Tộc người Mã Liềng ở phía Tây Quảng Bình thuộc huyện Tuyên Hóa đã biết làm lúa nước, biết cái chữ, thu nhập được tiền triệu. Từ chỗ ở trong hang đá, người Mã Liềng được tấm lòng son sắt của Đảng đưa ra khỏi nơi tăm tối để đến với văn minh.
- Học chữ Bác Hồ
Mùa đông năm 1959, những đảng viên của huyện Tuyên Hóa nhận được thông tin có một nhóm người sống dưới các mái đá gần dãy Giăng Màn, thấy người lạ họ bỏ chạy vào rừng, đu bám vào các mái đá, leo tót trên cây cao. Một kế hoạch đưa bà con về được định ra. Những người dân tộc anh em với tộc người này được huy động để phiên dịch và tiếp cận mỗi ngày với tộc người bé nhỏ ấy, có tên Mã Liềng. Theo giải thích đấy là Mơ Leng, tên của một loài đại bàng núi đá được đặt cho tộc người này.
Người Mã Liềng sống chủ yếu vào củ rừng, hái lượm, săn bắn. Thức ăn sinh tồn đơn sơ, sống chết dựa vào rừng. Nhưng họ đã ngây ngất khi nhận nắm cơm vắt từ tay bộ đội biên phòng, từng hạt cơm ăn vào ngon kỳ lạ. Từ miếng ăn cuốn hút đó, họ đã theo lời của cán bộ rời hang đá ra bên ngoài sinh sống.
Được làm nhà, được học cách sống văn minh, người Mã Liềng bắt đầu vươn tới văn minh. Đầu tiên là xóa mù, chữ của Bác Hồ được đưa đến từng người dân. Hồ Viên, người ở bản Cà Xen (xã Thanh Hóa) nói: “Cán bộ đưa về nơi định cư, phát bút mực, mỗi tối được đến nhà làng để học chữ Bác Hồ. Mình đi đầu tiên, đến đầu tiên, vì cái chữ nghĩa tình cho bà con mình thoát được cái ngu rừng, ngu núi. Cái chữ Bác Hồ cho dân bản mình ngày mai, ngày kia khác với ngày trước đây”.
- Vay tín dụng bằng trâu
Trên cao nguyên Lâm Hóa, Thanh Hóa (Tuyên Hóa), người Mã Liềng đến nay đã có nhiều người thu nhập tiền triệu. Hồ Viên là điển hình giàu có nhất vùng khi tiên phong làm theo lời cán bộ. Học được cái chữ, Hồ Viên lên xã hỏi có cách chi thoát nghèo. Cán bộ xã nói Viên về vay tiền mua trâu được Nhà nước hỗ trợ. Viên mua hai con trâu, một đực một cái, về chăm bẵm kỹ lưỡng. Hai năm sau, trâu đẻ nghé con, Viên gầy thêm giống, đến nay Hồ Viên đã sở hữu được 15 con trâu. Viên nói: “Nghe lời cán bộ của Đảng mà nhà mình khấm khá, con cái được kết nạp đảng viên nữa. Mình mới làm hai nhà mới cho hai thằng con. Mỗi đứa ra riêng mình cho cái nhà tiền triệu. Còn bà con nghèo, mình cho vay không lãi, khi mô mần ăn khá mình mới thu lại để cho người khác vay”.
Trưởng bản Cao Dụng có cách khác, vay tín dụng bằng trâu, ông Dụng nói: “Mình vay của Nhà nước hai con trâu, một con ông và một con mệ. Con ông cho cày kéo, con mệ thì cho đẻ. Mỗi lứa đẻ mình trả bằng trâu nghé, cán bộ đồng ý, trả xong tín dụng trâu mình lại cho đẻ thêm, cứ rứa mình đã có cả chục con trâu rồi”. Người Mã Liềng đã học tập tấm gương của Hồ Viên và Cao Dụng để vươn tới cuộc sống khấm khá.
- Hai câu chuyện chỉ số tư duy
Người Mã Liềng vừa có thêm mùa đậu tốt tươi, thu về tiền triệu, nhà ai cũng phấn chấn bởi thành quả lao động. Trưởng bản Cao Dụng có cách nói đùa kỳ lạ nhưng nghĩ sâu xa, nó phát triển vượt bậc về chỉ số tư duy. Dụng vừa mua tặng vợ đôi bông tai bằng vàng nhân kỷ niệm ngày vụ mùa bội thu. Gặp tôi, Dụng nói: “Tình hình ni ri là căng”. Sao căng? “Vợ tôi có 2 cái tai, đeo được chỉ vàng, mỗi bên năm phân là hết. Mà mùa vụ năm mô cũng tốt ri thì tai mô đeo hết”. Nói xong Dụng cười, cái cười của chất phác, của niềm tin tương lai phía trước, tuy là câu nói vui nhưng Dụng đã có lối tư duy tốt hơn khi chưa rời hang đá.
Gặp già Hồ Điện, một câu chuyện khác cũng đủ thấy người Mã Liềng trưởng thành vươn vai. Già nói: “Ngày xưa, Mã Liềng mà không vô rừng là hết, là chết. Vô rừng mới hái được quả, đào được củ, bắt được con mà ăn. Cấm rừng, Mã Liềng chết thôi. Nhưng qua năm, qua tháng, cái lời cán bộ nó đúng, chừ thì hột ngọc trời cho người Mã Liềng đang nằm trên nương, trên rẫy; nó ở ngay bên hông mình, ngoài vườn nhà ta, ngọc ở trong tay người Mã Liềng rồi. Ơn Đảng lắm lắm”
MINH PHONG