Người lưu giữ dấu chân

Nghệ nhân Trịnh Ngọc nổi tiếng một thời vì từng đóng giày cho Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk. Gần 70 năm thăng trầm với nghề đóng giày, những đôi giày do ông làm ra cũng chính là những câu chuyện thú vị.
Người lưu giữ dấu chân

Nghệ nhân Trịnh Ngọc nổi tiếng một thời vì từng đóng giày cho Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk. Gần 70 năm thăng trầm với nghề đóng giày, những đôi giày do ông làm ra cũng chính là những câu chuyện thú vị.

Thành danh nơi đất khách

Nghệ nhân Trịnh Ngọc tâm sự: “Tôi đến với nghề đóng giày một cách tình cờ. Sinh ra và lớn lên tại Bạc Liêu, năm 1945, tôi theo gia đình sang sinh sống tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia. 16 tuổi, theo anh trai học việc ở xưởng sản xuất va li, phát hiện một cơ sở đóng giày thủ công của người Việt, tôi lân la làm quen rồi quan sát, học lóm. Từ đó, tôi dính nghiệp đóng giày hồi nào không hay”.

Nhờ sự cần cù và nhạy bén, ông Ngọc bắt đầu làm những đôi giày đầu tiên bán ra thị trường. Sau đó, ông cùng gia đình chuyển ra trung tâm Phnom Penh để tiện kinh doanh. “Cửa hàng giày của gia đình tôi mang tên Đức Phát, nằm đối diện cửa hàng Jean Compte-Peugeot của Pháp. Cửa hàng Đức Phát thời đó nổi tiếng khắp Phnom Penh. Nhiều giáo sư, bác sĩ, những người có địa vị cao trong xã hội thường tìm đến đặt giày”, ông Ngọc kể.

Nghệ nhân Trịnh Ngọc say sưa thiết kế mẫu giày...

Nghệ nhân Trịnh Ngọc say sưa thiết kế mẫu giày...

Biết 3 thứ tiếng Pháp, Anh và Hoa nên ông Ngọc có cơ hội tiếp xúc nhiều người nước ngoài, mở rộng con đường làm ăn. Nhiều khách tìm đến cửa hàng mang theo những đôi giày ngoại đắt tiền nhờ ông sửa. Từ đó, ông nhận ra giày ngoại hơn khá xa về chất lượng lẫn mẫu mã nên bắt đầu tìm tòi, tự học cách làm giày cao cấp từ chính những đôi giày của khách.

Ông Ngọc nói: “Tự học làm giày thủ công đã khó, học làm giày ngoại còn khó gấp nhiều lần. Nhưng tôi yêu mùi da, yêu đường nét và hình dáng giày nên quyết tâm học. Làm hài lòng khách hàng là niềm vui trong nghề mà tôi mong muốn”. Không dừng ở tự học, ông Ngọc bắt đầu tìm hiểu các khóa học thiết kế giày từ xa của Pháp và đăng ký theo học trong 4 năm. Điều đó giúp ông nắm vững kỹ thuật làm giày như đường nét, thông số kỹ thuật khuôn, vẽ thiết kế... Cửa hàng giày của ông Ngọc lúc này đón tiếp rất nhiều khách có địa vị cao trong xã hội. Đặc biệt, ông được Quốc vương Sihanouk mời vào hoàng cung để đóng những đôi giày kiểu Ý mà Quốc vương yêu thích.

Thăng trầm nghiệp đóng giày

Năm 1970, Campuchia xảy ra chính biến, gia đình ông Ngọc hồi hương, làm lại từ đầu. Không còn cửa hàng, nguồn khách cũng mất và nhất là không biết nguồn mua nguyên phụ liệu làm giày. Ông Ngọc lo lắng nhưng với mục tiêu ban đầu là nhắm thị trường giày da cao cấp, nên mỗi khi làm xong sản phẩm, ông đem ký gửi ở những trung tâm thương mại lớn, nổi tiếng lúc bấy giờ như Tax, Crystal Palace và một vài shop hàng ngoại cao cấp ở quận 1. Những đôi giày của ông Ngọc thường được trưng bày chung với giày ngoại vì được đánh giá cao và nhất là có giá bán cao gấp 3, 4 lần giá ông ký gửi.

Qua thời gian, nhiều khách tinh ý nhận ra giày của ông Ngọc hồi còn nổi tiếng ở Campuchia. Họ hỏi thăm rồi tự tìm đến nhà ông ở 115/1 Phát Diệm (nay là đường Trần Đình Xu), quận 1. Nhiều ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng thời đó cũng tìm đến đặt giày, đặc biệt, có cả “vua hippy” Trường Kỳ - Nam Lộc. Ông Ngọc nhớ lại: “Sài Gòn ngộ lắm, dù nhà nằm sâu trong hẻm nhỏ, khách cũng tìm ra bằng được. Tôi nhớ, khách tới đông đến nỗi bên ngoài không còn chỗ đậu xe, còn trong nhà không đủ ghế khách ngồi. Nhiều người phải đặt hẹn trước cả mấy tuần”.

Đến năm 1975, gia đình ông Ngọc lại một lần nữa đóng cửa hàng. Ông kể: “Sau ngày giải phóng, dân Sài Gòn chủ yếu mang “sapo” bằng nhựa, cao su. Tôi nghĩ chắc mình hết duyên với nghề đóng giày rồi, vợ chồng tôi suy nghĩ, đắn đo bàn nhau đi kinh tế mới hay làm một nghề khác”.

Nhưng may mắn vẫn mỉm cười, tháng 9-1975, khi ông Ngọc được mời vào làm Nhà máy Giày Sài Gòn (Hãng giày Bata cũ), phụ trách kỹ thuật, thiết kế, cắt may và tiếp tục đào tạo những người thợ giỏi nghề. Những dịp đón tiếp các phái đoàn Đức, Pháp, ông Ngọc luôn là người trực tiếp làm việc. Ông đã làm ở nhà máy trong 16 năm, trải qua 5 đời giám đốc.

Trong thời gian đó, vẫn có một số khách quen tìm đến ông đóng giày, dù ông không còn làm rộng rãi như trước. Khi ông về hưu năm 1991, có một chuyện đặc biệt xảy ra với ông. “Tôi về hưu và định mở lại cửa hàng thì được nhà máy ưu ái đến trang hoàng, đóng giúp bảng hiệu Cửa hàng Số 4. Tôi vẫn để nguyên bảng hiệu đến nay, không thay đổi gì, nhìn tuy có cũ kỹ, nhưng đó là một kỷ niệm đáng quý của tôi”, ông Ngọc kể.

Những đôi giày đặc biệt

Nghệ nhân Trịnh Ngọc không chỉ nổi tiếng là một thợ đóng giày giỏi mà còn nổi tiếng là vị cứu tinh của người khuyết tật, chuyên đóng những đôi giày đặc biệt cho những người bị khiếm khuyết đôi chân. Sau khi nghỉ hưu, ông Ngọc về mở tiệm giày. Từng đón tiếp nhiều vị khách đặc biệt nhưng ông luôn nhớ đến anh Nam, trường hợp đầu tiên ông đóng giày đặc biệt. Bị tai nạn từ nhỏ nên một chân anh Nam bị tật, độ dài 2 chân chênh nhau tới 11cm và bàn chân cũng không nguyên vẹn. Người thanh niên trẻ đến gặp ông và tâm sự: “Cháu đến đâu, gõ cánh cửa nào cũng đều bị từ chối, cơ hội trong cuộc sống dường như không có”. Ông Ngọc nghĩ: “Mình nên thử giúp cậu ấy, nếu giúp được thì coi như mình đã tạo cơ hội mới cho một thanh niên tiếp tục phấn đấu sống tốt”.

Ông Ngọc tâm sự: “Làm giày cho người khuyết tật khó gấp 10 lần làm giày thường. Tôi phải làm rất lâu, gần 1 tháng mới xong đôi giày đặc biệt cho Nam. Nhưng khi nhìn thấy chàng thanh niên khuyết tật mang đôi giày mới và bước những bước đầu tiên như người bình thường, tôi xúc động lắm”.

Người lưu giữ dấu chân ảnh 3

...và tự hào về những tác phẩm tự tay làm ra

Ở tuổi 83, hàng ngày nghệ nhân Trịnh Ngọc vẫn miệt mài làm việc trong căn phòng nhỏ ở tiệm giày Ngọc, 50 Lý Chính Thắng, quận 3, nơi ông cho ra đời nhiều sản phẩm giày độc đáo. Với nghệ nhân Trịnh Ngọc, giày da không đơn thuần để mang vào chân mà còn được xem là nghệ thuật, một món trang sức không thể thiếu. Một đôi giày đẹp không chỉ thể hiện vị thế xã hội của chủ nhân mà còn thể hiện sự tôn trọng người đối diện. Do đó, nghệ nhân Trịnh Ngọc luôn tỉ mỉ, chỉn chu từng chi tiết, dù nhỏ nhất. “Tâm, trí và lực, tôi đã dồn tất cả để tập trung cho nghề, đó là niềm đam mê, vui sống của tôi. Hầu như tôi không muốn lãng phí thời gian nào của mình. Tôi luôn tâm niệm, làm giày chỉ cần chất lượng chứ không cần số lượng”, ông Ngọc chia sẻ.

KIM NY - THỦY NGÂN

Tin cùng chuyên mục