Người mang “phù sa” về quê hương

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 người ta thường thấy học trò đem hoa tới trường hoặc nhà riêng tặng thầy cô. Nhưng tại Khu công nghiệp Bình Minh, bên chân cầu Cần Thơ, đã mấy năm nay, cứ đến ngày 20-11, người ta lại thấy công nhân viên của một công ty tọa lạc nơi đây mang hoa tới chúc mừng vị tổng giám đốc của mình! Đó chính là kỹ sư - thạc sĩ Hóa - Sinh Ngô Quốc Nam, ông chủ của doanh nghiệp về công nghệ gien đầu tiên của Việt Nam - người được toàn bộ nhân viên gọi là thầy với tình cảm yêu mến, kính trọng.
Người mang “phù sa” về quê hương

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 người ta thường thấy học trò đem hoa tới trường hoặc nhà riêng tặng thầy cô. Nhưng tại Khu công nghiệp Bình Minh, bên chân cầu Cần Thơ, đã mấy năm nay, cứ đến ngày 20-11, người ta lại thấy công nhân viên của một công ty tọa lạc nơi đây mang hoa tới chúc mừng vị tổng giám đốc của mình! Đó chính là kỹ sư - thạc sĩ Hóa - Sinh Ngô Quốc Nam, ông chủ của doanh nghiệp về công nghệ gien đầu tiên của Việt Nam - người được toàn bộ nhân viên gọi là thầy với tình cảm yêu mến, kính trọng.

        Ươm mầm ngành công nghệ hiếm

Mùa xuân năm 2008, có một kỹ sư người Mỹ gốc Việt thuộc ngành công nghệ sinh học, từ California - Hoa Kỳ về Việt Nam tìm đất xây phòng thí nghiệm. Đó là kỹ sư - thạc sĩ Hóa - Sinh Ngô Quốc Nam, sinh năm 1957 tại Việt Nam. Sau nhiều năm du học, làm việc tại nơi xứ người, hết Pháp rồi Mỹ, anh quyết định trở về quê hương để “cống hiến những gì mình có!”.

Sau khi đi thăm một loạt địa điểm từ miền Trung vào đến Nam bộ, tới Cần Thơ khi cây cầu chưa khánh thành, đặt ba-lô dưới chân lặng ngắm dòng phù sa lững lờ trôi giữa hai triền sông cây cối xanh ngút mắt, Quốc Nam đi tới quyết định chọn thuê đất dài hạn tại Khu công nghiệp Bình Minh để xây dựng cơ ngơi - nơi sản xuất sản phẩm công nghệ gien Oligo đầu tiên ở Việt Nam (và cũng là số ít trên thế giới).

Các cấp chính quyền tỉnh Vĩnh Long và Cần Thơ nhiệt thành ủng hộ anh, thực hiện mọi thủ tục pháp lý thuận lợi nhanh chóng để công ty có tên Phù Sa ra đời. Vậy là sau 17 năm bôn ba ở nước ngoài, ước mơ trở về Việt Nam để “làm nên một điều gì đó cho quê hương” của Nam bước đầu đã thành hiện thực. Cái tên Phù Sa mà anh đặt cho công ty ở vùng đất phù sa này đã mang đầy đủ ý nghĩa đó. Anh muốn nó trở thành nơi ươm mầm công nghệ mới, bồi đắp cho những ý tưởng sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng trong thực tiễn cho thế hệ những nhà khoa học trẻ trên quê hương.

Thực hiện bước tiếp theo, Công ty Phù Sa đặt mục tiêu: tuyển chọn những người có lòng đam mê, sẵn sàng đi theo con đường nghiên cứu lâu dài và gian khó, kiên trì chờ đợi thành quả không dễ có trong một thời gian ngắn. Công ty cũng không hấp dẫn ứng viên dự tuyển bằng đưa ra mức lương cao - dù công ty 100% vốn tự có của chủ doanh nghiệp.

Giờ đây, nhìn từ trên cầu Mỹ Thuận phía Vĩnh Long, thấy lô xô mái nhà trắng của Phù Sa nằm lọt thỏm giữa mênh mông đất trống trong Khu công nghiệp Bình Minh chưa được phủ kín. Trên diện tích gần 5.000m², Phù Sa đã xây dựng được hàng ngàn mét vuông phòng thí nghiệm khang trang theo “chuẩn Mỹ”... Văn phòng mới, tòa nhà 4 tầng đã duyệt thiết kế sẽ xây trong năm tới. Một kế hoạch cử cán bộ kỹ thuật nòng cốt đưa sang đào tạo dài hạn tại Mỹ đã được ban giám đốc hoạch định cụ thể trong năm học 2014 - 2015.

Kỹ sư - Thạc sĩ Ngô Quốc Nam giảng bài cho cán bộ, công nhân viên kỹ thuật của Công ty Gen - Phù Sa (khu công nghiệp Bình Minh) tại Vĩnh Long - Cần Thơ. Ảnh: Mai Trinh

Kỹ sư - Thạc sĩ Ngô Quốc Nam giảng bài cho cán bộ, công nhân viên kỹ thuật của Công ty Gen - Phù Sa (khu công nghiệp Bình Minh) tại Vĩnh Long - Cần Thơ. Ảnh: Mai Trinh

        “Vị thầy” trên đất phù sa

Để thuận lợi cho công việc, Ngô Quốc Nam đã phục hồi quốc tịch Việt Nam. Phía Pháp và Mỹ, anh xin giữ chế độ thẻ cư trú (Green Card) để dễ dàng đi lại. Nam như con thoi, hàng quý di chuyển từ Mỹ - Việt Nam - châu Âu và Trung Quốc, giờ bay cộng lại có lẽ không thua một phi công! Những tháng ngày đầu tiên với Phù Sa, ngoài lo xây dựng cơ bản, đến nay sau 5 năm hoạt động, anh luôn là người thầy thực sự đối với nhân viên của mình. Ngô Quốc Nam không chỉ trực tiếp đào tạo từng nhóm chuyên môn trong lĩnh vực hẹp của công nghệ gien, anh còn chỉ dạy những kỹ năng khác trong hoạt động khoa học chuyên nghiệp. Anh lên lớp giảng bài bất kỳ lúc nào có thể, ngoài chuyên môn sâu, còn có môn Anh ngữ chuyên ngành, chuyên đề kinh tế, xuất nhập khẩu, các quy trình hoạt động theo đúng luật pháp Việt Nam và các nước.

Ngô Quốc Nam trầm tính, rất kiệm lời khi nói về mình. Bên bàn nước, anh trầm ngâm: “Tôi thấy nền giáo dục của Việt Nam dù còn những điều đáng bàn, nhưng không nên “vùi dập” nó quá! Bằng chứng là những cán bộ nhân viên Phù Sa đều học trong nước, thậm chí dưới “tỉnh lẻ” mà nay ai cũng thành nhân viên tin cậy của công ty, không thua kém người của công ty bên San Jose”.

Ngô Quốc Nam, ngoài vị trí Giám đốc Công ty Phù Sa anh cũng đồng thời là Tổng giám đốc Công ty CTGen (công ty mẹ ở San Jose). Từ năm 2003 đến 2010, anh đã có 6 bằng sáng chế về công nghệ gien. Các bằng sáng chế do CTGen đứng tên xin chứng nhận được nhà nước Mỹ cấp bằng và đã được chuyển giao công nghệ cho Phù Sa.

Công ty Phù Sa hiện nay đã trở thành nơi làm việc của trên 40 cử nhân và thạc sĩ ngành Sinh - Hóa được đào tạo cơ bản chủ yếu tại Trường Đại học Cần Thơ. “Nhân viên của tôi ở đây thông minh, sáng dạ. Hồi đầu tôi cũng lo, nhưng sau thời gian tích cực đào tạo tại chỗ, các em tiến bộ đến không ngờ”, anh Nam bộc bạch.

Lướt theo hành lang nhìn qua cửa kính sạch đến trang nghiêm, những bạn trẻ ở đây đang tập trung cao cho công việc. Tôi khẽ trò chuyện với Nguyễn An Thuận, sinh năm 1987, quê tận ngoài Ninh Thuận. Thuận lấy từ lò sấy mẻ những tinh thể màu trắng ngà, như hạt đậu xanh và cho biết: “Sản phẩm đó là Frit, phải mất nhiều ngày mới có, tính luôn từ nhập hóa chất đến thành phẩm rồi kiểm tra lại, phải mất gần 10 ngày cho mỗi lô hàng”.

Năm 2009, Thuận được tuyển làm việc ngay sau tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học tự nhiên (ngành hóa), nay sau 4 năm em đã là Trưởng phòng Hóa của công ty. Ngoài Thuận, có thể kể đến Phó giám đốc Đỗ Thị Trang Nhã - thạc sĩ Sinh học của Trường Đại học Cần Thơ; cử nhân, Trưởng phòng Kỹ thuật Lê Thái Phương Thảo, cũng từ Đại học Cần Thơ về đây gầy dựng từ tháng 6-2008, khi Phù Sa còn là bãi đất hoang. Nay hai bạn là cộng sự năng động, trách nhiệm gánh vác công việc khi tổng giám đốc vắng mặt, đứng lớp giảng dạy đào tạo thế hệ đàn em.

Ra khỏi phòng thí nghiệm, nhìn xung quanh môi trường nơi đây được chăm chút, nơi nào cũng sạch tinh, không khí thoáng mát trong lành như muốn níu chân người thăm. Bên tường bao một màu sơn trắng là hàng cây ăn trái xanh mươn mướt. Thì ra phù sa sông Hậu cũng đãi công lao người đến và gắn bó, gầy dựng nên Công ty Phù Sa hôm nay với ngành công nghệ hiếm trở thành hiện thực tại quê hương Việt Nam.

Sản phẩm do Công ty Phù Sa sản xuất có tên chuyên môn Oligo (đoạn gien ngắn mạch đơn, dùng trong công nghệ gien, khuếch đại trình tự gien). Công nghệ này ứng dụng trực tiếp sản xuất Kit chẩn đoán, nghiên cứu, pháp y… Sản phẩm của công ty được ứng dụng vào Kit chẩn đoán bệnh trên người - bệnh lao, thủy sản - bệnh đốm trắng trên tôm, trong nông nghiệp - chẩn đoán cây biến đổi gien hay còn gọi là cây GMO. Ngoài ra còn có công nghệ sản xuất Frit (viên nhỏ màu trắng, dạng hình trụ tròn, bé như hạt đậu) là giá thể pha rắn dùng tổng hợp Oligo. Công ty hiện đang liên kết, hợp tác chặt chẽ hoạt động khoa học và ứng dụng cho công trình nghiên cứu đa dạng với Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TPHCM; Khoa Thủy sản, Nông Nghiệp Đại học Cần Thơ; Viện Sinh học Nhiệt Đới TPHCM.

Sản phẩm của công ty giúp ích cho những chẩn đoán lâm sàng trong y học, rút ngắn thời gian và quy trình phát hiện bệnh sớm, tạo thuận lợi trong điều trị. Đáng chú ý về hiệu quả của công trình này là giảm giá thành trong quá trình phát hiện bệnh, giúp người có thu nhập thấp cũng có khả năng chẩn đoán bệnh bằng công nghệ tiên tiến.

TS BÙI BÍCH NGỌC

Tin cùng chuyên mục