Những năm trước, tại trụ sở Hội Sân khấu TPHCM (5B Võ Văn Tần, quận 3), đối diện với CLB TDTT Phan Đình Phùng, người ta thường bắt gặp một người nhỏ nhắn (so với soạn giả, nhà văn Ngọc Linh - người đi cùng), khiêm nhường, nụ cười dễ gần và đầy chất lãng tử. Ông thường bận đồ thể thao toàn trắng - nón trắng và giày cũng trắng. Đó không phải một vận động viên mà là soạn giả - nhà thơ Kiên Giang (soạn giả Hà Huy Hà). Gặp ai ông cũng cười và chào hỏi một cách thân thiện, bặt thiệp.
Ở Hội Sân khấu, người ta biết nhiều tới các nghệ sĩ biểu diễn những anh kép, cô đào và những danh hài… còn các soạn giả, nhạc công, họa sĩ và cả nhà thơ thì quên đi.
Tôi may mắn được quen biết anh Ngọc Linh và Kiên Giang lại là do cái máu văn chương thơ phú và qua giới thiệu của các anh Huỳnh Nga, Đoàn Bá, Lê Duy Hạnh, Văn Thành, chị Tú Lệ… Nhà văn Ngọc Linh xuất bản cuốn sách nào cũng gửi tặng. Riêng ông Kiên Giang thì nhận được một miệng cười và những câu thăm hỏi chân tình.
Soạn giả Kiên Giang - Hà Huy Hà lại có chuyện vui khá đặc biệt mà ông đâm ra mến tôi. Chuyện là sau ngày 30-4-1975, tôi thường xuyên đi về miền Tây Nam bộ công tác. Có lần xuống Long Xuyên - An Giang, được anh em cánh văn nghệ sĩ dưới đó giới thiệu em gái tên Thùy là con gái của soạn giả - nhà thơ Kiên Giang - Hà Huy Hà… Tôi kết ngay. Thùy hỏi tôi tên chi, tôi nói tên tôi trong tên em. Nghĩa là sao? Thì cứ bỏ đi chữ “ù” trong tên Thùy là tên anh đó. Câu nói đùa khiến soạn giả Kiên Giang - Hà Huy Hà bằng lòng và sau đó ông kêu tôi là con rể và xưng ba với tôi ngon lành. Ông còn bật mí cho biết, mấy cô mấy bà ghét cánh nhà thơ lắm cho nên sau đó cô Thùy lấy chồng làm nghề tòa án. Chuyện vui thành kỷ niệm nhớ lâu.
Bẵng đi một thời gian không gặp nhau, hôm nay nhận được tin soạn giả nhà thơ Kiên Giang - Hà Huy Hà đã qua đời. Trong tôi có cái gì đó ân hận, luyến thương.
Soạn giả Kiên Giang - Hà Huy Hà tên thật là Trương Khương Trinh, sinh ngày 17-2-1929 tại làng Đông Thái tỉnh Kiên Giang (cùng quê với nhà văn Sơn Nam). Ông là nhà thơ, ký giả, soạn giả. Ông có hàng trăm bài báo về kịch nghệ Sài Gòn trên các báo Lẽ sống, Dân chủ mới, Điện Tín, Tia sáng… Ông là tác giả, đồng tác giả nhiều vở diễn như Người vợ không bao giờ cưới, Phúc Nguyên, Ngưu Lang Chức Nữ, Áo cưới trước cổng chùa và hàng trăm bài tân cổ giao duyên.
Soạn giả Kiên Giang - Hà Huy Hà là bạn thơ, anh em kết nghĩa của thi sĩ Nguyễn Bính. Chính nhà thơ Nguyễn Bính đã mở ra chân trời thi ca của Kiên Giang - Hà Huy Hà. Chất chân quê và lãng tử của thi sĩ Nguyễn Bính đã tạo ra phong cách chân quê Nam bộ và lãng tử giang hồ trong thơ Kiên Giang - Hà Huy Hà. Gia tài thơ của ông khá phong phú. Ông có nhiều tập thơ xuất sắc Hoa trắng thôi cài trên áo tím, Lúa sạ miền Nam, Quê hương thơ ấu… Riêng tập Hoa trắng thôi cài trên áo tím sau năm 1975 được NXB Văn Học (Hội Nhà văn Việt Nam) tái bản năm 1995: Mười năm trước em còn đi học/ Áo tím điểm tô đời nữ sinh/ Hoa trắng cài duyên trên áo tím/ em là cô gái tuổi băng trinh… hay Em lên xe cưới về quê chồng/ Dù cách đò ngang cách mấy sông/ Anh vẫn yêu người em áo tím/ Nên tình thơ ủ kín trong lòng… Ông viết thơ, đã đành, nhiều người cho rằng chính Kiên Giang - Hà Huy Hà là nhà thơ thành công, một soạn giả đã đưa thi ca vào sân khấu cải lương (lời nhà văn Sơn Nam).
VŨ KHOA VŨ ÂN THY