Tản mạn

Người Tràng An?

Người Tràng An?

Nói đến người Tràng An, ai cũng biết là người Hà Nội của kinh đô ngàn năm văn hiến. Nhưng về tính cách của họ thì không phải ai cũng tường tận!

“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”

Người Tràng An? ảnh 1

Phố Hà Nội trong tranh của danh họa Bùi Xuân Phái.
Ảnh: T.N.

Đọc câu ca dao trên, thoạt đầu có lẽ nhiều bạn cũng nghĩ như tôi: Chữ “thanh” trong thanh lịch là: thanh tao, thanh tịnh, thanh đạm, thanh khiết…

Còn chữ “lịch” là: lịch lãm, lịch thiệp, lịch duyệt… có ý nghĩa là đẹp cả về hình thức lẫn nội dung.

Thế nhưng một giáo sư sống lâu năm ở Hà Nội lại giải thích khác: Đó chỉ là suy nghĩ về mặt ngôn từ mà thôi, còn muốn hiểu thanh lịch của người Tràng An thực sự phải hiểu từ bản chất.

Thanh lịch được hiểu nôm na là “nền nã” thì đúng hơn. Câu ca dao trên không những khẳng định tính cách người Tràng An mà nó còn phảng phất sự kiêu kỳ, và buộc mọi người phải công nhận như một chân lý.

Để hiểu rõ hơn thì “trăm nghe không bằng một thấy”. Vậy là tôi cất công ra thủ đô để tìm những con người nền nã.

Người đầu tiên tôi gặp là anh xe ôm, trên đầu đội cái nón cối màu xanh có hai chữ “Quyết thắng” đỏ chói.

Thấy tôi nhìn lâu, anh giải thích ngay: “Cái mũ lày nhặt được của mấy “chíp hôi” đi cổ vũ cho đội bóng Việt Nam hôm lọ đấy!”. Tôi hỏi anh ở Hà Nội đã lâu chưa, anh nói có vẻ giận: “Từ ngày cụ rùa ở hồ Hoàn Kiếm chỉ to bằng cái mũ cối của em thôi. Thề có bóng đèn, em mà lói dối bác nà em chết!”.

Đi một hồi thấy quá lâu, tôi giở bản đồ để chứng minh cho anh thấy là đã đi vòng vo không cần thiết. Anh cười hề hề gãi đầu: “Bác cho em xin! Tại quy hoạch”.

Trời Hà Nội cuối thu đẹp lắm! Nhưng nói lên được những vẻ đẹp thâm nghiêm của nó theo cảm nhận của người miền Nam thì chắc chỉ có nhạc Trịnh.

Người ta nói ra Hà Nội mà không ăn phở thì coi như không biết Hà Nội. Sáng sớm tôi tìm đến một quán nổi tiếng trên đường Lý Quốc Sư, để cảm nhận cái ngon như cụ Nguyễn Tuân hay Thạch Lam, Vũ Bằng đã từng viết.

Cũng như các hàng quán ở Sài Gòn, mới ngồi xuống đã có một chú đánh giày sán lại. Tôi vội từ chối, cậu quay sang người ngồi kế bên. Đó là một người đàn ông trung niên nom mặt gồ ghề, râu nhiều hơn tóc, đang vừa ăn vừa đọc báo.

Bên cạnh ông là một ly cối rượu đế. Có lẽ bực dọc do bị chú nhóc quấy rầy, nên bất ngờ ông đập tờ báo xuống bàn quát: “Răng bố mày còn chả đánh, nói gì đến đánh giày!”.

Hà Nội có những con đường chật hẹp mà nên thơ. Xe chúng tôi đang đi trong một “phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu” đã vào thi ca.

Giữa đường có một bác đi như thể trái đất cũng đang nghiêng. Còi xe thế nào cũng không tránh, mọi người tưởng bác bị nghễnh ngãng. Bác lái xe sau khi đã vượt qua mặt, bực mình quát: “Ông muốn chết hả!”. Nào ngờ bác ấy quát lại còn to hơn: “Thế mày tưởng ông muốn sống lắm hả!”.

Ở Hà Nội mấy ngày, tôi chưa tìm ra được một người Tràng An nào cụ thể, kể cả việc đã gặp những con người góc cạnh nói trên, nhưng cũng được tiếp xúc với nhiều người mà tôi nghĩ là người Hà Nội thật, tuy chẳng ai chịu nhận mình là người Tràng An.

Qua đó tôi học được ở đây nhiều điều vừa thú vừa ngộ. Như bác đạp xích lô, am hiểu từng ngóc ngách Hà Nội và nói tiếng Tây như gió. Hoặc cụ ông râu tóc bạc phơ đang tập dưỡng sinh bên bờ hồ vào buổi sớm, thấp thoáng mờ ảo như tiên ông.

Cụ đã không ngại mất thời gian ôn tồn giải thích từng dấu ấn về lịch sử Hà thành, lý giải vì sao cụ Nguyễn Siêu qua tháp bút muốn viết ý nguyện của mình trên trời xanh. Phải chăng đó cũng là ẩn chứa tấm lòng người Hà Nội.

Nói về sự pha trộn phong cách như hiện nay, cũng vị giáo sư trên đã giải thích: Tràng An là nơi hội tụ của bốn phương đất nước, sớm nhất trong lịch sử trải qua gần mười thế kỷ.

Chính chiều dày lịch sử đã tạo nên con người với một sự ứng xử thế nào cho đẹp… Trong những giai đoạn khác nhau có sự thay đổi dân số cơ học tại Thăng Long có làm vợi bớt đi những tính cách được kết tinh từ lâu đời và đưa vào những tính cách chưa được hoàn hảo, chưa thật đẹp.

Những cái như thế thay thế nhau một cách khiên cưỡng, không theo quy luật, và để lại trong lòng những người vốn gắn bó với Hà Nội xa xưa một sự luyến tiếc... Nhưng không phải lo ngại vì thực ra một trung tâm lớn nó có khả năng bao chứa hết mọi thứ.

Sau một thời gian dài tự nó sẽ thanh lọc trở lại. Tinh hoa sẽ còn lại, phù phiếm, lai căng sẽ mất đi. Hà Nội là thế!

Vâng! Hà Nội ngày nay đang đổi thay từng giờ theo xu thế hội nhập, nhưng những nét cổ kính, thâm nghiêm sẽ giữ cho Hà Nội đẹp mãi. Tính cách của người Tràng An xưa rồi cũng sẽ được trả lại cho người Hà Nội, chúng ta hãy tin lời của giáo sư.

Nhưng sao tôi vẫn cứ thấy tiếc và mong như lời Cao Bá Quát, một sĩ phu, một công dân nổi tiếng của thành Thăng Long xưa từng ước: “Một đêm tôi nằm ngủ, bỗng nghe mùa xuân đến phá tan cái rét cuối đông, sáng mai trở dậy thấy khắp nơi hoa nở thắm rực. Tôi ước sao việc đời cũng như việc hoa”.

Tôi cũng cầu mong sao cho hồn Hà Nội mãi mãi giữ được tính cách của người Tràng An. Có lẽ đó cũng là một báu vật văn hóa phi vật thể của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

TUYẾT ANH

Tin cùng chuyên mục