qua các kênh mạng xã hội như Tổng đài 1022, Fanpage 1022, Trang thông tin điện tử 1022 của thành phố để giải đáp các thắc mắc, phản ánh của người dân liên quan đến khai báo y tế điện tử hoặc những vi phạm trong công tác phòng chống dịch. 

Một điểm người dân cần chú ý là công dân có quyền lựa chọn khai báo y tế điện tử theo hệ thống của Bộ Y tế hoặc của TPHCM. Cả hai đều được chấp nhận. Đặc biệt, người dân nếu trong ngày phải đi nhiều nơi, liên hệ nhiều cơ quan thì chỉ cần khai báo y tế một lần và mẫu khai báo y tế có hiệu lực trong 24 giờ.

Tin cùng chuyên mục