Ở Nhật Bản, giới trẻ phần lớn thích truyện tranh và đó được gọi là văn hóa còn ở Việt Nam, những năm gần đây thống kê cho thấy giới trẻ lười đọc. Vậy sự thật, giới trẻ ngày nay lười đọc hay lười đọc dài? Những loại sách nào được đông đảo các bạn trẻ yêu thích?
Vì sao lại là ngôn tình?
Nói đến ngôn tình, người ta sẽ nhắc đến hàng loạt cuốn sách của các tác giả Trung Quốc: Tào Đình, Cố Mạn hay Diệp Lạc Vô Tâm - đang bán rất chạy ở Việt Nam.
Loại sách này chủ yếu nói về tình yêu trắc trở, cùng nhau vượt qua thử thách để tìm đến hạnh phúc của hai nhân vật nam - nữ chính. Hầu hết các bạn trẻ yêu thích ngôn tình đều trả lời rằng khi đọc chúng người ta tìm thấy một chút thoải mái trong tâm trạng và họ tìm thấy được tình yêu đích thực trong thế giới ảo mà ngoài đời thực không có. Nhiều bạn trẻ khác cho rằng, sách ngôn tình nói đúng tâm trạng, người đọc như thấy được chính mình trong đó, hơn nữa, ngôn tình rất dễ đọc, dễ hiểu và dễ bắt chước. Những bạn nữ tuổi mới lớn thần tượng hóa các nhân vật nam trong tiểu thuyết ngôn tình, họ lấy các nhân vật ảo này làm thước đo để chọn người yêu. Ngoài ra, một số bạn trẻ còn lập hẳn các fanpage “Hội phát cuồng vì tiểu thuyết ngôn tình” và những trang mạng đăng các tiểu thuyết ngôn tình hay nhất. Tuy nhiên, loại sách này thường bị các nhà phê bình chê vì không phải là sách văn học, không có giá trị về mặt tư tưởng và từ ngữ gây lệch lạc về nhận thức, đôi khi còn pha yếu tố sex.
Đặc biệt, hiện nay, một loại sách ngôn tình là đam mỹ rất thu hút giới trẻ bởi nội dung khác lạ. Đam mỹ là sách xuất phát từ trào lưu văn học Yaoi Nhật Bản nói về tình yêu nam - nam và có những cảnh 18+ và tác giả đều là nữ. Người hâm mộ sách này đều là các bạn nữ, họ cho rằng những câu chuyện trong tiểu thuyết tình cảm khá ủy mị, nó chỉ dừng lại ở việc người này yêu người kia và chép lại những nhu cầu tình yêu mà ai cũng trải qua mà thôi và nó không khiến độc giả phải suy nghĩ khi gấp sách lại. Chính vì thế, những trắc trở khác biệt của tình yêu giữa nam giới được đề cập trong đam mỹ và cái kết không bao giờ có hậu đã kích thích sự tò mò của giới trẻ. Tuy nhiên, những người yêu thể loại sách này hiện không hài lòng và dần ít đọc hơn, họ chỉ tìm những bản cũ để đọc vì đam mỹ hiện bị lệch chất và biến chứng rất nhiều. Người hâm mộ lo rằng, khi sách đam mỹ xuất hiện tràn lan và không kiểm soát được độ tuổi người xem thì các bạn trẻ dễ bị ảnh hưởng. Cẩm Hồng (sinh viên năm thứ hai một trường đại học) lo ngại: “Tôi không biết các bạn trẻ thật sự đam mê đam mỹ không hay chỉ hưởng ứng theo trào lưu. Tôi đã chứng kiến một bé mới 13, 14 tuổi mà rành rọt truyện đam mỹ đủ kiểu. Như vậy thật nguy hiểm cho giới trẻ khi các bạn chưa đủ hiểu biết để tự nhận thức”.
Ngán đọc sách… nhiều chữ
Ngoài tiểu thuyết ngôn tình, giới trẻ còn yêu thích truyện tranh Nhật Bản, sách tâm lý, kỹ năng sống, truyện ngắn, văn học kinh điển, phong thủy… Một số ít thích đọc sách triết học, khảo cổ học, nghiên cứu thế giới động vật, quá trình phát triển của loài người và hồi ký chiến tranh. Đỗ Trường (sinh viên Cao đẳng Phát thanh truyền hình II) chia sẻ: “Trải qua nhiều mối tình, va vấp nhiều trong đời nên mình thích những cuốn tiểu thuyết Đồi gió hú, Sông đông êm đềm, Chiến tranh và hòa bình hay sách của Quỳnh Dao, Haruki Murakami đem lại cho mình những câu chuyện nhân sinh về tình cảm và xã hội. Tiểu thuyết tình cảm không chỉ có tình cảm mà còn mang lại cho mình kiến thức về tâm lý, tình dục, hôn nhân và gia đình. Đối với mình, những cuốn sách hay không phải lượng ấn bản phát hành hay tiêu thụ “khủng”, cũng không hẳn là vì tên tuổi tác giả được báo chí truyền thông tung hô, mà đơn giản, là những cuốn sách phản ánh đúng tâm trạng của người đọc”.
Người trẻ đọc sách tại Hội sách TPHCM năm 2016. Ảnh: TƯỜNG VY
Trong khi đó, sự thật là sách nghiên cứu khoa học quá dài với những khái niệm hàn lâm khó hiểu, nội dung khô khan; một vài quyển giáo trình dành cho sinh viên cao đẳng - đại học không đào sâu thực tiễn, không thiết thực. Nhiều bạn trẻ cho rằng, nếu chọn đọc sách khoa học và xem phim khoa học thì hãy chọn xem truyền hình vì dễ tiếp thu, dễ tưởng tượng, không phức tạp như trong sách viết. Tuy nhiên, cũng có không ít bạn trẻ hào hứng với loại sách này. Phan Thị Hồng Hạnh (sinh viên Đại học Văn hóa) bày tỏ: “Tôi không thích đọc ngôn tình vì nó quá hư cấu, nếu muốn trải nghiệm tình yêu thì chờ đến khi trưởng thành. Tôi thích dòng sách hồi ký về chiến tranh hiểu thêm về cuộc sống và yêu đất nước mình hơn”. Một số ít bạn trẻ lại chọn sách nghiên cứu triết học hay văn học vì cung cấp khá nhiều kiến thức…
Ngoài ra, Manga Nhật Bản, sách tâm lý, cuộc sống luôn là lựa chọn hàng đầu của giới trẻ bởi nó đáp ứng được nhu cầu cá nhân của giới trẻ như đem lại kiến thức, các kỹ năng mềm trong cuộc sống, dần hình thành tư duy, có cái nhìn khách quan và nhiều điều ý nghĩa mà ở ngoài đời không thể lý giải được.
THU HƯƠNG